- Việc quản lý:
1.3.1.2. Cơ sở xây dựng chính sách BHTN
a. Vấn đề nhận thức
Trong xã hội hiện đại, các quốc gia, một mặt luôn hướng vào phát huy mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, để phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự phát triển bền vững và ngày càng phồn thịnh cho đất nước, mặt khác, không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH, trong đó có chính sách BHTN, để trợ giúp cho những người lao động không may bị thất nghiệp thoát khỏi những tình cảnh khó khăn về kinh tế. Nếu có một chính sách BHTN tốt sẽ thực hiện được mục tiêu đảm bảo ASXH, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức về vấn đề này sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cơ sở vững chắc để xây dựng một chính sách BHTN phù hợp.
Đối với người lao động, sự trợ giúp của BHTN sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình họ khi không may bị thất nghiệp. tạo niềm tin cho họ vào sự lãnh đạo và điều hành của Chính phủ. Còn đối với người sử dụng lao động, chính sách BHTN ra đời không chỉ giúp họ ổn định sản xuất kinh doanh,
kích thích người lao động yên tâm và hăng hái làm việc, mà còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ đối với người lao động và xã hội.
Đối với Nhà nước, chính sách BHTN là một trong những công cụ quản lí Nhà nước sử dụng để bảo vệ, che chắn cho người lao động trước rủi ro mất việc làm. Thông qua chính sách này, tình trạng thất nghiệp và hậu quả của chúng không những được hạn chế, mà còn góp phần thực hiện công bằng xã hội và giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Chính phủ các nước ban hành chính sách và tổ chức triển khai chính sách BHTN đều nhằm mục đích chung là đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi người lao động lâm vào tình cảnh thất nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động để họ sớm quay lại thị trường lao động, từ đó góp phần đảm bảo ASXH.
Ở nước ta, Đảng Cộng sản là Đảng cầm quyền. Nhà nước là của dân, do dân và vì dân mà nền tảng là giai cấp công nhân, nông dân và trí thức xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua việc vạch ra cương lĩnh, chiến lược, định hướng về chính sách và tổ chức cán bộ. Nhà nước thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng bằng pháp luật và thực thi chủ trương đường lối đó trong thực tiễn. Việc xây dựng chính sách BHTN ở nước ta phải dựa trên tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải được sự đồng thuận trong đông đảo tầng lớp lao động.
b. Pháp luật của quốc gia
Pháp luật là hệ thống các quy phạm có tính chất bắt buộc, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo thực hiện. Đối với xã hội có Nhà nước, pháp luật là công cụ quan trọng nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội và quản lý xã hội. Việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHTN phải căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành và tuân thủ các quy định pháp luật. Hệ thống văn bản pháp luật sẽ cung cấp cho nhà hoạch định chính sách những quy tắc, những tiêu chuẩn, những ràng buộc và khuôn khổ đối với việc xây dựng mô
hình BHTN. Thực tế không có mô hình tổ chức BHTN thống nhất cho tất cả các quốc gia thực hiện BHTN. Tuy nhiên, phần lớn luật các nước quy định giao cho Bộ lao động (hoặc Bộ các vấn đề xã hội) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Đây là cơ quan đứng ra chủ trì xây dựng chính sách BHTN. Chức năng quản lý nghiệp vụ thường được giao cho một cơ quan chuyên trách. Cơ quan chuyên trách này có thể là cơ quan BHXH thực hiện chính sách BHTN như chế độ của chính sách BHXH. Cũng có nước quy định cơ quan chuyên trách là một tổ chức độc lập, hoặc thậm chí cho phép cả các công ty tư nhân và các tổ chức xã hội tham gia thực hiện.
Ở Việt Nam, BHTN là một phần của chính sách BHXH quốc gia. Luật BHXH và Nghị định số 94/2008/NĐ-CP đã quy định Bộ Lao động thương binh và xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về BHTN, việc quản lý nghiệp vụ được giao cho BHXH Việt Nam. Rõ ràng việc xây dựng tổ chức BHTN hiện nay phải dựa trên những quy định pháp luật đã được ban hành này.
c. Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước
Điều kiện kinh tế của đất nước có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHTN. Không chỉ khi xây dựng và ban hành pháp luật về BHTN, mà ngay cả khi triển khai cụ thể hoá pháp luật vào cuộc sống, các nhà quản lý đều phải quan tâm đến yếu tố kinh tế-xã hội của đất nước. Điều kiện kinh tế được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế, GNP, GDP, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát.v.v. Trước hết, điều kiện kinh tế tạo tiền đề để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho tổ chức BHTN. Với các nước thực hiện BHTN như một tổ chức độc lập, điều kiện kinh tế của đất nước sẽ tác động rất lớn. Vì lúc này việc xây dựng mô hình tổ chức BHTN sẽ phải cần tới rất nhiều nguồn lực về con người, về cơ sở vật chất kỹ thuật, về trình độ quản lý.v.v. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép, quốc gia đó khó có thể xây dựng mô hình tổ chức BHTN một cách toàn diện và rộng khắp. Thông thường khi điều kiện kinh tế chưa cho phép, các nước thường xây dựng mô hình tổ chức sử dụng các
nguồn lực hiện có để thực hiện chính sách BHTN như Cơ quan BHXH và các Trung tâm đào tạo nghề hiện hành.
Ngoài ra, điều kiện kinh tế còn ảnh hưởng rất lớn đến phạm vi áp dụng chính sách BHTN, từ đó tác động đến mô hình tổ chức BHTN. Ở các nước phát triển như Pháp, Bỉ do có điều kiện về kinh tế, BHTN được áp dụng không chỉ với người lao động làm công ăn lương, mà còn áp dụng với cả lao động tự do. Do đó, mô hình tổ chức BHTN ở các nước này được chia làm 2 hệ thống: một cho người lao động làm công ăn lương và một cho người lao động tự do.
Ở Việt Nam do điều kiện kinh tế chưa cho phép, trong thời gian tới chúng ta chỉ thực hiện BHTN đối với người làm công hưởng lương, là lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi đó phần lớn lực lượng lao động nước ta là nông dân sống ở nông thôn, không thuộc đối tượng hưởng BHTN. Vì vậy, việc xây dựng mô hình BHTN không thể không tính tới yếu tố này.
Bên cạnh điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dụng mô hình tổ chức BHTN. Điều kiện xã hội thể hiện ở dân số và cơ cấu dân số, mức sống dân cư, trình độ dân trí.v.v. Việt Nam là nước đông dân, có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Việc xây dựng mô hình tổ chức BHTN một mặt phải phù hợp với số lượng lao động được hưởng BHTN còn hạn chế trong thời gian trước mắt. Nhưng mặt khác cũng phải tính đến sự mở rộng của hệ thống một cách thuận tiện và hiệu quả nhất, để có thể bao phủ tới toàn bộ người lao động sẽ được hưởng BHTN trong tương lai.
Ngoài ra, việc xây dựng mô hình BHTN còn phải tính đến yếu tố bối cảnh lịch sử. Ở các nước do đã có sẵn Cơ quan Việc làm nên việc triển khai BHTN rất thuận lợi vì đây sẽ là cơ quan có trách nhiệm quản lý đăng ký việc làm, thất nghiệp và giới thiệu việc làm. Còn ở Việt Nam, việc chưa có Cơ quan Việc làm sẽ là một khó khăn trong việc quản lý thất nghiệp. Nhưng chúng ta lại đang có sẵn một hệ thống BHXH phủ rộng khắp cả nước đến từng quận huyện, mà khi xây dựng mô hình BHTN cần phải tính đến.
d. Kinh nghiệm của các nước
Kinh nghiệm của các nước là bài học quý báu đối với việc hoạch định chính sách nói chung và với chính sách BHTN nói riêng ở bất kỳ quốc gia nào, trong đó bao hàm cả việc xây dựng mô hình tổ chức BHTN. Kinh nghiệm của các nước sẽ giúp chúng ta tránh được những sai sót mà các nước đã gặp phải, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để có kết quả tốt nhất. Mặc dù hiện nay không có mô hình BHTN thống nhất cho tất cả các nước, nhưng việc xây dựng mô hình tổ chức BHTN đều có những đặc điểm chung sau: có cơ quan quản lý Nhà nước; có tổ chức chịu trách nhiệm quản lý nghiệp vụ thu chi BHTN; có tổ chức chịu trách nhiệm quản lý đăng ký việc làm, thất nghiệp, và giới thiệu việc làm; và có tổ chức chịu trách nhiệm về đào tạo lại nghề. Khi vận dụng kinh nghiệm các nước, cần phải chú ý tới điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của quốc gia để lựa chọn được mô hình tổ chức phù hợp nhất. Thông thường các nước hay lấy kinh nghiệm những quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị tương đồng với đất nước mình để vận dụng.