Tần suất xuất hiện ADR của thuốc ARV

Một phần của tài liệu Kết quả bước đầu hoạt động thí điểm theo dõi chủ động phản ứng có hại của thuốc ARV tại các cơ sở điều trị trọng điểm trong chương trình HIV AIDS tại việt nam (Trang 50)

Tỷ lệ bệnh nhân gặp ADR trong mẫu nghiên cứu là 43,4%, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân gặp ADR theo từng phác đồ 1a, 1b, 1c, 1d, 1e, 1f lần lượt là 50,0%,

39,4%, 51,4%, 38,2%, 31,2%, 37,2%. Kết quả này cho thấy, phác đồ 1e, 1f có tỷ lệ bệnh nhân gặp ADR thấp hơn so với các phác đồ 1a, 1b, 1c, 1d. Phác đồ 1e, 1f là hai phác đồ bậc 1 ưu tiên đầu tiên trong hướng dẫn sửa đổi mới của Bộ Y tế [4]. Như vậy, việc chuyển đổi phác đồ điều trị của Bộ Y Tế bước đầu đã có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ bệnh nhân gặp ADR khi điều trị thuốc ARV.

Năm 2009, nghiên cứu hồi cứu của Nguyễn Văn Kính ghi nhận phản ứng có hại trên bệnh nhân điều trị phác đồ 1a-1b , 1c-1d với thời gian theo dõi trung bình 178 tuần (hơn 3 năm), tỷ lệ gặp ADR lần lượt là 50,0% và 59,1% [8]. Nghiên cứu của Lê Ngọc Diệp và cộng sự trên bệnh nhân điều trị phác đồ 1a-1b sau 8 tuần điều trị, tỷ lệ bệnh nhân gặp ADR là 67,4% [7]. Kết quả tỷ lệ gặp ADR các nghiên cứu có sự khác biệt có thể nguyên nhân là sự khác biệt về phác đồ điều trị, thời gian điều trị và các yếu tố ảnh hưởng khác.

ADR thường gặp nhất ghi nhận từ nghiên cứu này là các rối loạn trên hệ gan-mật (tăng ALT, AST) với tỷ lệ 20,9%. Tỷ lệ gặp các rối loạn trên hệ gan-mật ghi nhận trên bệnh nhân điều trị phác đồ 1a, 1b lần lượt là 29,0%, 21,2%. Tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ ghi nhận được trong nghiên cứu của Lê Ngọc Diệp và cộng sự trên bệnh nhân điều trị phác đồ 1a-1b (11,1%) [7]. Tỷ lệ gặp rối loạn trên hệ gan mật ghi nhận trên bệnh nhân điều trị phác đồ 1c, 1d lần lượt là14,1% và 18,4%. Trong nghiên cứu của Hossein Khalili và cộng sự (2009) theo dõi điều trị trong 3 năm, ghi nhận tỷ lệ này lần lượt là 45,4% và 20,0% [40]. Sự khác biệt về tỷ lệ gặp ADR trên hệ gan mật ở phác đồ 1a, 1b, 1c, 1d trong các nghiên cứu có thể do thời gian theo dõi khác nhau và thời gian xuất hiện rối loạn trên hệ gan- mật muộn, các yếu tố nguy cơ tiềm tàng khác nhau (có HBV(+), HCV(+), đang được điều trị lao…).

Các rối loạn thường gặp khác như rối loạn về da và mô dưới da (phát ban, mẩn ngứa và ngứa) chiếm 14,3%, rối loạn hồng cầu (thiếu máu) chiếm 8,0%. Tỷ lệ gặp những rối loạn về da và mô dưới da trong nghiên cứu này gần tương đương với kết quả trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Kính (2009) (13,9%). Ở bệnh nhân điều trị phác đồ 1c, 1d tỷ lệ gặp rối loạn hồng cầu máu (thiếu máu) lần lượt là 13,4% và 17,1%. Kết quả này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu trên

phác đồ 1c-1d của Nguyễn Văn Kinh (2009) (50,0%) và nghiên cứu của Hossein Khalili và cộng sự (2009) (25,0%). Tuy nhiên điều này có thể giải thích được bởi vì số lượng bệnh nhân sử dụng phác đồ 1c-1d của Nguyễn Văn Kính (22 bệnh nhân) [8] và Hossein (36 bệnh nhân) [40] thấp hơn nhiều so với lượng bệnh nhân trong nghiên cứu này (218 bệnh nhân) và thời gian theo dõi điều trị của bệnh nhân cũng khác nhau giữa các nghiên cứu.

Thời gian xuất hiện ADR chủ yếu trong 6 tháng đầu điều trị (chiếm khoảng 70%). Các rối loạn về da và mô dưới da (phát ban, mẩn ngứa, ngứa) xuất hiện tập trung trong 4 tuần đầu điều trị, rối loạn hồng cầu máu (thiếu máu) thường xuất hiện kể từ tuần điều trị thứ ba trở đi, rối loạn thần kinh ngoại biên (tê bì) thường xuất hiện từ tuần thứ 18 trở đi. Kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Văn Kính, thời gian xuất hiện dị ứng, phát ban là 1-21 ngày, thời gian xuất hiện thiếu máu từ 2 đến 24 tháng, thời gian xuất hiện tê bì là 10-36 tháng [8]. Thời gian xuất hiện những rối loạn thần kinh trung ương (đau đầu, chóng mặt), rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, tiêu chảy) cũng trùng khớp với thông tin trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS của Bộ Y Tế năm 2009 [4].

Như vậy, các kết quả trên đã cho thấy tỷ lệ xuất hiện ADR trên bệnh nhân điều trị ARV với các phác đồ hiện tại và đã chứng minh được tỷ lệ gặp ADR và thời gian xuất hiện ADR đối với từng phác đồ điều trị trước đây. Đồng thời, cũng chỉ ra tỷ lệ gặp ADR đối với phác đồ 1e, 1f thấp hơn so với tất cả các phác đồ còn lại.

Một phần của tài liệu Kết quả bước đầu hoạt động thí điểm theo dõi chủ động phản ứng có hại của thuốc ARV tại các cơ sở điều trị trọng điểm trong chương trình HIV AIDS tại việt nam (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)