2. Mục đích nghiên cứu
1.2.5 Các nghiên cứu về tài chính hành vi ở Việt Nam
Việc ứng dụng lý thuyết tài chính hành vi để giải thích các hiện tượng kinh tế ở Việt Nam hiện nay còn khá hạn chế. Thông thường, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở những bài phân tích chứ chưa có nhiều các nghiên cứu thực nghiệm để đo lường mức độ ảnh hưởng của tâm lý hành vi đến các quyết định đầu tư, tài trợ của các cá nhân đối với doanh nghiệp.
Trong bài viết “Tài chính hành vi: Giải thích một số hiện tượng bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của hai tác giả Hoàng Quân và Quý Phúc (T08/2010) là một trong những nỗ lực tìm kiếm sự giải thích về các hiện tượng “bất thường” do thiên lệch hành vi xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo tác giả, tồn tại 5 hành vi thiên lệch của nhà đầu tư khiến cho giá cả của các tài sản trên thị trường chứng khoán không tuân theo đúng các quy luật truyền thống trong thời gian vừa qua. Hành vi thứ nhất là các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường hành động theo các nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư có tổ chức. Hiện tượng này được các tác giả giải thích bởi thiên lệch do tình huống điển hình (Representative Bias), thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức (Cognitive Dissonance Bias) và thiên lệch do ác cảm với hối tiếc (Regret Aversion Bias). Hành vi thứ hai là việc các nhà đầu tư thường giữ các loại cổ phiếu thua lỗ quá lâu. Sở dĩ nhà đầu tư giữ lại cổ phiếu lâu vì họ không muốn thừa nhận sai lầm, họ không thích phải hối tiếc, họ hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại và họ sẽ được hòa vốn hoặc có lời. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng con người nhạy cảm với thua lỗ hơn là kiếm được lợi nhuận. Kahneman và Tversky (1991) đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng sự thua lỗ mất mát có trọng số gấp hai lần lợi ích tăng thêm. Thứ ba, các nhà đầu tư có xu hướng dự đoán chỉ số VN-index dựa theo thị trường thế giới. hành vi này được các tác giả giải thích dựa vào hành vi thiên lệch do điểm tựa (Anchoring Bias). Các nhà đầu tư luôn coi sự biến động của các thị
trường trên thế giới như một điểm tựa để tham khảo và ra các quyết định đầu tư của mình sau khi đã có một vài sự điều chỉnh nhất định . Thực tế cho thấy chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên hệ giữa các thị trường này nên có thể đưa ra các dự đoán sai lệch từ việc định giá sai giá trị ban đầu. Thứ tư, các nhà đầu tư thường mua bán dựa trên thông tin rỉ tai, thường là từ những người thân thiết, đồng nghiệp, bạn bè hơn là các phương tiện thông tin đại chúng. Hành vi này lại được tác giả giải thích dưới góc độ thiên lệch do ác cảm với sự mơ hồ (Ambiguity Aversion Bias). Con người thì thích rủi ro hơn là thích những cái không chắc chắn (mơ hồ) bởi vì rủi ro có thể biết được phân phối xác suất còn sự mơ hồ thì không. Khi phải ra các quyết định trong điều kiện không chắc chắn, con người có xu hướng tìm kiếm những nguồn thông tin mà họ cảm thấy tin tưởng hơn. Cuối cùng, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư không phân biệt tốt, xấu. Hành vi này được tác giả giải thích dựa vào thiên lệch do điểm tựa hay do các tình huống sẵn có. Họ đưa ra các lựa chọn phù hợp với kinh nghiệm sống của họ trong một phạm vi tương đối hẹp như nơi sinh sống, nơi làm việc, …
Một nghiên cứu định lượng gần đây của tác giả Lý Ngọc Phượng (2012) với đề tài “Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nhân” trên TTCK Tp.HCM thông qua việc sử dụng bảng câu hỏi khảo sát. Theo tác giả, thiên lệch hành vi là những hành vi không hợp lý của nhà đầu tư khi họ không phân tích và xử lý “đúng” những thông tin mà họ có, từ đó dẫn đến những kỳ vọng lệch lạc về tương lai của chứng khoán mà họ đầu tư vào. Kết quả cho thấy các nhà đầu tư ngoài việc sử dụng những phân tích cơ bản thì nhân tố hành vi là một trong những nhân tố tác động mạnh tới việc ra quyết định đầu tư. Ba nhóm nhân tố hành vi có tác động mạnh nhất tới quyết định của nhà đầu tư là kinh nghiệm, nhận thức; ác cảm với thua lỗ, hối tiếc và hành vi bầy đàn, trong đó hành vi do kinh nghiệm, nhận thức tác động mạnh nhất đến việc ra quyết định của nhà đầu tư cá nhân.
