CHÍNH TRỊ

Một phần của tài liệu Vai trò của nô tỳ trong điền trang thời Trần (thế kỷ 1226 - 1400) (KL06530) (Trang 41)

6. Bố cục khóa luận

2.2. CHÍNH TRỊ

Xét về mặt chính trị, so với thái ấp thì vai trò chính trị của các điền trang là ít hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò chính trị của điền trang và các nô tỳ trong các cuộc kháng chiến với quân xâm lược, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.

Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, những người nô tỳ ở nước ta họ có thân phận không mấy thấp kém lắm trong xã hội. Họ được phép lấy lẫn

37

nhau và có một nền kinh tế riêng. Tuy nhiên, họ lại không được phép đi lính, triều đình không tuyển những người nô tỳ vào hàng ngũ quân đội.

Theo bài viết “Chế độ nô tỳ ở Việt Nam qua các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần” của tác giả Nguyễn Đổng Chi trong tạp chí nghiên cứu lịch sử 1956 có viết: Nhà Lý đối với việc tuyển lính, họ chọn người, xét thành phần xã hội rất kỹ. Cấm quân tức là quân đội ở cấm đinh và kinh đô, chỉ chọn con trai trong các thái hộ (hộ lớn) tức là chọn trong dân tự do có gia đình, khá giả về mặt kinh tế, chứ không chọn những kẻ cô độc. Quân đội của Nhà nước nói chung đều kén chọn trong hoàng nam và đại hoàng nam, mà không chọn trong giai cấp nô tỳ. Nội một việc đó cho ta thấy tầng lớp nô tỳ không được giai cấp địa chủ tin cậy.

Đến thời Trần thì giai cấp thống trị đã có dùng đến tư nô ra trận mạc. Nhưng đó cũng là quân bản bộ của vương hầu mà ngày thường vẫn hầu hạ, đảm bảo sản xuất cho chủ, chứ không đi lính chuyên môn. Quân đội quốc gia nói chung vẫn kén chọn trong dân tự do. Nhất là đội quân Thiên - thuộc là đội quân riêng của hoàng gia thường chọn dân đinh phủ Thiên Trường là quê quán của họ Trần.

Tóm lại, giai cấp nô tỳ nói chung không phải đi lính nhưng đến thời Trần, bọn quý tộc quan liêu đã khéo vận động cho họ ra trận trong cuộc kháng Nguyên – Mông. Theo Việt sử thông giám cương mục viết: Dưới triều Trần, các tước vương cũng có quân đội riêng, số quân này tổng cộng cũng gần bằng quân của triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông các vương hầu, quý tộc là những người chủ yếu cầm quân và quân của họ cũng rất lớn. Trong cuốn “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII” có nói: Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông lần 2 riêng số quân của vương con Trần Quốc Tuấn cũng đã lên tới 20 vạn. Như vậy, lúc hòa bình thì ai làm việc nấy, những lúc quốc gia hữu sự thì gia nô

38

được huấn luyện quân sự, tập hợp thành đội quân mà sử chép là: “quân vương hầu, gia đồng, quán bảo hộ”, sẵn sàng chiến đấu theo sự chỉ huy của chủ.

Như vậy, có thể khẳng định lực lượng nô tỳ tham gia vào cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông không phải là ít. Trong cuốn “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII” cũng cho chúng ta biết thêm: Ngoài quân túc vệ ở kinh đô và quân túc vệ do Nhà nước tổ chức, quý tộc tôn thất họ Trần còn được phép thành lập những đội quân riêng. Thành phần chủ yếu của lực lượng này là gia nô, nô tỳ. Quân đội này thường được gọi là quân vương hầu gia đồng. Theo An Nam Chí Lược thì quân vương hầu gia đồng cũng được đặt thành các đô như đô Toàn Hầu, đô Sơn lão. Lực lượng này cũng có một quân số đáng kể. Hoài văn hầu Trần Quốc Toản tuy còn bé mà đã có một đội quân gia nô và thân thuộc đông đến hơn nghìn người. Khi có chiến tranh, Nhà nước có thể điều động được lực lượng quân đội này.

Những dẫn chứng trên khiến chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của các nô tỳ trong cuộc kháng chiến chống xâm lược dưới thời Trần. Chúng ta đều biết Yết Kiêu, Dã Tượng là gia nô của Trần Hưng Đạo nhưng họ đã trở thành những gia thần, gia tượng, những người tâm phúc của ông. Họ đã từng chỉ huy quân sĩ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, lập được nhiều chiến công hiển hách, được người đương thời nhiệt liệt ca ngợi, đã được nhân dân lập đền thờ. Gia nô Nguyễn Địa Lô của Trần Hưng Đạo cũng đã lập công xuất sắc, bắn chết Trần Kiện. Cũng theo Đại việt sử ký toàn thư gia nô Phạm Lão lập được chiến công trong cuộc đấu tranh với Ngưu Hồng nên được vua Trần cho hưởng 5 phần xuất ruộng.

