Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà Nước về bảo vệ môi trường
Năm 2012: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà Nước về bảo vệ môi trường Ngày 4/1/2011, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai công tác năm 2012. Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch công tác năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2012 của Tổng cục. Trong năm 2011, Tổng cục Môi trường đã chủ động khắc phục khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, đóng góp lớn cho sự thành công chung của ngành TN&MT. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và đã có nhiều chuyển biến nhất định. Trong đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 29/NĐ-CP về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (BVMT); Thông tư 26/TT-BTNMT hướng dẫn thi hành Nghị định 29/NĐ-CP; Nghị định số 108/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT về tiêu chí và danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại; Xây dựng và ban hành mới một số quy chuẩn về môi trường… Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề năm 2011 của Quốc hội về công tác BVMT tại một số khu kinh tế và làng nghề trên cả nước. Từ các kết quả giám sát, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện các giải pháp như rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về BVMT đối với khu kinh tế và làng nghề; ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu, khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra . Cũng trong năm qua, Tổng cục đã thực hiện 5 cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn 32 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, lập biên bản 154/375 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật về môi trường nổi cộm trong thời gian qua như: hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của Công ty Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) và Công ty Long Tech (Bắc Ninh), vụ xả chất thải nguy hại ra môi trường của Công ty Tân Phát Tài (Đồng Nai). Về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay, đã có 364/439 cơ sở (chiếm 83%) cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với sự chủ động và tích cực triển khai thực hiện, năm 2011, Tổng cục đã đề xuất hồ sơ Ramsar của Vườn quốc gia Ba Bể cho Ban thư ký Công ước Ramsar và được công nhận là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam; hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Ramsar của Vườn quốc gia Tràm Chim và Mũi Cà Mau. Đồng thời, tổ chức thành công cuộc họp nhóm công tác trong khu vực ASEAN vế biến đổi khí hậu lần thứ 2, Lễ kỷ niệm Ngày bảo tồn Hổ thế giới; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 8… Bên cạnh đó, Tổng cục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, triển khai các Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông, thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường và quan trắc môi trường nước; Chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT… Có thể nói, trong năm 2011, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên phạm vi cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện. Các quy định của Luật BVMT đã bước đầu được đánh giá một cách toàn diện các tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, qua đó phát hiện kịp thời những bất cập, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi Luật. Các hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT; hoạt động quản lý chất thải, đặc biệt là quản lý chất thải nguy hại, cải thiện môi trường, kiểm soát ô nhiễm đã ngày càng đi vào nề nếp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều điểm nóng về môi trường tiếp tục được phát hiện và xử lý, tạo được sự đồng tình, ủng hộ trong xã hội. Để triển khai hiệu quả công tác trong năm 2012, Tổng cục Môi trường tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp định hướng chính sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT phù hợp với các yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Tập trung nghiên cứu, đánh giá sử đổi Luật BVMT năm 2005, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh, thống nhất chức năng quản lý, tránh chồng chéo, phân tán. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số văn bản quan trọng như: dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT (thay thế Nghị định số 117/2009/NĐ-CP); dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về BVMT đến năm 2020, Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020… Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với 3 hợp phần (Xử lý ô nhiễm tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường tại các điểm hóa chất tồn lưu; Xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải cho các đô thị từ loại II trở lên) thông qua đó sẽ khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay. Tiếp tục triển khai Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, tập trung vào các đối tượng sau: Các cơ sở nhập khẩu phế liệu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông; cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản; cơ sở hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật lập đánh giá tác động môi trường cho 4 loại hình dự án: khai thác đất hiếm; xây dựng nhà máy sản xuất cồn rượu; xây dựng hạ tầng khu du lịch và trồng cây cao su. Tổ chức xây dựng Chương trình truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng BVMT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020… Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và cố gắng về những kết quả đạt được của Tổng cục Môi trường trong năm qua. Để tạo được bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, năm 2012, Tổng cục cần chủ động, triển khai quyết liệt các đề án BVMT lưu vực sông, phát huy vai trò của UBND các tỉnh trên địa bàn các lưu vực sông và các Bộ/ngành có liên quan. Tập trung tiến hành nghiên cứu, xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) để có thể kịp trình Quốc hội khóa XIII xem xét trong năm 2013. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Luật Đa dạng sinh học; Xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020. Tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm trong toàn quốc, tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, đẩy mạnh phối hợp kiểm soát ô nhiễm và cải thiện môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải cũng như truyền thông nhận thức của cộng đồng về BVMT. V.Nhung TCMT 01/2012 . Năm 2012: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà Nước về bảo vệ môi trường Ngày 4/1/2011, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị. Chính phủ ban hành Nghị định 29/NĐ-CP về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (BVMT); Thông tư 26/TT-BTNMT