Phân loại ý nghĩa các câu thành ngữ, tục ngữ

Một phần của tài liệu Phát triển vốn thành ngữ, tục ngữ cho học sinh tiểu học (Trang 40)

THỐNG KÊ VÀ PHÂN LOẠI THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ TRONG SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT Ở TIỂU HỌC

2.2.Phân loại ý nghĩa các câu thành ngữ, tục ngữ

Dựa vào ý nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ chúng tôi phân loại các câu thành ngữ, tục ngữ trong SGK TV ở tiểu học thành các nhóm sau:

Đời sống xã hội Quan niệm về giới tự nhiên Quan niệm sống Tổng số Lớp 1 0 3 2 5 Lớp 2 23 8 8 39 Lớp 3 21 1 14 36 Lớp 4 47 3 23 73 Lớp 5 43 6 26 75 Tổng số 134 21 73 228

Dựa vào kết quả phân loại của bảng trên ta thấy trong 228 câu thành ngữ, tục ngữ được đưa vào trong chương trình sách giáo khoa TV ở tiểu học

thì có 134 câu nói về đời sống xã hội [1] (trong đó có đời sống xã hội, đời sống vật chất, đời sống tinh thần và các mối quan hệ trong gia đình, xã hội...); 21 câu quan niệm về giới tự nhiên [2] và 73 câu nói về quan niệm sống [3]. Các câu thành ngữ, tục ngữ này nhằm truyền bá lối sống đạo đức, những lời răn dạy về lối sống, cách ăn ở, nói năng giao tiếp, tình cảm đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái giữa con người với nhau,... Những lời răn dạy ấy là những bài học quý giá, rất phong phú và đa dạng, giáo dục học sinh về chuẩn mực lối sống và nhân cách con người Việt Nam và giúp các em hiểu được cách sống như thế nào là đúng. Các câu thành ngữ, tục ngữ được đưa vào chương trình phần lớn là nói về đời sống xã hội nhằm mục đích giới thiệu cho các em biết về mọi mặt cuộc sống của con người từ gia đình tới ngoài xã hội, đặc biệt là quan hệ giữa người và người. Ví dụ: “Em thuận anh hoà là nhà có phúc” (Anh em trong nhà có vui vẻ, hoà thuận, giúp đỡ nhau thì gia đình mới yên ấm, hạnh phúc); “Chị ngã em nâng” (Quan tâm, giúp đỡ đùm bọc nhau khi khó khăn, hoạn nạn như chị em trong một nhà); “Chia ngọt sẻ bùi” (Chia sẻ với nhau, cùng hưởng mọi miếng ngon, miếng ngọt, mọi niềm vui; đoàn kết tương thân, tương ái);... Những lời răn dạy này thường rất sâu đậm, do đã được kiểm nghiệm qua thời gian, thể hiện nhìn xa trông rộng, nêu ra được chân lý để mọi người vươn tới, thấy cái xấu phải tránh và cái tốt phải theo, để xây dựng được một tương lai tốt đẹp. Ví dụ: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” (Mọi người biết thông cảm, sẻ chia nỗi đau, sự mất mát khi một người trong cộng đồng gặp khó khăn, hoạn nạn); “Ăn ở như bát nước đầy” (Sống với nhau, đối xử với nhau tốt đẹp, trọn tình, trọn nghĩa); “Chơi với lửa” (Đùa giỡn với cái nguy hiểm rất dễ bị tai nạn); “Chơi dao có ngày đứt tay” (Sử dụng những phương tiện nguy hiểm hoặc kết bạn với kẻ phản trắc có thể được việc nhưng không khéo sẽ mang hoạ vào thân); “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” (Thái độ bàng quan, lãnh đạm trước vận hạn của người

khác);... Từng lời răn dạy đều toát lên một tình cảm yêu thương nồng nàn chân thành tha thiết, chí nghĩa chí tình, chất chứa, thấm đậm một tâm hồn Việt Nam vô cùng cao xa và nhân hậu. Ví dụ: “Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần” (Anh em trong nhà có quan hệ mật thiết với nhau giống như chân với tay trong một cơ thể con người. Anh em phải hoà thuận, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn); “Thương người như thể thương thân” (Thương yêu, quý mến, lo lắng cho người khác như cho chính bản thân mình); “Chung lưng đấu cật” (Đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc làm ăn hoặc giải quyêt một công việc khó khăn, nặng nề nào đó),... Ngoài ra còn có các câu thành ngữ, tục ngữ mang nét nghĩa so sánh giữa các sự vật hay sự việc với nhau để có thể giúp các em hiểu được ý nghĩa của nó chúng ta phải giúp các em nắm rõ được bản chất của sự vật, sự việc được nói tới đó. Ví dụ: “Thẳng như ruột ngựa” (Thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, không lắt léo, không có ác ý); “Hiền như bụt” (Hiền lành, nhân hậu); “Khoẻ như voi” (Rất to khoẻ, rất dai sức); “Gan như cóc tía” (Lì lợm, ương ngạnh, gan góc, không biết sợ hãi là gì); “Ngọt như mía lùi” (Mía lùi: mía nướng trong than, có vị ngọt đậm, ngọt sắc. Lời nói ngọt ngào, khéo léo dễ làm xiêu lòng người, dễ lôi cuốn, thuyết phục người nghe);... Tất cả các câu thành ngữ, tục ngữ này đều gần gũi với các em và giúp các em hiểu được phần nào giá trị của cuộc sống để các em có thể học tập được những điều hay lẽ phải mà ông cha ta đã gửi gắm qua các câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc ấy.