Các vua nhà Trần cũng đã đánh giá cao tinh thần hy sinh, tận tụy trung thành của nô tỳ đối với giai cấp thống trị. Đến nỗi sau kháng chiến Nguyên – Mông vua Trần Nhân Tông mỗi lần ra đường gặp gia nô vương hầu trước có tòng quân đều gọi tên ra vẻ thân mật và ra lệnh cho các vệ sĩ không được đuổi vì khi hoạn nạn chỉ có bọn đó thôi. Sử chép: “Tháng 3 năm Nhâm Thìn

39

(1292), vua từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp các gia đồng của vương hầu, tất gọi rõ tên mà hỏi: “chủ mày ở đâu?” và răn các vệ sĩ không được thét đuổi. Đến khi về cung bảo các quan hầu cận rằng: “Ngày thường thì chỉ có thị vệ hai bên, đến khi nước nhà hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy đi theo thôi”.

Căn cứ theo chính sử chúng tôi cũng nêu thêm: Năm 1312, Trần Anh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, vì Minh Hiếu Vương bàn bạc không hợp ý vua nên bị Anh Tông đuổi ra khỏi dinh. Minh Hiếu Vương bèn cùng với vài mươi người gia đồng ra ngủ ở ngoài đồng. Năm 1370, Dương Nhật Lễ cướp ngôi nhà Trần. Công chúa Ngọc Tha bảo với Cung Định Vương (sau là Trần Nghệ Tông) rằng: “Thiên hạ này là thiên hạ của ông cha chúng ta, lẽ nào lại vứt bỏ cho người khác”. Anh hãy cứ đi đi, em sẽ đem gia nô dẹp nó cho.

Như vậy, nô tỳ đã có một vai trò quan trọng nhất định trong lực lượng vũ trang riêng của các vương hầu. Sở dĩ triều đình không tuyển gia nô vào quân đội có lẽ vì nhà vua sợ rằng nếu sát nhập lực lượng vũ trang riêng của từng vương hầu vào quân đội triều đình có thể gây ra nhiều trở ngại, ví như: tính cục bộ, bán vi của mỗi đạo quân này.

Tất cả những dẫn chứng trên cho ta thấy được vai trò to lớn của các nô tỳ trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Trần. Ngày thường thì họ sản xuất, làm những công việc của mình, nhưng khi đất nước có chiến tranh thì sẵn sàng tham gia theo lời gọi của chủ để bảo vệ Tổ quốc.

Nếu không phải tham gia trực tiếp vào kháng chiến thì các nô tỳ trong điền trang cũng phải sản xuất để phục vụ cho nhu cầu của cuộc kháng chiến. Nhiều điền trang đã trở thành những kho lương thực cho cuộc kháng chiến chống xâm lược. Điền trang của Trần Liễu ở A sào (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), nằm cạnh sông Hóa. Vị trí A sào là nơi tiếp giáp của hai con sông là sông Luộc và sông Hóa. Từ đây, có thể ngược sông Luộc lên cửa Hải Thị gặp sông Hồng từ kinh đô Thăng Long chảy qua lộ

40

Thiên Trường rồi ra cửa biển Giao Hải. Vùng A sào ở vào vị trí xung yếu như vậy nên được nhà Trần hết sức quan tâm. Nơi đây đã trở thành kho lương phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ ba (1288). Hay như điền trang của phò mã Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khải ở vùng Tô Xuyên (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Tô Xuyên nằm giữa hai con sông: sông Tô và sông Hóa. Tô Xuyên sớm trở nên thịnh vượng, nhiều thóc lúa. Chứng tỏ đất đai ở đây phì nhiêu. Xét về mặt quân sự, đất Tô Xuyên ở vào vị trí xung yếu. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ ba (1287 – 1288) “Tô Xuyên là đồn trú quân, xây dựng các kho lương”. Cùng với A sào, kho lương Tô Xuyên là hậu cứ bổ sung sức người, sức của và là bàn đạp của mũi tiến công chính do Trần Hưng Đạo chỉ huy trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288.

Không chỉ cung cấp lương thực cho cuộc kháng chiến, nhiều điền trang đã trở thành nơi cất giấu và sản xuất vũ khí của ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Ví như, Dã Tượng đã được Trần Hưng Đạo giao trách nhiệm tổ chức và phụ trách các lò rèn sắt ở làng Cao Dương (Thái Bình) để sản xuất vũ khí, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông.

Một phần của tài liệu Vai trò của nô tỳ trong điền trang thời Trần (thế kỷ 1226 - 1400) (KL06530) (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(54 trang)