Đối tượng áp dụng BHTN

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ THẤT NGHIỆP VÀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP (Trang 27 - 31)

- Việc quản lý:

1.2.2.1 Đối tượng áp dụng BHTN

Xác định đối tượng áp dụng BHTN (những người cần được bảo vệ) là một trong những vấn đề có tính nguyên tắc được đặt ra khi thiết kế nội dung của BHTN. Để ấn định ranh giới của sự bảo vệ xã hội chống thất nghiệp, người ta thường xem xét các yếu tố: Nhu cầu bảo vệ, sự quan tâm về mặt tài chính và quản lý.

Nhìn chung, đa số các nước quy định: Chỉ những người làm công ăn lương (làm công cho chủ) mới được tham gia BHTN; còn những người lao động độc lập thì không thuộc đối tượng tham gia BHTN. (Quy định này được thể hiện tại Điều 2, Công ước số 44). Tại Điều 2 cũng ghi: “Tuy nhiên, tùy hòan cảnh mỗi nước có thể đặt thêm các trường hợp ngoại lệ đối với một số đối tượng thuộc các dạng sau:

1 Các gia nhân (những người giúp việc nhà);

2 Người lao động làm việc tại nhà;

3 Công chức Nhà nước có việc làm ổn định;

4 Người lao động có thu nhập cao có thể tự mình phòng chống rủi ro thất nghiệp;

5 Những người lao động làm việc theo mùa vụ;

6 Những lao động trẻ, sát cận tuổi lao động theo quy định;

7 Những lao động đã vượt quá tuổi quy định, nghỉ hưu, đang được hưởng trợ cấp hưu trí;

8 Người lao động làm việc tùy dịp hoặc phụ trợ;

9 Thành viên trong gia đình của chủ nhân;

Công ước này không áp dụng cho thủy thủ, thủy thủ đánh cá và lao động nông nghiệp.”

Sở dĩ có các trường hợp ngoại lệ này là vì nguyên tắc chung xác định đối tượng cần được bảo vệ là tìm cách đạt được sự cân bằng giữa các yếu tố: Nhu cầu bảo vệ, sự quan tâm về mặt quản lý cũng như về mặt tài chính. Tuy nhiên, đôi khi các yếu tố này lại không phù hợp với nhau, gây ra khó khăn khi quyết định cho đối tượng gia nhập hay loại trừ khỏi bảo hiểm. Do đó khi xác định phạm vi áp dụng của BHTN cần nghiên cứu riêng cách giải quyết đối với các trường hợp đó.

Thứ nhất, đối với những người giúp việc nhà: Đây là loại lao động mà sự tham gia bảo hiểm đặt ra nhiều vấn đề nan giải nhất về mặt quản lý cũng như về mặt tài chính. Đa số những người này được tuyển dụng để làm việc nhà. Chủ nhân thường là 1 gia đình chỉ thuê mướn 1 người làm, (đôi khi có trường hợp 1 người làm việc nội trợ giúp nhiều gia đình trong 1 tuần lễ). Vì vậy, việc quản lý đối tượng này rất khó khăn, tốn kém chi phí và khó xác định thời điểm bắt đầu thất nghiệp thực sự của đối tượng này. Hơn nữa những người giúp việc nhà thường hưởng phần lớn thù lao dưới dạng hiện vật (vì họ được chủ nhà nuôi ăn và cung cấp chỗ ở), do đó không thuận tiện cho việc tính số đóng góp như trường hợp thù lao bằng tiền. Nhưng những người giúp việc nhà lại có nhu cầu bảo vệ chống lại thất nghiệp khẩn thiết hơn những loại lao động khác vì so với các nghề nghiệp khác, việc làm của những người này không ổn định bằng, họ lại thường bị thôi việc một cách đột ngột và đồng lương của họ cũng rất khiêm tốn nên không có khả năng dành dụm cho những ngày không may bị thất nghiệp. Như vậy, trên khía cạnh xã hội, người giúp việc nhà cần được đưa vào là đối tượng áp dụng của BHTN. Nhưng trên khía cạnh quản lý của các nước mới thiết lập BHTN thì việc mở rộng đối tượng áp dụng BHTN cho những người giúp việc nhà có thể tạm hoãn cho đến khi hệ thống BHTN được hòan thiện; nhưng những nước này cũng phải tính đến việc mở rộng đối tượng áp dụng BHTN khi điều kiện cho phép.

