Thúc đẩy phát triển sản xuất

Một phần của tài liệu Vai trò của nô tỳ trong điền trang thời Trần (thế kỷ 1226 - 1400) (KL06530) (Trang 32)

6. Bố cục khóa luận

2.1.1.Thúc đẩy phát triển sản xuất

Về nông nghiệp

Việc sử dụng nô tỳ trong sản xuất nông nghiệp, lần đầu tiên được ghi lại trong lệnh khai hoang lập điền trang của nhà Trần. Năm 1266, như chúng ta đã thấy “mùa đông, tháng 10 xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng đất hoang làm điền trang” (theo Đại Việt Sử ký toàn thư). Hiện tượng sử dụng nô tỳ vào việc khẩn hoang sản xuất nông nghiệp, từ đó trở nên phổ biến. Như sử cũ ghi “các nhà tôn thất thường sai nô tỳ đắp đê bối ở bãi biển để ngăn nước mặn, 2, 3 năm sau khai khẩn thành ruộng, cho họ lấy lẫn nhau mà ở ngay đấy. Như chúng ta đã biết đặc điểm quan trọng của nông nghiệp nước ta là vấn đề thủy lợi, do nhu cầu trị thủy nên phải cần một lực lượng lao động lớn. Hơn nữa, các điền trang được thành lập là do khai hoang, khẩn hoang, vị trí khai hoang thường là ở các khu ven biển, ven sông vì vậy, nhu cầu trị thủy lại càng cần thiết. Từ đó, có thể thấy rằng vai trò đầu tiên của các nô tỳ trong điền trang họ là lực lượng chính trong công cuộc đắp đê ngăn nước mặn để khai khẩn ruộng đất lập điền trang cho các vương hầu, quý tộc. Nhờ lực lượng nô tỳ đông đảo trong cuộc khẩn hoang mà hàng loạt các điền trang của vương hầu, quý tộc đã được thành lập. Sau khi các điền trang được thành lập thì các chủ điền trang bắt đầu cho các nô tỳ tiến hành sản xuất. Ví như, khi nói về điền trang của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật có

28

nói: số ruộng khai khẩn để cấy lúa được 1.350 mẫu, ruộng trồng rau là 450 mẫu.

Cũng theo bài viết của Nguyễn Đổng Chi trong tạp chí nghiên cứu lịch sử năm 1956 “chế độ nô tỳ ở Việt Nam qua các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần” cho biết: Trong việc sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ, nô tỳ đóng một vai trò tuy không phải là chủ yếu nhưng cũng rất quan hệ. Sản xuất của đại điền trang có tính cách đại quy mô. Chỉ ở đây chắc mới có sự làm việc tập thể. Nô tỳ được ghép thành đội ngũ hàng ngày bị xua đuổi ra đồng làm việc dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những người thân tín của chủ.

Như vậy, do nhu cầu khai hoang, mở rộng diện tích canh tác phát triển sản xuất theo phương hướng quảng canh đã tạo điều kiện đưa nô tỳ vào sản xuất nông nghiệp. Và cũng chỉ trong hoạt động nông nghiệp quảng canh, quan hệ nô tỳ mới có điều kiện phát triển, khi mà quan hệ sản xuất địa chủ-tá điền đã xuất hiện. Song, nếu chúng ta dừng lại ở đây, xem các nô tỳ làm nông nghiệp này là nô lệ như quan niệm của Việt Nam lịch sử giáo trình thì không ổn. Dĩ nhiên, khi trở thành nô tỳ, người sản xuất trực tiếp chịu phụ thuộc về con người đối với chủ như các nô tỳ khác. Nhưng theo câu dẫn ở trên, sau khi khai khẩn xong đất hoang, tên quý tộc chủ điền trang “cho họ (những nô tỳ này) lấy lẫn nhau mà ở ngay đấy”. Bia Thánh ân tự tam bảo điền cũng cho chúng ta một dẫn chứng tương tự “nguyên đây là ruộng tam bảo”…Điều ngự Trần Nhân Tông để lại cho hoành nô và quân nhân 7 người (đều họ Phạm – có lẽ đều do Trần Nhân Tông ban cho…) ở, cày cấy phụng sự, lưu truyền cho con cháu….” Tồng diện tích ruộng tam bảo lưu lại cho 7 người này là 70 mẫu, tức là mỗi người được chia 10 mẫu cày cấy lưu truyền cho con cháu để phụng sự chúa. Chúng ta cũng có thể hiểu ngầm rằng những người này đều có gia đình riêng. Khác với người nô lệ - về nguyên tắc không được xây dựng gia đình riêng – người nô tỳ hay hoành nô ở đây được phép có gia đình riêng và

