1. Khái quát về tình hình kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Hưng Yên
2.1. Sự bùng nổ thông tin và các yếu tố tác động đến công tác tư
2.1. Sự bùng nổ thông tin và các yếu tố tác động đến công tác tư tưởng của đảng bộ tỉnh tưởng của đảng bộ tỉnh
Sau khi tỉnh Hưng Yên được tái lập (năm 1997), kinh tế - xã hội phát triển nhanh, khá toàn diện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, quốc phòng, an ninh ngày càng có tiến bộ rõ rệt, diện mạo đô thị và nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên…Trong đó công nghệ thông tin truyền thông là một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.
Các phương tiện và hạ tầng thông tin truyền thông phát triển khá nhanh, toàn tỉnh có 1 Đài phát thanh và truyền hình, 1 cơ quan báo in với 2 ấn phẩm là Hưng Yên hàng ngày và Hưng Yên hàng tháng, 1 tạp chí của hội văn học nghệ thuật tỉnh (Văn nghệ Phố Hiến), 01 bản tin thông báo nội bộ do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy biên soạn, phát hành hàng tháng để phục vụ sinh hoạt chi bộ; tỉnh có 8 trang web của các cơ quan đơn vị và 1 trang báo mạng. Mạng nội bộ của tỉnh đã được hoàn chỉnh khai thác có hiệu quả đến tất cả các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố phần nào đáp ứng việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản trong các cơ quan nhà nước. Mạng chuyển mạch gồm 02 tổng đài Host (NEAX 61Σ Thành phố Hưng Yên, E10 Mỹ Hào) và 113 điểm chuyển mạch vệ tinh. Tổng dung lượng lắp đặt là 185.796 lines. Mạng truyền dẫn cáp quang hiện được xây dựng đến tất cả trung tâm của huyện, thành phố, các khu công nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin truyền thông tại các cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên đã được đầu tư, mua sắm phục vụ cho công tác quản lý và điều hành. 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đều có mạng nội bộ (LAN-Local area network) và kết nối internet qua đường truyền ADSL. Tính đến hết năm 2010, tổng số máy vi tính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có khoảng 900 máy đạt 65 máy/100 cán bộ, công chức. 100% UBND các xã, phường, thị
trấn đều có mỗi đơn vị tối thiểu là 01 máy tính, 01 máy in và 01 moderm ADSL kết nối internet. Mạng WAN(Wide area network - mạng diện rộng). Sở Giáo dục – Đào tạo kết nối được với 10 Phòng Giáo dục huyện, thị xã, 26 trường PTTH và 13 trường PTTH cơ sở. Cho đến nay 100% các trường PTTH trên địa bàn tỉnh có phòng máy tính phục vụ công tác đào tạo. Ngoài ra tỉnh còn đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu để triển khai hệ thống thư điện tử và dịch vụ lưu trữ các trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có tổng số 164 điểm phục vụ bưu điện, tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu điện đạt 100%, tỷ lệ xã có báo đến trong ngày đạt 100%, tổng số thuê bao điện thoại toàn tỉnh khoảng 1.050.000, đạt mật độ khoảng 90 máy điện thoại/100 người dân. Thuê bao Internet phát triển rất nhanh, đặc biệt thuê bao tốc độ cao ADSL và cáp quang FTTH, tổng số thuê bao trên toàn mạng khoảng 36.133 thuê bao, cùng trên 30.000 thuê bao cố định không dây.đạt mật độ 5,94 thuê bao/100 người dân.
Tỉnh đã đầu tư nâng cấp Hệ thống thư điện tử để phục trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trên môi trường mạng, đến nay 100% cán bộ, công chức và các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên đều sử dụng thư điện tử (tổng số hơn 2100 hộp thư) với tên miền www.hungyen.gov.vn để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được đưa vào sử dụng chính thức tháng 01/2011 với 01 cổng chính và 33 cổng thành viên đã cung cấp khá đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh, thông tin về thủ tục hành chính,...
Sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện và hạ tầng thông tin truyền thông đã giúp nhân dân có điều kiện cập nhật thông tin trong tỉnh, trong nước và trên thế giới. Ngoài đọc báo, xem truyền hình thông qua các kênh thông tin của tỉnh, người dân Hưng Yên có thể xem được các đài truyền hình lớn như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC), Đài truyền hình Công an nhân dân (ANTV), truyền hình thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình VOV của đài tiếng nói Việt Nam, truyền hình internet....
