Tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội của tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu Đổi mới công tác tư tưởng trong bối cảnh bùng nổ thông tin (qua khảo sát tỉnh Hưng Yên từ năm 2006 đến năm 2010) (Trang 47)

1. Khái quát về tình hình kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Hưng Yên

1.2. Tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội của tỉnh Hưng Yên

- Về kinh tế

Khi tỉnh mới tái lập, xuất phát điểm kinh tế còn thấp, Hưng Yên được xếp vào trong số 25 tỉnh có thu nhập GDP thấp nhất cả nước. GDP bình quân mới đạt 480 USD/người/năm. So với các tỉnh khác có thể coi Hưng Yên là “vùng trũng kinh tế”. Song, với đường lối đổi mới đúng đắn, phát huy được thế mạnh của tỉnh: nằm ở vị trí cửa ngõ thủ đô, trong khu vực tam giác kinh tế của đồng bằng Bắc Bộ và nhất là gần con đường giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh cảng Hải Phòng.

Đánh giá được tiềm năng, thế mạnh của mình, Hưng Yên với chính sách thông thoáng “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” nên chỉ trong 5 năm đã có 162 dự án công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào các khu công nghiệp và các khu kinh doanh dịch vụ của tỉnh.

Trên đà phát triển, những năm tiếp theo có 394 dự án được cấp phép hoạt động, có 54 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng kí là 1,1 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động. Trong đó đã có 160 dự án đi vào hoạt động, sản xuất, tạo ra 7000 tỷ VNĐ, giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp ngân sách cho tỉnh là 160 tỷ VNĐ [67, tr.4].

Đến năm 2005, Hưng Yên đã có sự chuyển đổi rõ rệt về cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp. Vốn là tỉnh thuần nông, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Phố Nối A rộng 390 ha; Khu công nghiệp Phố Nối B rộng gần 200 ha; Khu công nghiệp Minh Đức với gần 20 doanh nghiệp sản xuất, Khu công nghiệp Như Quỳnh…và đang hình thành nhiều cụm công nghiệp như: cụm công nghiệp đường 26, cụm công nghiệp đường 39 mới…

Công nghiệp, dịch vụ phát triển kéo theo sự tiến triển của tiểu thủ công nghiệp, một số làng nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển ổn định.

Trong 5 năm (2005 - 2010), kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 11,74%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2010 cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp - Công nghiệp, Xây dựng - Dịch vụ ước đạt: 25% - 44% - 31%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng (1.110 USD) [67, tr. 14].

Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển nhanh cây, con có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất tăng bình quân 3,5%/năm. Cơ cấu trong nông nghiệp năm 2010: cây lương thực 24% - cây công nghiệp, rau quả 30% - chăn nuôi, thuỷ sản 46%; giữ ổn định lương thực ở mức 450 kg/đầu người; phát triển được gần 4.000 trang trại, gia trại, hoạt động có hiệu quả, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hưng Yên là một trong 2 tỉnh trên toàn quốc sớm thực hiện miễn thuỷ lợi phí cho nông dân; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để nông nghiệp, nông thôn và nông dân đẩy mạnh sản xuất; nhiều nghề truyền thống và các loại hình dịch vụ trong nông thôn được khuyến khích phát triển.

Công nghiệp phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 21%/năm. Phát triển một số ngành sản xuất có tính động lực như: điện tử, dệt may, cơ khí và luyện thép với kỹ thuật tiên tiến. Sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt hơn; nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong 14 khu công nghiệp được quy hoạch đã có 5 khu đi vào hoạt động và 2 khu đã lấp đầy diện tích. Thu hút 813 dự án đầu tư (trong nước 633, nước ngoài 180), với tổng vốn đăng ký tương đương 3.590 triệu USD; 475 dự án đi vào hoạt động, đạt giá trị sản xuất gần 20 nghìn tỷ đồng/năm. Nhiều dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đóng góp trên 80% số thu ngân sách hàng năm [67, tr. 15]..