29

duy trì cuộc sống của gia đình mình ở khu ruộng đất mà chính mình đảm nhận cày cấy. Hơn thế nữa, theo bài minh trên chuông chùa Thánh Quang (An Nội - Từ Liêm – Hà Nội) thì ruộng đất chia cấp cho hương lửa nô cày cấy sinh sống và ruộng đất tiến lâm của tam bảo đã có phân biệt nếu trong nô chúng có người không chịu phụng sự hương lửa lại tự tiện xâm chiếm ruộng đất tam bảo thì nô chúng phải cùng nhau tố cáo. Cùng với bài minh ghi trong bia chùa Thánh Ân nói trên, chúng ta còn thấy các nô tỳ đều được chia ruộng đất cày cấy, sinh sống, nghĩa là có một nền kinh tế riêng.

Khi được chia đất để xây dựng một nền kinh tế riêng và phục vụ người chủ các nô tỳ đã rời khỏi nhà của chủ, có thể ở xa dinh thự của chủ và tự gắn liền với ruộng đất điền trang, ít nhất là trong các buổi đầu. Về mặt số lượng, như sử cũ cho biết, họ ngày càng đông lên. Những nạn đói kém xảy ra khá dày ở thế kỷ XIV đã góp phần vào việc này. Dấu hiệu gắn liền với ruộng đất của các nô tỳ càng rõ và càng phổ biến. Bia Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích ký đã ghi các sự kiện: “Trần Nhân Tông…bảo Anh Tông đem 100 mẫu ruộng ở hương Đội Gia cùng canh phu (người này) đổi cho các sư”, “năm (Hưng Long) thứ 18, Trần Anh Tông lại ban cho sư 80 mẫu ruộng ở hương An Định và canh phu” ; Văn Huệ Vương Trần Quang Triều “lại cúng thêm 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm và ruộng đất ở trang Động Gia, trang An Lưu cộng hơn 1000 mẫu cùng hơn 1000 nô làm của thường trú của chùa Quỳnh Lâm”; hoặc, ngay cả những trường hợp ở xa, quan hệ này cũng đã theo người Việt mà lan rộng, như lời ghi trong bia Trùng Khánh tự bi minh tịnh trị khắc năm 1367, dựng ở tỉnh Hà Tuyên, chùa được cúng 1 “viên” ruộng cùng 2 nô.

Những sự kiện nói trên chứng tỏ các nô tỳ này chịu sự lệ thuộc ruộng đất, bị chủ ban tặng cùng với ruộng đất. Những nô tỳ được đưa vào sản xuất nông nghiệp như vậy, rõ ràng đã trở thành nông nô. Mặc dù họ vẫn thuộc sở hữu của chủ, thậm chí đến đời con, đời cháu như trường hợp những nông nô

30

Nga thế kỷ XVII – XVIII, họ vẫn vượt qua được thân phận nặng nề của tầng lớp nô tỳ. Đây là một điều kiện thuận lợi để họ có thể tự giải phóng khỏi mọi lệ thuộc, trở thành người dân tự do. Trường hợp của tam bảo nô chùa Quỳnh Lâm là Nguyên Chế là một ví dụ. Theo sử cũ, Trương Hán siêu, một hành khiển của nhà Trần, được cử kiêm chức Đề cử viện Quỳnh Lâm, đã vì “mộ kẻ giàu có” mà gả con gái cho anh ta. Trường hợp của Phạm Ngãi, như trên đã nói là một ví dụ.

