2.2.2.1. Hạn chế
Chất lượng cà phê thấp
hàng ngũ những quốc gia có sản lượng cà phê cao nhất thế giới liên tục trong những năm qua, nhưng chất lượng cà phê Việt Nam vẫn chưa được thế giới công nhận như thương hiệu cà phê Colombia. Tính trên lượng cà phê nhân bị thải loại trong thời qua, hơn 80% là của Việt Nam. Như phân tích ở trên, lý do khiến chất lượng cà phê Việt Nam chưa đạt yêu cầu là kỹ thuật canh tác thấp. Hơn nữa, các hộ nông dân chủ yếu canh tác theo quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch rõ ràng, cụ thể, đồng thời chưa có khả năng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiến vào canh tác cà phê, dẫn đến chất lượng cà phê chưa đồng bộ. Một vấn đề khác là đất trồng cũ bắt đầu già cỗi, trong khi diện tích đất trồng mới khai thác lại không phù hợp với việc canh tác cà phê. Nhằm cải thiện năng suất cây trồng, nông dân thường sử dụng phân bón hóa học nhưng do không nắm bắt được kỹ thuật canh tác nên gây ảnh hưởng đến chất lượng cà phê và giảm giá trị xuất khẩu.
Thứ hai, kỹ thuật chế biến cà phê vẫn phụ thuộc nhiều vào thủ công, do các hộ hạn chế về nguồn vốn để trang bị các thiết bị hiện đại ,cũng như ít tiếp cận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nguồn nhân lực hiện thời cũng chưa đáp ứng được năng lực chuyên môn để vận hành các máy móc và trang thiết bị mới. Do đó, phương pháp chế biến khô và nửa ướt là hai phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Mặc dù các phương pháp chế biến cũ có ưu điểm là đơn giản và tiết kiệm chi phí, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết thuận lợi, lại gặp nhiều rủi ro cà phê bị đen hay nấm mốc, đồng thời chiếm diện tích lớn và thời gian chế biến dài.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. Mặc dù TCVN 4193:2005 đã được đưa vào hiệu lực một thời gian và được Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) khuyến cáo áp dụng cho phù hợp với các tiêu chuẩn chung của ICO và không khác biệt nhiều so với tiêu chuẩn của sàn giao dịch LIFFE, nhưng trên thực tế, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng TCVN 4193:2005 vẫn còn hạn chế. Do việc áp dụng TCVN 4193:2005 chỉ mang tính khuyến khích và chưa có văn bản chính thức nào quy định về việc bắt buộc áp dụng bộ quy chuẩn này, nhiều nhà xuất khẩu vẫn dựa theo TCVN 4193:1993 để phân loại cà phê theo độ ẩm, tạp chất, hạt vỡ theo tập quán kinh doanh cũ dù bộ tiêu chuẩn này vốn dĩ không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và không đạt yêu cầu xuất khẩu.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, nhưng đa phần là người lao động thù công, có trình độ chuyên môn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực
đầu tư vào giáo dục cũng như huấn luyện cán bộ nhân viên nhằm xây dựng một đội ngũ nhân lực đông đảo, bù đắp cho những thiếu sót và bất cập của hoạt động kinh doanh của đất nước, nhưng thực tế vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp trong thị trường lao động hiện nay. Đối với hoạt động xuất khẩu cà phê, việc thiếu hụt đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn này đã tạo ra nhiều hạn chế cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin thị trường, đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác và hoạch định chiến lược xuất khẩu lâu dài. Do đó, doanh nghiệp khó chủ động về nguồn cung hàng hóa để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường Anh. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường gây để lại ấn tượng cho các bạn hàng một hình ảnh chưa chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh, vì vậy thường rơi vào thế bị động trong các giao dịch thương mại, dẫn đến tình trạng bị ép giá khi xuất khẩu.
Hoạt động quảng bá và xúc tiến xuất khẩu chưa được chú trọng
Tần suất diễn ra các hoạt động hội chợ triển lãm cà phê nội địa còn thấp, và việc tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại thị trường Anh còn hạn chế. Mặc dù các cơ quan ban ngành trong thời gian qua đã bắt đầu chú trọng đến việc tổ chức và tham gia hội chợ chuyên ngành như một kênh xúc tiến thương mại hiệu quả, nhưng trên thực tế, tần suất tổ chức vẫn còn khá ít. Trong khi đó, do cản trở về mặt địa lý, nắm bắt thông tin còn kém và chưa giải quyết được vấn đề pháp lý khi tham gia các hội chợ, triển lãm trên thị trường Anh, nên việc các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết hiểu quả của kênh quảng bá này. Trên thực tế, các doanh nghiệp đã ý thức được tiềm năng tiêu thụ cà phê Việt Nam của thị trường này và tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động quảng bá và xúc tiến xuất khẩu như trên nhằm mở rộng cơ hội hợp tác và giao kết với đối tác cũng như những doanh nghiệp trong ngành, nhưng cơ hội tiếp cận với các hoạt động này thực sự khan hiếm.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn và chưa được đầu tư đúng mức. Với một thị trường có yêu cầu cao và khắt khe về chất lượng và uy tín sản phẩm như Anh thì việc xây dựng và phát triển thương hiệu là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, mặt hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chủ yếu vẫn là cà phê thô, lại ít tập trung vào các sản phẩm chế biến nên ít tiếp cận với khách hàng tiêu dùng. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt nam chủ yếu xuất khẩu gián tiếp thông qua các đại lý do chưa nắm bắt được thông tin thị trường, sản phẩm đầu ra lại chưa là thành phẩm cuối cùng nên việc xây dựng thương hiệu là
hết sức khó khăn trên thị trường mà mặt hàng cà phê chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, hạn chế về nguồn vốn đã gây thêm nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc phát triển và duy trì thương hiệu.
