Một số đề xuất đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ cho Công ty:

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác tổ chức hạch toán tiêu thụ thành phẩm và xác định kết quả tiêu thụ tại công ty TNHH Hệ thống công nghiệp Việt Nam (Trang 46 - 50)

Công ty nên tăng cường thêm các hoạt động xúc tiến bán. Trong đó, đặc biệt là quan tâm đến việc tổ chức hội nghị khách hàng, hội chợ và triển lãm thương mại để giúp cho đơn vị tiếp cận khách hàng, tìm hiểu cặn kẽ hơn nhu cầu của họ đồng thời thu nhận những thông tin phản hồi. Hội chợ triển lãm sẽ giúp Công ty giới thiệu sản phẩm của mình với người mua đồng thời duy trì sự có mặt, uy tín của đơn vị cũng như sản phẩm của đơn vị trên thị trường, tạo lòng tin nơi khách hàng. Muốn vậy, Công ty cần phải thiết lập chương trình tổ chức phù hợp nhằm xác định: thời gian tiến hành chương trình, ngân sách thực hiện. Kế toán sẽ theo dõi và ghi nhận chi

phí này vào chi phí bán hàng của đơn vị đồng thời lập bảng đánh giá kết quả của chương trình thông qua việc so sánh các chỉ tiêu doanh số tiêu thụ trước, trong và sau khi thực hiện chương trình cho nhà quản trị tham khảo để có những quyết định đúng đắn về chương trình trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì một phương thức quảng bá hình ảnh cho DN và sản phẩm rất đơn giản và hiệu quả đó là thiết kế một trang web riêng cho Công ty. Thông qua trang web, người quan tâm có thể tìm được thông tin về sản phẩm của đơn vị như: nguồn hàng, thông số kỹ thuật, giá cả tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận với DN trước khi đưa ra những quyết định mua phù hợp. Thêm kênh thông tin quảng cáo cho DN là thêm một bước đưa DN tiến gần đến nhiều khách hàng mới và đưa DN ngang tầm các đối thủ cạnh tranh. Hiện tại, đơn vị chưa có một trang web riêng. Vì thế, đơn vị cần khẩn trương triển khai việc lập trang web cho Công ty. Giám đốc nên cử một nhân viên kỹ thuật am hiểu về sản phẩm và lĩnh vực hoạt động của mình phụ trách công việc này ký hợp đồng phối hợp với một công ty cung cấp trang web để có chương trình làm việc trao đổi cụ thể đưa ra thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo hiệu quả cho thông tin cung cấp trên trang web của Công ty.

Như đã biết, Công ty sử dụng rất hiệu quả hình thức bán hàng cá nhân. Bán hàng cá nhân bao gồm mối quan hệ trực tiếp giữa người bán và khách hàng hiện tại, tiềm năng. Nó là một loại ảnh hưởng cá nhân và là một quá trình phức tạp. Bán hàng cá nhân là một nghệ thuật hơn là một khoa học. Bởi vì, quá trình bán hàng phải rất sáng tạo và để bán được sản phẩm đòi hỏi đội ngũ phòng kinh doanh phải được đào tạo giỏi về nghiệp vụ bán hàng lẫn nghiệp vụ kỹ thuật. Hiện tại, nhân viên kinh doanh của đơn vị mặc dù làm việc rất năng động và đảm bảo được doanh số yêu cầu nhưng họ không có kiến thức về kỹ thuật chỉ nắm bắt được giá cả của từng chủng loại hàng. Vì vậy, hiệu quả đem lại chưa thể là tối ưu do hạn chế về tính chuyên nghiệp so với đội ngũ nhân viên kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh. Từ đó, xét trong dài hạn, đơn vị cần thiết phải có chương trình đào tạo nhân viên kinh doanh về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, để kịp thời nắm bắt công nghệ mới, Công ty cần bố trí chương trình đào tạo định kỳ để cập nhật những thay đổi công nghệ cho các nhân viên kỹ thuật và kinh

