- Việc quản lý:
1.3.2. Tổ chức thực hiện chính sách BHTN.
Khi nghiên cứu chu trình của bất kỳ chính sách kinh tế - xã hội nào, các chuyên gia thường đưa ra 3 nội dung cơ bản: Hoạch định chính sách, tổ chức thực thi chính sách và phân tích chính sách.
Hoạch định chính sách là giai đoạn đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ chu trình chính sách. Sản phẩm của giai đoạn này không phải là kết quả của hoạt động thực tiễn mà là sản phẩm dưới dạng văn bản đã được thông qua để được triển khai trong thực tiễn. Muốn hoạch định chính sách BHTN, các nhà quản lí phải dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu để xác định mục tiêu cần đạt được, từ đó đưa ra các biện pháp và công cụ cần thiết để đạt tới mục tiêu đặt ra. Sau giai đoạn hoạch định chính sách, để biến các mục tiêu chính sách thành hiện thực, giai đoạn tiếp theo là tổ chức thực thi chính sách nhằm đưa chính sách vào cuộc sống.
Tổ chức BHTN là sự tập hợp các cấu trúc của các bộ phận cấu thành và các hoạt động điều phối một cách có ý thức nhằm thực hiện mục tiêu của chính sách BHTN.
Là một tổ chức, trước hết tổ chức BHTN phải đảm bảo những đặc tính chung của tổ chức, đồng thời phải thể hiện những đặc tính riêng về lĩnh vực hoạt động của mình và phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tính mục tiêu và hiệu quả. Việc tổ chức BHTN phải xuất phát từ mục tiêu chính sách BHTN đòi hỏi. Nghĩa là việc thành lập tổ chức BHTN là để giúp chính phủ đưa chính sách BHTN vào cuộc sống theo các mục tiêu đề ra. Đó là các mục tiêu đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình khi không may người lao động bị thất nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động để họ sớm quay lại thị trường lao động và cao hơn nữa là góp phần đảm bảo ASXH. Nhưng không thể thực hiện mục tiêu trên bằng mọi giá, khi hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTN kém hiệu quả. - Tính hệ thống. Tổ chức BHTN đã được hình thành một cách độc lập hay nằm trong tổ chức BHXH vẫn phải được đặt trong một hệ thống nhất định. Nó phải có các bộ phận hợp thành một cách chặt chẽ và các bộ phận này phải có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Một khi tính hệ thống bị phá vỡ thì sức mạnh và hiệu lực điều hành của tổ chức sẽ rất hạn chế và kém hiệu quả. Sức mạnh của hệ thống tùy thuộc vào sức mạnh của từng bộ phận cấu thành và sự phối hợp giữa chúng trong một tổ chức. Trong tổ chức BHTN phải có những hệ thống nhỏ hơn nằm trong một hệ thống lớn. Điều đó giúp cho việc xác định chức năng, nhiệm vụ và vị trí của từng bộ phận, từng hệ thống nhỏ và thiết lập các mối quan hệ giữa chúng. Từ đó, tạo ra cơ chế vận hành suôn sẻ cả theo chiều dọc và chiều ngang. Theo chiều dọc (tức là cấp trên và cấp dưới) thì một tổ chức nói chung và tổ chức BHTN nói riêng cần quy định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm cũng như sự phân cấp, phân quyền để từng cấp chủ động xử lý các công việc một cách kịp thời, thông suốt. Còn theo chiều ngang (tức các bộ phận cùng cấp) đòi hỏi tổ chức BHTN phải xác định cụ thể, rõ ràng chức
năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các bộ phận để tạo nên sự nhịp nhàng, tránh chồng chéo, lãng phí và làm giảm sức mạnh của cả hệ thống.
- Tính đồng nhất và đặc thù. Sự kết nối giữa các bộ phận, các hệ thống con trong tổ chức BHTN phải đảm bảo tính đồng nhất về mặt cấu trúc. Bên cạnh đó cũng phải xem xét đến tính đặc thù của tổ chức này. Chẳng hạn, nếu tổ chức một hệ thống BHTN độc lập thì tính đồng nhất và tính đặc thù rất dễ xác định về mặt cấu trúc của tổ chức. Nhưng nếu BHTN do cơ quan BHXH trực tiếp đứng ra tổ chức và phải phối hợp với các cơ quan khác có liên quan thì tính đặc thù phải được đặt lên hàng đầu và cần phải được coi trọng hơn khi hình thành bộ máy tổ chức cũng như tổ chức triển khai chính sách BHTN. Tính đặc thù của tổ chức BHTN có thể nằm ngay trong chính sách BHTN và cũng có thể do thực tiễn chi phối, quyết định. Yêu cầu về tính đồng nhất và tính đặc thù khi tổ chức BHTN ở nước ta cần phải hết sức coi trọng, nếu không sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các yêu cầu khác, như tính hiệu quả và tính hệ thống của tổ chức BHTN.