Vấn đề sản xuất ở các điền trang, hiện nay không có nguồn sử liệu nào nêu lên. Hiện tượng chủ điền trang ở một nơi khác (thông thường ở các thái ấp) cách xa điền trang và giao hẳn đất đai điền trang cho các nông nô, khiến chúng ta nghĩ rằng ở đây không có các khu ruộng của chủ kiểu domaine do nông nô cày cấy theo nghĩa vụ lao dịch. Quý tộc trang chủ không kinh doanh ruộng đất. Ảnh hưởng của các hình thức bóc lột đã xuất hiện từ trước ở ngoài điền trang, ảnh hưởng của cơ cấu làng xã chịu sự bóc lột theo hình thức nghĩa vụ kết hợp với tiền không tạo cơ sở thuận lợi cho sự tồn tại của phương thức chia điền trang thành hai bộ phận: bộ phận ruộng đất của chủ và bộ phận ruộng đất chia cho nông nô. Hình thức bóc lột tô hiện vật có lẽ giữ địa vị chủ đạo trong các điền trang. Tình hình các điền trang ở Trung Quốc thời Đường – Tống đã nói ở trên cho ta một tài liệu tham khảo. Làng An Nội thôn Cổ Nhuế viên, các làng Kiệt Đặc, Linh Giang, Chí Linh…hiện nay khiến chúng ta hình dung các điền trang thời Trần như những làng riêng, thuộc sở hữu tư nhân (tư trang) của tên quý tộc. Ở đây không có hình thức sản xuất lớn dù là sản xuất lớn kiểu domaine phong kiến xây dựng trên cơ sở chế độ lao dịch của nông dân cá thể. Như đã nói ở trên, Nhà nước vẫn có quyền tước đoạt điền trang, ruộng đất của tư nhân. Trường hợp của Trần Khánh Dư là một ví dụ khá độc đáo. Vì vi phạm những điều cấm trong dòng họ, Trần Khánh Dư bị tịch thu toàn bộ gia tài điền sản, trừ châu Chí Linh là đất riêng của cha là Trần Phó Duyệt. Trong trường hợp này cũng như sau cuộc tàn sát các quý tộc

31

Trần của Hồ Quý Ly, các điền trang trở thành những làng mạc bình thường, không để lại một dấu vết gì đặc biệt.

Quan hệ sản xuất nói trên đã tạo những điều kiện mở rộng chế độ điền trang trên cơ sở sử dụng lực lượng của nông dân tự do. Mặt khác, sự phát triển của chế độ nô tỳ đã dẫn đến chỗ các địa chủ thường cũng nuôi nô tỳ. Sự tự do của người nông dân lao động ngày càng bị đe dọa. Điều này càng nói lên sự phát triển của những quan hệ phụ thuộc phong kiến giữa tên chủ đất và những người sản xuất trực tiếp.

Trên đây là vai trò của nô tỳ trong sản xuất nông nghiệp, họ là những lực lượng chính trong việc khai hoang lập và sản xuất chính trong điền trang. Nô tỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp như các tác giả Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn đã viết: “Việc mở rộng diện tích canh tác đã làm cho thu hoạch nông nghiệp tăng lên. Mặt khác, lực lượng nô tỳ được dùng vào sản xuất nông nghiệp và có bộ phận được giải phóng thành nông nô càng làm sức sản xuất phát triển.

Trong điền trang, bên cạnh việc trồng lúa, họ còn tiến hành chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt cá để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tự cấp tự túc. Điều này được thể hiện ở một địa danh trong điền trang của công chúa Trần Khắc Hãn được ghi chép lại là “bãi lưới cá”, địa danh này cho chúng ta thêm thông tin về tình hình sản xuất trong điền trang, ngoài trồng lúa còn có nghề đánh bắt cá và nhiều nghề khác.

Về thủ công nghiệp

Như đã nói trên, mô hình sản xuất trong điền trang mang tính chất tự cấp tự túc cho ta một suy đoán rằng trong điền trang không chỉ phát triển nông nghiệp. Bên cạnh các làng sản xuất nông nghiệp thì cũng xuất hiện nhiều các làng nghề thủ công nghiệp như: nghề mộc, rèn, đúc đồng, sản xuất gạch ngói, nung vôi, đan lát, nuôi tằm, dệt vải lụa…để phục vụ nhu cầu sống

32

trong điền trang. Ví dụ trong cuốn Kinh tế, xã hội thời Trần của tác giả Nguyễn Thị Phương Chi có nói: Nghề rèn còn được tồn tại trong các thái ấp – điền trang để phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, xây dựng phủ đệ và nhà cửa cho nhân dân như rèn dao, rựa, cày, cuốc, đục, chàng, cưa…. Nền thủ công nghiệp dưới thời Trần đã có bước phát triển nhất định. Vì thế, các làng nghề trong điền trang cũng có vai trò nhất định trong việc phát triển nền thủ công nghiệp của nhà Trần nói chung.

Về thương nghiệp

Một vấn đề đặt ra là với một nền kinh tế tự cấp tự túc đóng vai trò chủ đạo như thế, vậy liệu điền trang có vai trò gì trong việc thúc đẩy sự phát triển thương nghiệp? Mặc dù nền kinh tế trong điền trang mang tính chất tự cấp tự túc nhưng không phải hoàn toàn đóng kín. Như đã biết, đến thời Trần, nền kinh tế hàng hóa nước ta đang trong quá trình manh nha hình thành. Vẫn biết là các nô tỳ trong điền trang sản xuất chủ yếu đáp ứng cho cuộc sống tự cấp, tự túc trong điền trang. Tuy nhiên, ở đây tôi xin đề cập đến vấn đề tô thuế, theo sử cũ trong điền trang, các chủ điền trang giao ruộng đất cho nô tỳ cày cấy và nộp tô thuế cho họ. Những người nô tỳ nộp thuế cho chủ theo hình thức tô hiện vật đơn giản, hình thức này được cố định ở một số thứ như thóc, lụa, tơ… Lại nói đến vấn đề sản xuất trong điền trang, trong điền trang không chỉ phát triển nông nghiệp và còn phát triển thủ công nghiệp. Bên cạnh các làng trồng lúa, chăn nuôi, trồng trọt thì còn có những làng nghề thủ công nghiệp. Vậy những người nô tỳ này phải có sự trao đổi với nhau để lấy những thứ mình cần để nộp thuế. Mặt khác, họ cũng phải trao đổi với nhau để lấy những thứ cần thiết cho cuộc sống của gia đình mình. Ví như, những người làm nông nghiệp phải đem thóc gạo để đổi lấy vải, lụa để mặc, hay những người làm nghề thủ công phải đem sản phẩm của mình đổi lấy lương thực để ăn.Vậy các hình thức trao đổi này diễn ra ở đâu? Chắc hẳn trong điền trang đã

33

hình thành các khu chợ làng để những nô tỳ trao đổi buôn bán sản phẩm với nhau. Tên địa danh “soi chợ” (chợ làng) trong điền trang của công chúa Trần Khắc Hãn được ghi lại có thể cho ta thấy đã có hoạt động thương mại trong các điền trang. Hơn nữa, hoạt động trao đổi không chỉ diễn ra trong phạm vi điền trang mà còn trao đổi với bên ngoài. Mặc dù là tự cấp tự túc nhưng có nhiều thứ trong điền trang không sản xuất được buộc phải mua ở bên ngoài để phát triển điền trang, rồi những sản phẩm sản xuất ra dư thừa không dùng hết cũng có thể đem ra thị trường để bán. Ví như trường hợp của vua Trần Dụ Tôn đã từng sai tư nô trồng rau tỏi (ở vùng bắc sông Tô) lịch sử gọi là toái viên (vườn tỏi) và một nơi khác cho làm quạt để đem bán ra thị trường. Xem đó, kinh tế thương nghiệp đã chớm nở và vai trò sản xuất quan hệ cũng có lẽ là tầng lớp nô tỳ.

Như vậy, trong một chừng mực nào đó, tuy không lớn, những người nô tỳ trong điền trang cũng có vai trò nhất định trong việc phát triển nền kinh tế hàng hóa đang được manh nha ở nước ta thời Trần.

Một phần của tài liệu Vai trò của nô tỳ trong điền trang thời Trần (thế kỷ 1226 - 1400) (KL06530) (Trang 32)