Qua việc tìm hiểu các nghiên cứu của các tác giả trên thế giới và Việt Nam về tác động hành vi của nhà quản lý và quyết định cấu trúc vốn của doanh nghiệp
tác giả nhận thấy rằng có tồn tại những hành vi không hợp lý của nhà quản lý trong việc nhìn nhận tốc độ tăng trưởng dòng thu nhập cũng như đánh giá rủi ro mức độ ổn định của dòng thu nhập có được trong tương lai của công ty. Đa phần, những nhà quản lý có thiên lệch nhận thức về tăng trưởng và rủi ro (đánh giá cao tốc độ tăng trưởng gồm những nhà quản lý sở hữu sự lạc quan quá mức và đánh giá thấp rủi ro gồm những nhà quản lý quá ưa thích rủi ro, thích sự chinh phục) đều cho rằng hoạt động của công ty họ trong tương lai tốt hơn, vì thế họ tin rằng thị trường vốn đánh giá thấp giá trị công ty của họ và việc lựa chọn nguồn tài trợ là phát hành nợ vay sẽ bớt tốn kém hơn nên họ ưu tiên sử dụng nợ chứ không phải phát hành vốn cổ phần để tài trợ cho các dự án đầu tư. Thậm chí mức nợ vay được sử dụng còn cao hơn so với các nhà quản lý khác. Tuy nhiên, mức độ thiên lệch hành vi của nhà quản lý cũng đóng một vai trò đáng kể đối với việc nâng cao giá trị công ty. Những nhà quản lý thiên lệch vừa phải sẽ giúp công ty tối đa hóa các lợi ích nhận được từ các chính sách đầu tư cũng như việc sử dụng nguồn tài trợ, do đó làm gia tăng giá trị công ty. Ngược lại, những nhà quản lý thiên lệch hành vi quá mức (sử dụng nợ quá cao, đầu tư quá mức) có thể làm công ty rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính do đó làm phương hại đến giá trị của công ty.
Từ những kết quả nghiên cứu ở trên tác giả mong muốn tìm hiểu sự thiên lệch nhận thức (trong việc đánh giá tốc độ tăng trưởng và rủi ro của công ty) của nhà quản lý và mức độ tác động của chúng đối với quyết định cấu trúc vốn ở Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng. Thêm vào đó, tác giả cũng kỳ vọng rằng những nhà quản lý ưa thích rủi ro, quá lạc quan và ưa thích sự chinh phục thì thích sử dụng nguồn tài trợ bằng nợ hơn là phát hành cổ phần thường. Ngược lại những nhà quản lý quá e ngại tính bất định thì thích sử dụng phát hành cổ phần mới hơn trong việc tài trợ cho các dự án đầu tư dài hạn hơn trong các phân tích tiếp theo.
Kết luận chương 1
Tóm lại, chương 1 đã trình bày sơ lược về nền tảng lý thuyết được sử dụng làm cơ sở cho việc thực hiện luận văn này. Trước tiên tác giả giới thiệu tổng quát về lý thuyết tài chính hành vi. Phần thứ hai trình bày một số nghiên cứu đã được thực hiện trong việc ứng dụng các nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý đối với hoạt động kinh tế, tài chính ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Phần Lan, Hà Lan, … cũng như ở Việt Nam. Nhìn chung kết quả các nghiên cứu đều có sự thống nhất trong việc công nhận tồn tại sự ảnh hưởng nhất định của thiên lệch hành vi do sự khác biệt về cách nhìn của nhà quản lý và thị trường vốn đối với các quyết định tài chính, cụ thể đó là quyết định cấu trúc vốn. Đa số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu tồn tại sự khác biệt giữa quan điểm của nhà quản lý và đánh giá từ thị trường thì các nhà quản lý sẽ thích lựa chọn nợ vay hơn phát hành cổ phần thường trong việc sử dụng các nguồn tài trợ cho các dự án đầu tư (Gilson, Heaton, Graham, Lowe và Rohling, Cain và MCKeon, …). Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng các nhà quản lý này lại thích sử dụng vốn cổ phần hay nhưng nguồn tài trợ hỗn hợp hơn (Berg). Cho đến nay, một số nghiên cứu ở Tp.HCM thường tập trung vào việc phân tích tác động thiên lệch hành vi của nhà đầu tư đối với việc ra quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán nhiều hơn. Bài luận văn được thực hiện với mong muốn xem xét lại tác động của hành vi nhà quản lý đối với quyết định cấu trúc vốn cũng như đo lường mức độ ảnh hưởng của chúng tới quyết định này ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Tác giả hy vọng với những kết quả nhận được từ việc nghiên cứu này sẽ đóng góp một phần vào kho tàng lý thuyết và thực nghiệm về lĩnh vực ứng dụng tài chính hành vi trong việc phân tích các quyết định tài chính ở Việt Nam.
CHƯƠNG 2
DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU