Có công mài sắt, có ngày nên kim

Một phần của tài liệu Phát triển vốn thành ngữ, tục ngữ cho học sinh tiểu học (Trang 55)

Đến như sắt mài mãi cũng thành kim, thì bất cứ việc gì cũng có thể làm được, miễn là chúng ta biết chịu khó khổ luyện, biết kiên trì nhẫn nại, không quản gian lao vất vả. Lời giáo huấn biểu hiện qua câu tục ngữ cócông mài sắt, có ngày nên kim, một mặt được nhận thức qua ngôn từ của nó mà mấu chốt là sự đối lập giữa hai hình ảnh sắtkim, mặt khác, thông qua sự liên hệ tới giai thoại về cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc – nhà thơ Lý Bạch.

Tương truyền, thuở niên thiếu, Lý Bạch là cậu bé không chịu khó học hành, ham chơi như bao đứa trẻ bình thường khác. Một hôm, cậu bé chán học, lẻn sang chơi ở chân núi phía Đông. Kỳ lạ quá! Trước mắt cậu bé là một bà lão đang cắm cúi mài một thanh sắt bên một tảng đá lớn. “Bà già tóc bạc đến

dường kia mà lại chăm chắm mài một thanh sắt để làm gì nhỉ?” Cậu bé hết sức phân vân, bèn rón rén đến bên cạnh cụ già rồi cất tiếng hỏi:

- Cụ ơi, cụ mài sắt để làm gì vậy? Bà lão ngoảnh mặt lên, hiền từ trả lời: - Để làm kim khâu cháu ạ.

- Làm kim khâu ư? Thanh sắt thì làm thế nào mà trở thành cái kim khâu được? Cậu bé chất vấn bà lão.

- Mài mãi cũng phải được. Kẻ có công mài sắt thì có ngày nên kim chứ - Bà lão trả lời một cách tin tưởng như vậy.

Lý Bạch nửa tin nửa ngờ hỏi lại:

- Liệu hôm nay có xong được không hở cụ?

Bà lão thong thả trả lời hoà nhịp với động tác mài kim:

- Hôm nay không xong thì mai lại làm tiếp vậy, năm nay không xong thì sang năm tiếp tục làm, ngày lại ngày, già nhất định mài xong.

Nghe đến đây, Lý Bạch chợt hiểu ra và im lặng. Về nhà Lý Bạch thường ngẫm nghĩ về những lời của bà lão mà càng chuyên tâm học tập. Chẳng bao lâu, Lý Bạch trở thành nhà thơ lỗi lạc với những áng thơ Đường tuyệt mĩ, có một không hai trong nền văn học Trung Quốc. Từ đó, trong dân gian lưu truyền câu tục ngữ “Chỉ yếu công phu thâm/ Thiết chữ ma thành châm”, nghĩa là có công mài sắt, có ngày nên kim. Thoạt đầu, nó như một nhận xét về cuộc đời, văn nghiệp của Lý Bạch: từ chỗ lười học, nhờ sự tỉnh ngộ qua cuộc gặp gỡ với cụ già mà siêng năng, kiên trì học tập và cuối cùng trở thành tài. Nhưng dần dần câu tục ngữ có công mài sắt, có ngày nên kim

được lưu truyền rộng rãi, vượt qua phạm vi của một cuộc đời, một sự nghiệp, trở thành một lời dạy, lời giáo huấn mọi người về ý chí bền bỉ trong công việc nói riêng, trong cuộc đời nói chung.

* Có thể giúp cho các em hiểu được nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ thông qua việc giới thiệu và hướng dẫn học sinh cách tra từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.

Từ kết quả thống kê và phân loại thành ngữ, tục ngữ ở trên, chúng tôi đã bước đầu đưa ra được một số biện pháp nhằm phát triển vốn thành ngữ, tục ngữ cho học sinh tiểu học. Qua đó, nó sẽ góp phần giúp cho các em học sinh có được vốn từ phong phú để học tốt hơn các thành ngữ, tục ngữ và vận dụng chúng một cách đúng đắn trong cuộc sống hàng ngày.

KẾT LUẬN

Có thể nói thành ngữ, tục ngữ rất quan trọng trong đời sống của nhân dân ta. Thành ngữ, tục ngữ đã được đúc kết từ kinh nghiệm cuộc sống của con người, từ thói quen sử dụng từ ngữ có hình ảnh, vừa khái quát vừa cụ thể những sự vật, sự việc trong cuộc sống, trong ứng xử. Dựa trên cơ sở lí luận về thành ngữ, tục ngữ của các nhà ngôn ngữ học, chúng tôi đã thống kê được các thành ngữ, tục ngữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học. Từ đó phân loại chúng theo ba tiêu chí như đã lựa chọn ở trên. Qua đó giúp chúng ta thấy được sự phong phú đa dạng của các thành ngữ, tục ngữ được đưa vào trong môn Tiếng Việt ở tiểu học. Có thể nói người ta sử dụng thành ngữ, tục ngữ như một lối nói, một lối ứng xử. Người ta không chỉ vận dụng thành ngữ, tục ngữ để minh hoạ, nhân cách hoá, làm giàu thêm hình ảnh biểu đạt nội dung thông báo mà còn vận dụng để biểu đạt chủ đề, làm đầu đề cho một bài báo, bài văn, bài nói... Từ đó cho ta thấy mỗi thành ngữ, tục ngữ được sử dụng là một sự kết tinh tài năng và nghệ thuật của đông đảo quần chúng. Đó là một sự chiêm nghiệm, tổng kết từ thực tế, một lời khuyên trong cách nói năng hay trong ứng xử xã hội hoặc đó là một lời khen, một lời chê trách, phê phán, một lời đưa đẩy... Thông qua các thành ngữ, tục ngữ đó cho ta thấy nó là một bộ phận quan trọng trong vốn từ của một ngôn ngữ, mang đặc trưng dân tộc rõ nét và giàu sức biểu cảm, biểu hiện, làm cho bản sắc văn hoá dân tộc được thể hiện đậm nét qua lời ăn tiếng nói.

Hơn thế, con người Việt Nam là con người nhân cách nên tất cả những gì thuộc về nó và liên quan đến nó đều được đặt trong môi trường nhân cách. Vì vậy, hầu hết các thành ngữ, tục ngữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học đều mang nghĩa thực tế mà có nghĩa biểu trưng thể hiện những nét khác nhau trong nhân cách con người. Tìm hiểu các thành ngữ, tục ngữ trong sách

giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học giúp chúng ta có những kết quả thống kê mang tính lí luận vừa thu được những ứng dụng mang tính thực tiễn.

Chúng ta đáng được tự hào về nền văn hoá đồ sộ của dân tộc, qua đó chúng ta có thể trau dồi lời ăn tiếng nói của mình trong đời sống hàng ngày. Các thành ngữ, tục ngữ sẽ giúp chúng ta biết cách ứng xử và diễn đạt phù hợp nhất với từng hoàn cảnh giao tiếp. Hiện nay việc rèn cho học sinh bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết được coi là nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên tiểu học. Dạy cho học sinh kĩ năng nói ngoài việc rèn luyện cho học sinh chuẩn bị nội dung nói còn là vấn đề rèn cho học sinh cách nói như thế nào là phù hợp. Vì vậy, là một giáo viên tiểu học trong tương lai chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải dạy cho học sinh tiểu học hiểu được những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc và bước đầu biết sử dụng chúng. Và trong chừng mực có thể, giáo viên Tiểu học có thể vận dụng các thành ngữ, tục ngữ đó vào lời giảng và bài giảng của mình để nhận xét, đánh giá cách nói của học sinh, hoàn cảnh giao tiếp sẽ giúp cho các em hiểu nghĩa của chúng.

Mặc dù đã cố gắng nhưng với điều kiện hạn chế về thời gian cũng như kiến thức của bản thân nên khoá luận khó tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong những ý kiến đóng góp quý báu của các thầy cô và các bạn để chúng tôi có thể tiếp tục hoàn thiện đề tài trong quá trình học tập và công tác sau này.

Một phần của tài liệu Phát triển vốn thành ngữ, tục ngữ cho học sinh tiểu học (Trang 55)