Nhưng trong cuộc sống các em không chỉ làm quen với các mối quan hệ trong xã hội mà các em cũng cần hiểu được một số câu thành ngữ, tục ngữ quan niệm về giới tự nhiên. Các hiện tượng tự nhiên rất khó để các em có thể hiểu hết được nên các câu mang ý nghĩa này được đưa vào chương trình học của các em không nhiều. Với 21 câu thành ngữ, tục ngữ quan niệm về giới tự

nhiên đã giúp cho các em hiểu được một phần nào các hiện tượng tự nhiên của nước ta. Ví dụ như: “Đông sao thì nắng, vắng sao thì mưa” (Trời trong, ít mây ta mới nhìn thấy nhiều sao, báo hiệu trời sẽ nắng; ngược lại, khi trời ít sao tức trời nặng mây, trời đục, khó nhìn thấy sao, dễ có mưa); “Khoai đất lạ, mạ đất quen” (Khoai trồng ở đất lạ củ mới to, năng suất mới cao, ngược lại, gieo mạ ở đất quen thì cây mạ mới tốt, mới ổn định); “Mùa hè cá sông, mùa đông cá bể” (Mùa hè nước sông lớn, có nhiều thuỷ sinh làm thức ăn cho cá nên cá sông rất béo. Mùa đông nước sông cạn, cá sông và cá đồng gầy vì thiếu thức ăn nên chọn mua cá bể); “Nắng chóng trưa, mưa chóng tối” (Trời nắng ráo, vì mải mê làm việc, buổi trưa đến lúc nào người ta cũng không hay. Trời mưa, không gian u tối, tạo cảm giác đêm đến sớm hơn mọi ngày);...

Có thể nói con người có đạo đức tốt mới là con người tốt, có con người tốt mới có được gia đình tốt, cũng từ đấy mới có được những xóm làng, khu phố rộng ra là có cả một đất nước tươi vui, văn minh, thịnh vượng. Vì vậy, điều này là rất cần thiết và hữu ích, nhất là cho lớp người trẻ tuổi, những mầm xanh tương lai sẽ quyết định vận mệnh của đất nước. Chính vì vậy mà chúng ta cần dạy cho trẻ biết được những điều hay lẽ phải đã được các thế hệ đi trước đúc kết thành những bài học quý báu thông qua các câu thành ngữ, tục ngữ về quan niệm sống. Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng” (Được hưởng thành quả lao động của người khác phải biết ghi nhớ công lao của họ); “Có công mài sắt, có ngày nên kim” (Cho dù công việc có gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng biết dụng công, kiên nhẫn làm việc thì sẽ có ngày thu được kết quả tốt đẹp, sẽ được đền bù xứng đáng); “Lá lành đùm lá rách” (Cưu mang, đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn); “Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí” (Còn khó khăn mà biết chắt chiu, tiết kiệm thì vẫn có thể no đủ nhưng giàu sang, phú quý mà ăn tiêu phung phí vẫn có thể bị trắng tay); “Cây ngay không sợ chết đứng” (Người

ngay thẳng, trung thực không sợ sự dèm pha, vu khống, cho dù họ có bị vu oan, giá hoạ thì cuối cùng cũng sẽ được minh oan);... Với số lượng tương đối nhiều được đưa vào chương trình học cho học sinh tiểu học, các câu thành ngữ, tục ngữ này đã nói lên những bài học hay, những lời răn dạy về lối sống để qua đó giúp các em học tập và rèn luyện trở thành những người có đạo đức tốt. Từ đó góp sức dựng xây đất nước ta trở thành một nước vững mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Như kết quả đã thống kê ở trên, lớp 1 có số lượng thành ngữ, tục ngữ rất ít. Cụ thể là có 3 câu quan niệm về giới tự nhiên, 2 câu về quan niệm sống và không có câu thành ngữ, tục ngữ nào nói về đời sống xã hội. Vì ở độ tuổi này, các em có vốn từ rất ít nên các câu thành ngữ, tục ngữ này được đưa vào trong bài học chỉ mang tính giới thiệu cho các em biết. Lên đến lớp 2, lớp 3 thì số lượng các câu thành ngữ, tục ngữ này được đưa vào nhiều hơn. Cụ thể về đời sống xã hội các em được giới thiệu một số câu quen thuộc với đời sống hàng ngày và nó xoay quanh mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình như: “Anh em thuận hoà”; “Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”; “Chị ngã em nâng”; “Em thuận anh hoà là nhà có phúc”; “Con hiền cháu thảo”; ... và mở rộng hơn nữa đó là tình cảm giữa con người với con người trong xã hội như: “Chia ngọt sẻ bùi”; “Chung lưng đấu cật”; “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Thương người như thể thương thân”; “Tình làng nghĩa xóm”; “Kính trên nhường dưới”;... Qua đó dạy cho các em phải hoà thuận, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn. Ngoài ra còn có một số câu mang nét nghĩa so sánh để giúp các em biết vận dụng vào lời ăn tiếng nói hàng ngày như: “Thẳng như ruột ngựa”; “Kín như bưng”; “Con có cha như nhà có nóc”, “Con có mẹ như măng ấp bẹ”; “Ăn ở như bát nước đầy”;... Các câu về quan niệm về giới tự nhiên và quan niệm sống cũng được giới thiệu rất ít, chủ yếu là một số hiện

