Vấn đề môi trường trong mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ tại việt nam
VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THIÊN NIÊN KỶ TẠI VIỆT NAM Vân Anh Sở Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã trải qua 2/3 chặng đường thực hiện Tuyên bố thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu vào năm 2015. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của Tuyên bố Thiên niên kỷ do 189 nguyên thủ quốc gia cam kết thực hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2000. Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015 gồm 8 mục tiêu: (1)Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; (2) Phổ cập giáo dục tiểu học; (3) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; (4) Giảm tỷ suất tử vong ở trẻ em; (5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ; (6) Phòng chống HIV/AIDS và các bệnh dịch nguy hiểm khác; (7) Đảm bảo bền vững về môi trường và (8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển. Qua gần 10 năm phấn đấu, Việt Nam đã hoàn thành 03 mục tiêu là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, pho cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; có 02 mục tiêu với nhiều thách thức và khó khăn là phòng chống HIV/AIDS và các bệnh dịch nguy hiểm khác và đảm bảo bền vững về môi trường. Mục tiêu đảm bảo bền vững về môi trường gồm các nội dung: Lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững trong các chính sách và chương trình phát triển quốc gia; Đẩy lùi tình trạng suy thoái tài nguyên và môi trường trong những lĩnh vực cụ thể như: Diện tích đất có rừng che phủ, cung cấp nước sạch hợp vệ sinh và điều kiện môi trường nơi sinh sống, cải thiện điều kiện ở của nhân dân; kìm hãm sự gia tăng ô nhiễm, khuyến khích sản xuất sạch hơn; tích cực phòng ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp. Tuy là một trong những mục tiêu có nhiều thách thức và khó khăn, nhưng trong 10 năm qua, mục tiêu đảm bảo bền vững về môi trường cũng đạt được một số kết quả. Tích cực triển khai Chương trình nghị sự 21 (Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam), thực hiện mục tiêu đảm bảo bền vững về môi trường; các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được rà soát lại dưới góc nhìn phát triển bền vững, nhờ đó các nguyên tắc phát triển bền vững đã được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Quốc gia, Bộ, ngành và địa phương; Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 và hàng loạt các quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn sinh học, các khu được bảo vệ cũng được xây dựng. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đã tăng từ 30% năm 1990 lên 83% năm 2010 và điều kiện ở của người dân được cải thiện, tiếp tục xóa nhà đơn sơ cho người nghèo, hỗ trợ vật liệu hoặc tiền để người dân sống ở vùng nghèo, đặc biệt khó khăn cải thiện nhà ở. Đến năm 2009, tỷ lệ nhà đơn sơ trên toàn quốc còn 7,8%. Tuy nhiên, việc phải hoàn thành mục tiêu này ở năm 2015 đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Điều đó bắt nguồn từ thực tế quản lý, chất lượng tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính và nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hiện tại, chất lượng tài nguyên rừng chưa được cải thiện: Rừng nghèo, rừng tái sinh chiếm 55% tổng diện tích rừng và tình trạng khai thác tràn lan chưa ngăn chặn triệt để; cháy rừng và thiên tai cũng ảnh hưởng lớn đến tài nguyên này; Tài nguyên đất suy thoái trên 50% diện tích tự nhiên; Tài nguyên nước chưa được quy hoạch tốt và môi trường nước chưa được bảo vệ hiệu quả; Tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và sử dụng không hợp lý; Tài nguyên đa dạng sinh học suy giảm mạnh; Tài nguyên, môi trường biển và ven biển bị xâm hại; Môi trường đô thị và nông thôn tiếp tục bị ô nhiễm và suy thoái từ sản xuất công nghiệp (chỉ có 45% khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt chuẩn), ô nhiễm bụi, ô nhiễm khí, nước mặt, chất thải y tế,… Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi và suy thoái các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái; giảm đa dạng sinh học, tăng ô nhiễm môi trường; thay đổi quá trình tương tác giữa hệ sinh thái và con người, dẫn tới mất đa dạng sinh học và các nguồn bổ trợ cuộc sống cơ bản là những thách thức lớn. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề phải giải quyết: thực hiện mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; xử lý các vấn đề về chênh lệch giữa vùng cao với đồng bằng, giữa đô thị với nông thôn; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước; sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế; đầu tư phát triển nguồn nhân lực,…; chặn đứng suy thoái môi trường do sức ép từ gia tăng dân số và nhu cầu nâng cao mức sống người dân; mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt về kinh tế với lợi ích lâu dài về môi trường,… Khó khăn và thách thức, nhưng đến năm 2015, mục tiêu đảm bảo bền vững môi trường phải đạt các tiêu chí: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,5%; Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch hợp vệ sinh là 96% ở nông thôn và 98% ở đô thị; 70% khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 85% chất thải rắn ở đô thị được thu gom; 85% chất thải y tế được xử lý; 80% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Với dân số phần lớn là nghèo, sống phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và khai thác các nguồn lực tự nhiên để đảm bảo sinh kế thì việc thực hiện thành công mục tiêu đảm bảo môi trường bền vững ở năm 2015 và duy trì bền vững kết quả thực hiện các mục tiêu trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với Việt Nam./. . VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THIÊN NIÊN KỶ TẠI VIỆT NAM . nguyên và Môi trường Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã trải qua 2/3 chặng đường thực hiện Tuyên bố thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển thiên