- Tính phù hợp giữa chủ thể với khách thể trong quản lí. Chủ thể quản lí BHTN là cơ quan quản lí BHTN do Nhà nước đứng ra tổ chức. Còn khách thể quản lí chính là người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHTN. Sự phù hợp giữa chúng phụ thuộc nhiều vào nội dung chính sách BHTN, vào tính chất của từng khâu công việc mà tổ chức BHTN phải hoàn thành; vào nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHTN. Để đảm bảo được yêu cầu này, ngay từ đầu phải thống nhất quan điểm là: Tính chất và nội dung quản lí đến đâu thì thiết lập tổ chức tương ứng đến đó. Có như vậy, tổ chức BHTN mới hợp lí và mang lại hiệu quả cao. Theo đà phát triển của kinh tế thị trường, nội dung chính sách BHTN của mỗi nước sẽ luôn có sự thay đổi và hoàn thiện cho phù hợp. Chính vì vậy, tổ chức BHTN cũng sẽ phải hướng tới sự điều chỉnh hợp lí và hoàn thiện.
Trong quá trình thực thi chính sách BHTN cần phải có những phân tích, đánh giá và so sánh kết quả của hoạt động thực tiễn khi áp dụng chính sách với
mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn hoạch định chính sách. Từ đó có những đúc kết, rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Như vậy, tổ chức thực thi chính sách BHTN là giai đoạn thứ hai của chu trình chính sách BHTN. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định tới sự thành công hay thất bại của chính sách BHTN được ban hành. Quá trình thực thi chính sách BHTN thường trải qua 4 bước sau: (1) chuẩn bị triển khai chính sách, (2) chỉ đạo thực thi chính sách, (3) kiểm tra quá trình thực thi chính sách và (4) tổng kết việc thực thi chính sách.
(1) Chuẩn bị triển khai chính sách BHTN: Đây là bước chuẩn bị về mặt tổ chức và cán bộ để triển khai chính sách BHTN. Bước này thông thường gồm các công việc:
- Xác định mô hình tổ chức
- Xây dựng mô hình bộ máy tổ chức để thực thi chính sách BHTN
- Lập kế hoạch triển khai như xác định cụ thể thời gian triển khai, kế hoạch phân bổ và sử dụng các nguồn lực.v.v.
- Ra văn bản hướng dẫn để cụ thể hoá chính sách đã được ban hành cho các cấp và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách (cụ thể với BHTN là người sử dụng lao động và người lao động) biết và thực hiện.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ chịu trách nhiệm thực thi chính sách BHTN và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách nhằm trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng nhất định khi thực hiện chính sách.
(2) Chỉ đạo thực thi chính sách BHTN: Thực chất đây là bước thực hiện nhiệm vụ triển khai chính sách BHTN vào thực tế cuộc sống. Trên cơ sở các quyết định phân cấp quản lý, toàn bộ hệ thống thực thi chính sách BHTN sẽ triển khai các hoạt động cụ thể theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao của mình.
(3) Kiểm tra quá trình thực thi chính sách BHTN: Đây là bước có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi việc thực thi chính sách. Từ đó, phát hiện kịp thời những vấn đề mới này sinh để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.
(4) Tổng kết việc thực thi chính sách BHTN: Đây là bước nhằm tổng kết một cách toàn diện và tổng thể về kết quả triển khai chính sách BHTN. Từ đó đưa ra kết luận cuối cùng về chính sách: có nên tiếp tục thực hiện hay kết thúc? Nếu tiếp tục cần phải có điều chỉnh gì? Nếu kết thúc cần đưa ra lý do và thông báo công khai cho các đối tượng liên quan biết.v.v.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội ở nước ta, BHTN được chính thức triển khai vào ngày 01/01/2009. Các văn bản dưới Luật về hướng dẫn tổ chức thực thi chính sách BHTN cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh việc phải quản lý đăng ký thất nghiệp và việc làm một cách chặt chẽ để tránh lạm dụng BHTN, phạm vi của BHTN không chỉ là phần thu nhập bị mất của người lao động khi thất nghiệp, mà còn bao gồm cả hỗ trợ về tìm việc, đào tạo và đào tạo lại tay nghề, đang khiến cho các nhà quản lý Việt Nam lúng túng trong việc tổ chức BHTN. Đó cũng là lý do để nhóm Nghiên cứu đề tài tập trung vào việc nghiên cứu tổ chức BHTN.
Như vậy, trong chương II, đề tài đã hệ thống hóa và làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến BHTN và tổ chức BHTN, đó là:
- Khái niệm về thất nghiệp và người thất nghiệp
- Nguyên nhân và hậu quả của tình trạng thất nghiệp
- Các công ước quốc tế về BHTN
- Các chính sách và biện pháp mà lâu nay các nước thường áp dụng để khắc phục và hạn chế tình trạng thất nghiệp.
Ngoài ra, đề tài còn trình bày những vấn đề lý luận chung liên quan đến chính sách BHTN, yêu cầu đặt ra khi xây dựng và hoàn thiện chính sách BHTN như: Tính hiệu lực và hiệu quả, tính…. Vấn đề tổ chức BHTN. Đây là những nội dung rất quan trọng và là cơ sở để tập thể tác giả phân tích và đưa ra những quan điểm, giải pháp riêng của mình khi tổ chức BHTN ở Việt Nam.