2. Các mô hình định giá cổ phiếu Có nhiều phương pháp để định giá cổ phiếu, trong đó có 3 phương pháp được sử dụng phổ biến đó là: Định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiếu khấu dòng tiền (DCF); Định giá cổ phiếu dựa vào các hệ số (như PE, PS...); Định giá cổ phiếu dựa trên giá trị tài sản ròng có điều chỉnh. a. Định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiếu khấu dòng tiền (DCF) Phương pháp này dựa trên nguyên tắc cơ bản là “tiền có giá trị theo thời gian”, giá trị cổ phiếu được xác định bằng cách dự đoán dòng tiền tạo ra trong tương lai rồi chiết khấu chúng về thời điểm định giá, theo một tỷ suất sinh lợi tương ứng với mức độ rủi ro của cổ phiếu đó. Nguyên tắc chung là vậy, nhưng trên thực tế dòng tiền được đề cập ở đây rất đa dạng. Do đó đã tạo ra nhiều mô hình định giá khác nhau: Mô hình chiết khấu cổ tức (DDM): giá trị nội tại của cổ phiếu chính là giá trị hiện tại của toàn bộ cổ tức mà cổ phiếu đó mang lại trong thời gian vô thời hạn. Mô hình chiết khấu dòng tiền tự do của vốn chủ sở hữu (FCFE): giá trị nội tại của cổ phiếu chính được tính dựa trên dòng tiền thuần của vốn chủ sở hữu, hay tổng dòng tiền thu nhập sau thuế dành riêng cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Mô hình chiết khấu dòng tiền tự do của toàn công ty (FCFF): giá trị nội tại của cổ phiếu được tính dựa trên tổng dòng tiền thu nhập của tất cả các đối tượng có quyền lợi trong doanh nghiệp (bao gồm cả chủ nợ và chủ sở hữu), hay tổng dòng tiền sau thuế từ hoạt động kinh doanh được phân phối cho cả chủ nợ và cổ đông. Tại Việt Nam, việc ước tính dòng tiền khó có thể chính xác, chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa quen với việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, đặc biệt là dự báo chi tiết luồng tiền dài hạn vào ra.