- Đối tượng tính giá thành: là các loại sản phẩm, lao vụ,… do doanh nghiệp sản xuất ra cần phải tính giá thành và giá thành đơn vị. Công việc tính giá thành là nhằm xác định được giá thành thực tế của từng loại sản phẩm và toàn bộ sản phẩm đã hoàn thành.
Xác định đối tượng tính giá thành là công việc đầu tiên trong toàn bộ công việc tính giá thành sản phẩm. Bộ phận kế toán giá thành phải căn cứ vào đặc điểm sản xuất của doanh nghiệp, các loại sản phẩm, lao vụ mà doanh nghiệp sản xuất cung cấp sử dụng chúng để xác định đối tượng tính giá cho thích hợp.
Đối với doanh nghiệp xây dựng, do tổ chức sản xuất đơn chiếc nên đối tượng tính giá thành là công trình, hạng mục công trình hay khối lượng xây lắp hoàn thành bàn giao.
Kỳ tính giá thành: Đó là thời kỳ bộ phận kế toán giá thành cần tiến hành công tác tính giá thành cho đối tượng tính giá thành. Xác định kỳ tính giá thành phải căn cứ vào đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh, chu kỳ sản xuất yêu cầu trình độ quản lý của nhân viên tính giá thành sản phẩm.
- Phương pháp tính giá thành của công ty.
+ Nguyên tắc: Để đảm bảo tính thống nhất, công ty thực hiện việc hạch toán chi phí vào giá thành công tác xây lắp theo quy định chung của chế độ kế toán tài chính và chế độ tài chính hiện hành.
Theo chế độ quy định hiện nay, chỉ tính vào công tác sản phẩm xây lắp những chi phí cơ bản trực tiếp ( CPNVLTT, CPNCTT, CPSDMTC, CPSXC), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (nếu có) không được hạch toán vào giá thành sản phẩm xây lắp mà được hạch toán vào TK 641, TK 642, cuối kỳ kết chuyển sang TK 911 “xác định kết quả kinh doanh”.
Những khoản chi phí khác như chi phí đầu tư, chi phí hoạt động tài chính… không được hạch toán vào chi phí sản xuất và không được tính giá thành.
Việc hạch toán chi phí vào tính giá thành công tác xây lắp có ý nghĩa lớn trong việc tính đúng, tính đủ và hợp lý chi phí sản xuất vào giá thành sản phẩm cũng như đảm bảo tính nhất quán trong kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của doanh nghiệp xây lắp cũng như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân.
+ Phương pháp tính giá thành sản phẩm xây lắp là phương pháp sử dụng số liệu về chi phí sản xuất để tính toán ra tổng giá thành và giá thành đơn vị thực tế của sản phẩm hoặc của lao vụ đã hoàn thành theo yêu tố hoặc khoản mục giá thành trong kì tính giá thành đã được xác định.
Tuỳ theo đặc điểm của từng đối tượng tính giá thành và mối quan hệ giữa các đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành mà kế toán phải lựa chọn, sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp tính giá thành thích hợp. Trong doanh nghiệp xây lắp công ty thường áp dụng phương pháp giản đơn để tính giá thành. Công thức tính giá thành như sau :
Z = D đk + C ps – D ck. Trong đó:
Z: Giá thành thực tế khối lượng xây lắp hoàn thành. D đk: Chi phí thực tế khối lượng xây lắp dở dang đầu kỳ. C ps: Chi phí thực tế phát sinh trong kỳ.
D ck: Chi phí thực tế khối lượng xây lắp dở dang cuối kỳ. Như vậy, Tổng giá thành = Tổng chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ. Cách tính giá thành công trình nhà ở cao tầng N01 – T8 trong quý 3 như sau:
Tổng giá thành = CPNVLTT + CPNCTT + CPSDMTC + CPSXC = 900.000 + 237.500 + 82.000 + 153.600 = 1.373.100 ( nghìn đồng )