Câu chuyện liên kết bốn nhà đến nay đã không phải là mới đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta sau 10 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết 80 của Quyết định số 80/QĐ-TTg về phát triển tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, đặc biệt là mô hình liên kết bốn nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp và Nhà khoa học nhằm gắn sản xuất với thu mua và chế biến nông sản; nhưng trên thực tế, mô hình này được đánh giá còn khá mơ hồ và chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Các chính sách của Nhà nước liên quan đến điều phối và hỗ trợ phát triển ngành cà phê chưa có được tác động như mong muốn, và chưa giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện các chính sách này. Các công trình khoa học nghiên cứu để ổn định và phát triển ngành cà phê chưa được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện nay còn rất lỏng lẻo. Hộ nông dân tự trồng trọt, canh tác, thu hoạch và tìm hướng tiêu thụ. Trong khi đó, doanh nghiệp tự tìm kiếm nguồn hàng và phần lớn doanh nghiệp tự chủ trong tìm kiếm đối tác kinh doanh. Hơn nữa, mức hỗ trợ mà các doanh nghiệp đưa ra đối với hộ nông dân hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thiết thực, và các hợp đồng được giao kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong nhiều trường hợp không được thực hiện đúng như nội dung đã quy định, gây nhiều khó khăn cho đôi bên.
Trên cơ sở thực hiện tốt mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất và xuất khẩu cà phê, các giải pháp được đề xuất tiếp theo có thể được thực hiện để phát huy lợi thế và cải thiện các vấn đề tồn tại của ngành hàng.
Thứ nhất, Nhà nước thúc đẩy các hình thức hợp tác sản xuất tập thể như hợp
tác xã theo hướng phát huy được lợi ích kinh tế. Theo đó, việc đổi mới Luật hợp tác xã cần thể hiện rõ bản chất tổ chức hợp tác xã là loại hình tổ chức kinh tế đặt ra vì lợi ích của người nông dân qua các quy định về điều kiện kết nạp thành viên, quyền hạn và chức năng của bộ phận quản lý, cũng như cách thức phân phối lợi nhuận và tài sản không chia của hợp tác xã; nhờ đó, họ có thể nhận thức được lợi ích và nghĩa vụ của mình, chủ động trong tổ chức, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và hoạt động. Ngoài ra, Nhà nước tổ chức quy hoạch đất trồng và tái canh trên diện tích cà phê hiện tại theo địa phương đối với các hộ có sự tương đồng về điều kiện sản xuất, đồng thời có chính sách hỗ trợ giá cho nông dân trong trường hợp thị trường cà phê biến động mạnh để thu hút lực lượng lao động tự nguyện tham gia loại hình tổ chức kinh tế này.
Thứ hai, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ cà phê sau thu hoạch của các hộ nông dân, thỏa thuận về giá cả và khối lượng dựa theo dự báo về nhu cầu thị trường và tình hình biến động giá.
Thứ ba, Doanh nghiệp đặt hàng các viện nghiên cứu, nhà khoa học về nông sản hoặc cà phê nghiên cứu các đề tài phục vụ quá trình canh tác, chế biến và kinh doanh; đồng thời, tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp cận hộ nông dân đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để nghiên cứu thực trạng, đề ra giải pháp cải tiến và chuyển giao công nghệ mới.
Thứ tư, Nhà nước và Chính quyền địa phương giám sát việc giao kết và thực
hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để đảm bảo hợp đồng được thực hiện đúng, đồng thời ban hành cơ chế xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Thứ năm, doanh nghiệp liên kết với nhau để trao đổi thông tin về ngành và thị trường Anh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với VICOFA để kịp thời nắm bắt các chính sách, chủ trương của Nhà nước, có được sự hỗ trợ kịp thời và ứng phó linh hoạt khi thị trường cà phê biến động mạnh.
Việc tăng cường mô hình liên kết bốn nhà có thể được thực hiện theo hai giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo
- Nhà nước tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục dưới hình thức văn bản, hội thảo, các lớp học, và mô hình mẫu để nâng cao nhận thức của từng “Nhà” đối với mô hình này, đặc biệt là đối với đối tượng là nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng cần làm rõ vai trò, nghĩa vụ, và lợi ích của bên trong mô hình bốn nhà.
- Nhà nước xây dựng chính sách quy hoạch đất trồng, trong đó nêu rõ các chỉ tiêu quy hoạch, đồng thời đầy mạnh thành lập hợp tác xã cà phê để tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển diện tích trồng cà phê.
- Nhà nước phối hợp với chính quyền địa phương giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, đồng thời có biện pháp chế tài bắt buộc hai bên thực hiện hợp đồng và thành lập cơ chế xử phạt nếu có vi phạm.
- Nhà nước tăng cường đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và đội ngũ cố vấn cho hoạt động phát triển chung của ngành và ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học, xây
dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng nguyên liệu, hoặc xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Giai đoạn 2: Đặt doanh nghiệp làm trọng tâm
- Doanh nghiệp chủ động trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ cà phê xuất khẩu giữa doanh nghiệp và hộ trồng cà phê, dự báo và đặt hàng nguồn nguyên liệu trong dài hạn để ổn định nguồn cung và giá cả cà phê.
- Trên cơ sở hợp đồng, doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ hộ nông dân vốn để tiến hành canh tác, và tiếp tục hỗ trợ nông dân trong vấn đề tiêu thụ trong trường hợp nông dân gặp khó khăn về mùa vụ và biến động giá. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể tranh thủ sự tham gia của các ngân hàng.
- Doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Doanh nghiệp chủ động liên kết với các nhà khoa học để tiến hành nghiên cứu phát triển giống cây trồng, cải thiện kỹ thuật canh tác và hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến cà phê.
- Doanh nghiệp chủ động báo cáo với Nhà nước và Hiệp hội ngành hàng về kết quả thực hiện hằng năm, đồng thời cập nhật các chính sách, dự báo mới nhất từ Nhà nước, Hiệp hội, cũng như tích cực trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp để linh hoạt ứng phó với các biến động có thể xảy ra đối với ngành cà phê, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa nông dân với Nhà nước và Hiệp hội.