tượng tự nhiên như: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”; “Sáo tắm thì mưa”;... Và một số câu thể hiện những lời khuyên rất có ích trong cuộc sống như: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”;... Ở lớp 4 và lớp 5, các câu thành ngữ, tục ngữ được đưa vào nhiều hơn đã giúp cho các em hiểu được một cách sâu rộng hơn về sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ trong cuộc sống. Những câu mang ý nghĩa về đời sống xã hội đã được mở rộng hơn, nó không chỉ xoay quanh mối quan hệ trong gia đình mà đó còn những vẻ đẹp của con người ví dụ như: “Văn hay chữ tốt”; “Người ta là hoa đất”; “Môi hở răng lạnh”; “Máu chảy ruột mềm”; “Xấu gỗ tốt nước sơn”;... Những điều giáo dục truyền bá cho nhau về cách sống làm người như: “Nhường cơm sẻ áo”; “Chịu thương chịu khó”; “Dám nghĩ dám làm”; “Kề vai sát cánh”;... Ngoài việc rèn cho học sinh biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau còn giúp các em biết tránh những điều không tốt như: “Đứng núi này trông núi nọ”; “Chơi với lửa”; “Chơi diều đứt dây”; “Chơi dao có ngày đứt tay”;... Ngoài ra, các câu mang nét nghĩa so sánh cũng được sử dụng nhiều hơn như: “Hiền như bụt”; “Dữ như cọp”; “Thương nhau như chị em gái”; “Khoẻ như voi”; “Nhanh như cắt”; “Mặt tươi như hoa”; “Im như thóc”;... Những vấn đề xoay quanh đời sống xã hội được nói đến ở rất nhiều khía cạnh khác nhau nhưng cũng không thể thiếu được các quan niệm về giới tự nhiên và quan niệm sống. Với số lượng không nhiều nhưng các câu thành ngữ, tục ngữ quan niệm về giới tự nhiên đã giúp học sinh hiểu biết hơn phần nào về điều kiện tự nhiên và một số kinh nghiệm trong sản xuất, trồng trọt của nước ta ví dụ như: “Mùa hè cá sông, mùa đông cá bể”; “Nắng chóng trưa, mưa chóng tối”; “Khoai đất lạ, mạ đất quen”; “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”;... Từ các lớp học trước học sinh đã được học và hiểu biết nghĩa của một số câu thành ngữ, tục ngữ khuyên bảo chúng ta về quan niệm

sống, lên đến lớp 4, lớp 5 thì các câu này lại tiếp tục được đưa vào để dạy cho các em biết một số điều hay lẽ phải để học tập theo. Ví dụ như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Có công mài sắt, có ngày nên kim”; “Dù ai nói đông nói tây, lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng”;.... Từ đó làm cho vốn kinh nghiệm sống của các em trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn. Sau khi được học về các câu thành ngữ, tục ngữ này, các em sẽ trưởng thành hơn trong cách sống và sẽ vận dụng theo những điều tốt, những kinh nghiệm sống, những kinh nghiệm về xã hội lịch sử của nhân dân lao động mà cha ông ta đã truyền lại. Những lời răn dạy này là những bài học quý giá về lối sống và nhân cách con người Việt Nam, về luân lý và đạo đức, là cái nền để tiếp thu tư tưởng đạo đức của thời đại mới và giúp cho các thế hệ đi sau trở thành những người có tâm hồn đạo đức đẹp nhất từ xưa đến nay. Qua những lời răn dạy đó sẽ giúp các em ca ngợi cái tốt và phê phán cái xấu và phát triển những thuần phong mỹ tục của đất nước ta ngày một trở nên tươi đẹp hơn.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Phát triển vốn thành ngữ, tục ngữ cho học sinh tiểu học (Trang 40)