Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức hợp lý các cấp chính quyền địa phương, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thuật ngữ “Chính quyền địa phương” thường được hiểu là những đơn vị của chính quyền trực tiếp cung cấp dịch vụ cho công dân tại cấp trung gian thấp và thấp nhất. Tại một số nước trên thế giới, các đơn vị chính quyền địa phương đã có quyền tự trị từ rất lâu trước khi các quốc gia đó được thành lập với cơ cấu tổ chức chính quyền như hiện nay và do đó, không cần sự phân cấp thấm quyền từ cấp chính quyền cao hơn cho các đơn vị này. Tại một số nước có cơ cấu nhà nước đơn nhất, chính quyền địa phương thi hành quyền lực của mình theo nguyên tắc quyền lực của chính quyền cấp dưới do chính quyền Trung ương trực tiếp ủy nhiệm, và cấp trung ương có thế bãi bỏ việc ủy nhiệm đó. Tại một số nước thuộc hệ thống đơn nhất khác, chính quyền địa phương hoạt động theo nguyên tắc thẩm quyền chung, và trên nguyên tắc được phép thực thi những thẩm quyền không thuộc chính quyền Trung ương. Khác với chế độ tự quản địa phương của một số nước, chính quyền địa phương của Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước thống nhất, bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và các cơ quan, tổ chức khác được thành lập trên cơ sở các cơ quan quyền lực nhà nước này theo quy định của pháp luật nhằm quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và kết hợp hài hoà giữa lợi ích nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước. Với nội dung tiểu luận, tôi mong muốn góp phần làm rõ hơn về cơ cấu chính quyền địa phương tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương Việt Nam trong giai đoạn hiện nay theo xu hướng chung và phù hợp với Hiến pháp 2013.