Những kết quả tích cực về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và hạ tầng thông tin truyền thông, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác tư tưởng của Đảng bộ phát triển. Song, với những nguyên nhân nội tại cùng với tác động mặt trái của mạng thông tin toàn cầu đã đặt công tác tư tưởng trước nhiều khó khăn, thách thức mà Đảng ta đã chỉ rõ: Bên cạnh những thuận lợi do tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đem lại, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế; thiên tai, dịch bệnh, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; các hoạt động chống phá, kích động bạo loạn, "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch [37, tr. 16].. Dự báo tình hình những năm tiếp theo, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã nêu rõ:
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng và Nhà nước ta. Nhưng xu thế hội nhập, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo, có tác động sâu sắc đến chính trị, kinh tế nước ta. Thành tựu của 20 năm đổi mới, nhất là của 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã tạo cho thế và lực của nước ta lớn mạnh hơn nhiều, hòa bình và ổn định chính trị được giữ vững [67, tr. 38].
Việc thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cách mạng ở nước ta. Kinh tế thị trường đã và đang làm biến đổi sâu sắc nhận thức tư tưởng của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo bước chuyển quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang tác động tiêu cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đáng quan tâm là văn hoá, đạo đức và lối sống. Đồng thời nó đang làm biến đổi các bậc thang giá trị xã hội, làm xói mòn những giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống. Nó đang tạo ra tư tưởng, lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, coi đồng tiền cao hơn nhân phẩm, đạo lý, kéo theo đó là sự tha hoá về phẩm chất đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội như: mại dâm, ma tuý… gây nhức nhối cho xã hội.
Tình hình kinh tế-xã hội phát triển mạnh, kéo theo tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng trong khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện và nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội nên việc thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nhân dân khiếu kiện vượt cấp, đông người diễn ra kéo dài.
Qua thăm dò ý kiến của đảng viên, báo cáo của ban tuyên giáo cơ sở về "mong muốn những vấn đề cần được thông tin" kết quả cho thấy: Mong muốn được thông tin về: Các chủ trương, nghị quyết của Đảng: tỷ lệ 87,5%; kiến thức về phát triển kinh tế: tỷ lệ 80,8%; chính sách pháp luật của Nhà nước: tỷ lệ 68,3%; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước: tỷ lệ 82,5%; về theo dõi tình hình thời sự quốc tế: tỷ lệ 84,2%; các Hội nghị của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI, tỷ lệ 78,3 %; tình hình và diễn biến phức tạp trên biển Đông, tỷ lệ: 95%; về các Hội nghị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, tỷ lệ: 76,7%.
Các số liệu trên cho thấy, những sự kiện chính trị, xã hội trong nước, quốc tế và địa phương luôn là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và người dân hiện nay, qua đó có thể thấy sự đòi hỏi về nhu cầu của cán bộ đảng viên và nhân dân cần được cung cấp thông tin và kịp thời định hướng tư tưởng trong thời kỳ bùng nổ thông tin là rất cao.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh nhưng thiếu đồng bộ, chưa vững chắc; sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chuyển dịch chưa mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Số lượng dự án đầu tư vào địa bàn nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, còn nhiều dự án chưa thực hiện đầu tư nhưng xử lý chậm. Lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với lợi thế; các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ không đạt mục tiêu Đại hội XVI đề ra; chất lượng giáo dục - đào tạo vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển; một số nơi giải quyết thắc mắc, kiến nghị của nhân dân còn chậm, còn biểu
hiện đùn đẩy né tránh, dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp, có trường hợp kéo dài; sự kết hợp các lực lượng, các ngành, đoàn thể trong giải quyết một số vụ việc chưa đồng bộ, còn thiếu tinh thần trách nhiệm…
Bên cạnh những khó khăn xuất phát trong quá trình phát triển kinh tế thì tác động mặt trái của thông tin truyền thông toàn cầu cũng ảnh hưởng lớn tới tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác tư tưởng của đảng bộ. Mạng internet đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá, đưa nhiều thông tin, sai trái, thất thiệt gây hiểu lầm trong nhân dân, làm mất uy tín của một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều thông tin, sự kiện mà trước đây chúng ta có thể cấm tuyên truyền phát tán thì hiện nay với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như máy tính bảng, điện thoại smartphone, bất kỳ thông tin hay hình ảnh nào cũng có thể bị ghi hình và đăng tải trên các trang mạng xã hội với thời gian cực nhanh, như tường thuật trực tiếp. Ví dụ như: sự kiện diễn ra ở huyện Văn Giang là một điển hình.
Chính lúc này, sự xuất hiện nhiều vấn đề tư tưởng là không tránh khỏi. Hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng của đảng bộ đang được đặt trước những nhiệm vụ rất nặng nề. Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, hoạt động công tác tư tưởng của Đảng bộ Hưng Yên trở thành vấn đề vô cùng quan trọng để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.