Nguồn cung cà phê gặp nhiều rủi ro và chưa ổn định
Trong thời gian qua, thông tin và dự báo về ngành cà phê nói chung và xuất khẩu cà phê nói riêng vẫn còn khan hiếm. Việc nắm bắt thông tin về thị trường còn gặp nhiều khó khăn do chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, đặc biệt là đối với những thị trường mới như Anh. Hơn nữa, sự kết nối giữa nhà chế biến, nhà nông, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn kém. Người nông dân trồng cà phê do hạn chế tiếp xúc với những nguồn thông tin thị trường, nên tâm lý thường không vững khi nhận những tin đồn thất thiệt, dẫn đến tình trạng bán tháo, gây ảnh hưởng đến giá cà phê và khiến cho thị trường cà phê bấp bênh, thiếu tính ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp do chưa am hiểu nhu cầu, diễn biến và xu hướng của thị trường, nên chưa có kế hoạch thu mua hợp lý và chưa chủ động về nguồn cung hàng xuất khẩu. Vì những lý do trên, nguồn cung hàng hóa chưa đáp ứng tốt nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường, thiếu tính ổn định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu cà phê.
Ngoài ra, hệ thống thu mua của Việt Nam còn nhiều bất cập do cạnh tranh về giá và hạn chế về nguồn vốn. Việc các doanh nghiệp lớn nhỏ tranh nhau thu mua cà phê trực tiếp từ các hộ trồng cà phê là tình trạng chung của những năm trở lại đây. Sự cạnh tranh này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cà phê trong thời gian qua. Hơn nữa, sự can thiệp của các doanh nghiệp nước ngoài vào hệ thống thu mua này lại càng gây thêm sự bất ổn của nguồn cung cà phê Việt Nam. Năm 2011, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý thu mua, tăng đến 35% so với những năm trước. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn vốn dồi dào và không ngừng mở rộng hệ thống thu mua của mình, thì các doanh nghiệp Việt nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cà phê trực tiếp. Hơn nữa, giữa doanh nghiệp và các hộ trồng cà phê vẫn chưa hình thành mối liên kết và hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung trong dài hạn và bình ổn thị trường cà phê. Một vấn đề nữa là mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp cà phê trong nước trong tình hình lãi suất vay ngân hàng cao như hiện nay, nhưng
nhìn chung khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế và chưa đủ tiềm lực để phát triển hoạt động thu mua tạm trữ.
2.2.2.2. Thách thức
Gia nhập WTO năm 2007 mang lại cho cà phê Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Hiện nay, cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê trên thế giới, trong đó, đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất của Việt Nam là Brazil với sản lượng cà phê đứng đầu thế giới và Colombia với thương hiệu cà phê danh tiếng ổn định về chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo dự báo của ICO, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm trong năm 2012 và đây cũng là xu thế của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Theo số liệu chương 1, hiện Việt Nam vẫn đứng sau cả Brazil và Colombia về kim ngạch xuất khẩu cà phê sang thị trường Anh. Hơn nữa, Việt Nam không chỉ vấp phải sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu trực tiếp, mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia tái xuất cà phê vào thị trường Anh. Trong giai đoạn 2006 – 2011, Đức, hiện cũng là một trong những thị trường xuất khẩu cà phê tương đối lớn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu cà phê vào thị trường Anh, đạt 13,46%. Theo đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ đồng thời phải cạnh tranh với chính sản phẩm cà phê của mình, tuy nhiên, với kỹ thuật chế biến tiên tiến hơn. Cuối năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công thương thể hiện sự đồng tình trong việc áp dụng cơ chế xuất khẩu cà phê có điều kiện nhằm tái thiết thị trường cà phê Việt Nam và thắt chặt quản lý; tuy nhiên, hiện vẫn còn những ý kiến không đồng thuận và nhiều vấn đề cần bàn thảo trước khi quan điểm này được thông qua và đưa vào thực thi. Trong trường hợp xuất khẩu cà phê có điều kiện trong thời gian tới, nông dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trong bối cảnh cạnh tranh về sản xuất và xuất khẩu của thế giới ngày càng khốc liệt.
Chương 2 đã phân tích thực trạng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh trong giai đoạn 2006 – 2011, trong đó đề cập đến nhiều khía cạnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh bao gồm: chất lượng, giá cả cà phê, kênh phân phối xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại và nguồn cung cà phê của Việt Nam. Qua phân tích, tác giả cũng đã chỉ ra được một số điều kiện thuận lợi và thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng nêu lên những hạn
chế và thách thức mà cà phê Việt Nam phải đối mặt. Đây cũng là cơ sở để tác giả đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3. ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG ANH GIAI ĐOẠN 2012 – 2016