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm; xuất khẩu duy trì tốc độ tăng cao, bình quân 19,3%/năm. Năm 2010, kim ngạch xuất

khẩu đạt trên 500 triệu USD. Giá trị xuất khẩu hàng nông sản và chế biến ngày càng tăng. Các doanh nghiệp đã chủ động củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới; tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và tăng sức cạnh tranh.

Thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm (năm 2010 đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.400 tỷ đồng). Công tác quản lý thuế được cải tiến, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu, thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và nuôi dưỡng nguồn thu.

- Về chính trị:

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy, dân chủ được mở rộng. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới. Quản lý, chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân các cấp có nhiều tiến bộ, tăng cường quản lý Nhà nước theo pháp luật, tập trung nhiều hơn vào giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả điều hành. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt hơn vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; công tác giáo dục chính trị - tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên có nhiều đổi mới; nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương được nâng lên, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Tập trung củng cố, phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng

đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng những chủ trương và giải pháp thiết thực. Sớm thực hiện chương trình xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, giải quyết cơ sở đảng yếu kém; nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chi bộ. Bình quân hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh là 81,42%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 71% (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 12,4%).

Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị; dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng.

- Về văn hoá - xã hội:

Cùng với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo xây dựng quê hương, đất nước; truyền thống đoàn kết gắn bó, sống nhân nghĩa, thuỷ chung; truyền thống đấu tranh cách mạng, con người Hưng Yên có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ý chí vượt khó thành tài.

Hưng Yên là mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, nơi đây đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Trong 845 năm Nho học, Hưng Yên có 228 người đỗ đại khoa, trong đó có 8 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa, 47 hoàng giáp, đứng thứ tư trong cả nước. Tên của họ được lưu danh trên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, Văn Miếu Huế, Văn Miếu Xích Đằng của tỉnh. Trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và ở lĩnh vực nào cũng có những nhân tài. Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục; Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám… Về văn hóa - nghệ thuật có: Nguyễn Trung Ngạn; Đoàn Thị Điểm, được mệnh danh là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở Giai Phạm - Yên Mỹ, dịch giả Chinh phụ ngâm nổi tiếng; Đào Công Soạn (1381 - 1458) quê ở

Thiện Phiến - Tiên Lữ, nổi tiếng văn chương chính sự một thời; Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905), quê ở Phú Thị - Văn Giang, nhà thơ nổi tiếng… Về khoa học có Lê Hữu Trác (1724 -1791), đại danh y của dân tộc.

Tiếp tục truyền thống đó, bước sang thế kỷ XX, Hưng Yên xuất hiện những nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như: Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Tô Hiệu; các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng; các nhà khoa học Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu, họa sĩ Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên; nhạc sĩ Mai Văn Chung cùng nhiều anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thầy thuốc, nhà giáo ưu tú đã có đóng góp lớn lao và làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Năm 2010, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Có 157 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 75 trường so với năm 2005. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng; chất lượng giáo dục được nâng lên. Hàng năm trẻ em vào nhà trẻ đạt trên 55%, học sinh mầm non vào lớp 1 đạt 99%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt trên 85%, đỗ đại học và cao đẳng đạt trên 30%, học sinh giỏi đạt giải quốc gia tăng, có học sinh đạt giải quốc tế. Hưng Yên thuộc nhóm 5 tỉnh có tỷ lệ học sinh vào đại học cao nhất toàn quốc.

Việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội được quan tâm chú trọng. Số hộ nghèo từ 13% năm 2006 giảm còn 3% năm 2010. Thực hiện tốt chính sách với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được quan tâm, nhân dân tích cực hưởng ứng xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nạn nhân chất độc màu da cam”, “Vì trẻ em”, “Vì người nghèo”, góp phần ổn định đời sống các đối tượng chính sách - xã hội...

Đặc điểm môi trường về chính trị, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao đã ảnh hưởng, tác động đến quá trình đổi mới công tác tư tưởng của đảng bộ tỉnh Hưng Yên.

Một phần của tài liệu Đổi mới công tác tư tưởng trong bối cảnh bùng nổ thông tin (qua khảo sát tỉnh Hưng Yên từ năm 2006 đến năm 2010) (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)