doanh, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên của mình. Các chi phí này được coi là chi phí nâng cao tay nghề cho người lao động. Do đó, kế toán sẽ tính và theo dõi chi tiết trên TK chi phí quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực trạng vận dụng chính sách chiết khấu của đơn vị còn điểm tồn tại là Công ty chưa phân biệt được tính chất khác nhau cũng như vai trò, ý nghĩa của từng loại chiết khấu bán hàng và quy trình thực hiện chúng còn chưa hợp lý. Khác với chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán có tác dụng lớn trong việc nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ của đơn vị. Chiết khấu thanh toán là khoản giảm trừ cho người mua do họ đã thanh toán trước thời hạn thoả thuận trên hợp đồng. Cũng với ý nghĩa đó, Công ty đã thêm tỷ lệ phần trăm giảm giá khuyến khích người mua trả tiền nhanh. Tuy nhiên quy trình thực hiện chiết khấu thanh toán tại đơn vị được đồng nhất với chiết khấu thương mại đều trừ trực tiếp vào giá bán. Tức là, đơn vị chiết khấu thanh toán cho khách hàng trước khi khách hàng thanh toán. Điều đó làm mất đi ý nghĩa của khoản giảm trừ này và tạo sơ hở cho khách hàng chiếm thêm một khoản vốn của đơn vị. Vì vậy, để tránh rủi ro, Công ty chỉ áp dụng chiết khấu thanh toán đối với những khách hàng quen và có uy tín. Thực tế này rất mâu thuẫn do công tác thu hồi nợ gặp phức tạp và gặp khó khăn chủ yếu do những khách hàng mới. Từ những phân tích đó, chính sách chiết khấu thanh toán phải được áp dụng đến mọi đối tượng khách hàng. Muốn vậy, Công ty cần chỉ đạo phòng dự án nghiên cứu xây dựng và thực hiện một chính sách chiết khấu hợp lý, xác lập được các mức chiết khấu linh hoạt tương ứng tại từng thời điểm thanh toán và thực hiện tính trả chỉ khi khách hàng thực hiện đúng yêu cầu mà chính sách đặt ra thay vì trừ thẳng vào giá như vẫn làm. Giá trị chiết khấu nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào tiến độ thanh toán nhanh hay chậm. Nhờ đó, sẽ tác động tích cực đến người mua, để được hưởng chiết khấu thì họ sẽ cố gắng trả tiền đúng hạn. Kế toán đơn vị sẽ tính toán mức chiết khấu thanh toán và hạch toán vào TK 635.

KẾT LUẬN

Công ty TNHH Hệ thống công nghiệp Việt Nam được nằm trong danh sách những DN trẻ của thị trường điện công nghiệp nước ta. Tuy nhiên, Công ty đã, đang đạt được những thành tích đáng kể với những bước đi vững chắc và những chiến lược kinh doanh phù hợp, củng cố uy tín, giữ vững và mở rộng thị phần hơn nữa. Từ khi mới thành lập cho đến nay, công tác hạch toán kế toán tiêu thụ thành phẩm và xác định kết quả tiêu thụ luôn là công cụ đắc lực hỗ trợ cho ban lãnh đạo có những quyết định đúng đắn và hợp lý trong từng giai đoạn. Tiêu thụ là khâu quan trọng và do đó kế toán tiêu thụ đóng vai trò to lớn. Công tác hạch toán tiêu thụ tại đơn vị nhìn chung đã được tổ chức khá khoa học đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và phù hợp với đặc điểm kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kế toán tiêu thụ vẫn còn một số điểm cần điều chỉnh để hoàn thiện hơn nữa công tác kế toán và nâng cao tính chuyên nghiệp cho bộ máy kế toán của đơn vị, chuẩn bị sẵn sàng cho một quy mô mở rộng trong tương lai.

Trong thời gian tiến hành thực tập chuyên đề, tôi đã thu được những kiến thức thực tế rất bổ ích về công tác kế toán tiêu thụ tại một đơn vị kinh doanh trên thị trường tư liệu sản xuất. Qua đó, tôi nhận thức được sâu sắc hơn về những điều đã học. Đó là hành trang quý báu cho tôi trước khi bước vào đảm nhiệm vai trò là kế toán viên của DN. Tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn tới cô giáo hướng dẫn và các anh chị trong phòng kế toán Công ty đã chỉ bảo, giúp đỡ nhiệt tình để tôi hoàn thành bản chuyên đề thực tập này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban lãnh đạo công ty TNHH Hệ thống công nghiệp VN (2006), “Bản điều lệ thành lập công ty TNHH Hệ thống công nghiệp Việt Nam”, tr 5-10.

2. Ban lãnh đạo công ty TNHH Hệ thống công nghiệp Việt Nam (2007), “Hồ sơ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 của công ty TNHH Hệ thống công nghệ VN”, kiểm soát quy trình bán hàng, tr 91-171.

3. Bộ tài chính (2006), “Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC”.

4. PGS.TS: Đặng Thị Loan (2006), “Giáo trình Kế toán tài chính doanh nghiệp”, Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân, tr. 143-167.

5. PGS.TS Nguyễn Văn Công (2005), “Chuyên khảo về báo cáo tài chính”, tr 290-361. 6. www.kiểm toán.com.vn.

7. TS Nguyễn Phương Liên (năm 2006), “Hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa”, NXB Tài chính.

8. Vụ chế độ kế toán và kiểm toán (năm 2006), “Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa”, NXB Thống kê.

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác tổ chức hạch toán tiêu thụ thành phẩm và xác định kết quả tiêu thụ tại công ty TNHH Hệ thống công nghiệp Việt Nam (Trang 46 - 50)