1. Khái quát về tình hình kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Hưng Yên
1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Hưng Yên là một tỉnh đồng bằng, không có rừng, không có biển, là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng. Diện tích tự nhiên của tỉnh hiện nay là 923,09 km2, chiếm 2,8% diện tích cả nước. Số dân 1.113 nghìn người, mật độ dân số tương đối cao 1.206 người/ km2
.
Hưng Yên là tỉnh tiếp giáp với 5 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đó là: phía Bắc giáp với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh; phía Đông giáp với tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp với tỉnh Hà Nam; Phía Đông Nam giáp với tỉnh Thái Bình.
Về hành chính, tỉnh Hưng Yên có 1 thành phố (trước đây là thị xã Hưng Yên) và 9 huyện: Văn Giang, Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, và Ân Thi.
Theo Quyết định số 145/2004/QĐ - TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Hưng Yên là một trong tám tỉnh kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nằm trên các trục giao thông thuỷ - bộ quan trọng của đất nước như: Quốc lộ số 5 chạy qua nối Hà Nội - Hải Phòng; dòng sông Hồng chảy qua và tỉnh nằm trong khu vực trọng điểm tam giác kinh tế Bắc bộ nên Hưng Yên có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Hưng Yên vừa có nét chung, vừa có những nét đặc thù của một tỉnh đồng bằng. Đây là điều kiện thuận lợi để Hưng Yên phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Nhìn chung với vị trí của một tỉnh trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, liền kề thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông huyết mạch đi qua và có điều kiện tự nhiên tốt, Hưng Yên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.