Thứ hai là đối với những lao động làm việc tại nhà: Những lao động làm việc tại nhà là những người nhận của người ủy nhiệm các nguyên vật liệu, dụng

cụ để hòan thành công việc được giao tại nhà mình hoặc một nơi nào khác mà họ không chịu sự đôn đốc, kiểm soát trực tiếp của người ủy nhiệm. Như thế, họ được gần như tự do làm việc cho chính mình, nhưng cũng đặt dưới sự kiểm tra của người ủy nhiệm nên họ ở vào thế vừa là người làm công ăn lương, vừa là người lao động độc lập. Họ cũng đứng trước nguy cơ mất việc làm, do đó mất thu nhập và có nhu cầu được bảo vệ chống thất nghiệp.

Thứ ba, công chức Nhà nước có việc làm thường xuyên hoặc theo hợp đồng dài hạn do đó công việc khá ổn định và không có nhu cầu khẩn thiết tham gia BHTN.

Thứ tư, đối với người lao động có thu nhập cao. Những đối tượng này có thể tự mình phòng chống rủi ro thất nghiệp. Nhưng người ta cũng cho rằng việc làm có thu nhập cao thường không ổn định bằng các việc làm khác. Hơn nữa, không phải tòan bộ những người có thu nhập cao đều có khả năng dành dụm để tự bảo vệ khi mất việc làm. Xét trên khía cạnh quản lý thì nếu loại trừ không cho những người có thu nhập cao tham gia BHTN thì chi phí quản lý không được cắt giảm nhiều. Xét trên khía cạnh tài chính, số đóng góp của những người có thu nhập cao thường giúp cho BHTN tăng thu và thuận lợi cho sự cân đối tài chính của quỹ. Do đó cần cân nhắc xem có nên cho những người có thu nhập cao tham gia BHTN hay không.

Thứ năm, đối với lao động làm việc theo mùa vụ: Việc làm theo mùa là những công việc thực hiện mỗi năm vào một thời kỳ hầu như nhất định, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Về mặt BHTN, người lao động làm việc theo mùa chỉ bị mất lương khi bị thất nghiệp vào lúc đang mùa (thời kỳ được thuê mướn làm việc). BHTN không chấp nhận sự không có việc làm trong những thời kỳ khác không phải là mùa là nguyên nhân làm mất thu nhập. Vì vậy, khi thực hiện BHTN, nhiều nước trên thế giới không áp dụng với người lao động theo mùa vụ.

Thứ sáu, đối với những lao động trẻ sát cận tuổi lao động theo quy định: Đa số những người trẻ tuổi khi chưa đạt tới một độ tuổi nào đó thường chưa bắt

đầu lao động hoặc không có đều đặn một việc làm đầy đủ thời gian. Những người này lại thường sống với gia đình và chưa phải là người trụ cột. Do vậy, việc xác định một thiếu niên không có việc làm có phải bị thất nghiệp hay không là điều khá khó khăn. Vả lại những lao động này cũng chưa có nhu cầu khẩn thiết được bảo vệ chống thất nghiệp. Thêm vào đó, những lao động trẻ chỉ được trả thù lao một cách khá khiêm tốn, do đó đóng góp BHTN đối với những đối tượng này có thể là một gánh nặng tài chính. Với các lý do này, các quốc gia cần nghiên cứu kỹ trước khi chấp nhận hay loại trừ khỏi đối tượng áp dụng của BHTN những lao động trẻ chưa đạt đến một độ tuổi nhất định.

Thứ bảy, đối với những người già khi tiến gần đền tuổi nghỉ hưu, năng lực làm việc thường giảm đi và nguy cơ bị thất nghiệp tăng. Do đó, nếu không thận trọng quỹ BHTN sẽ phải chi một phần lớn trong tổng số trợ cấp cho những người già mà do thể trạng, họ khó có thể kiếm và giữ được việc làm. Vì vậy nên loại trừ khỏi BHTN những người đã vượt trên một hạn tuổi nhất định.

Thứ tám, đối với lao động làm việc tùy dịp và phụ trợ: Công việc tùy dịp và phụ trợ (ngoài hoạt động nghề nghiệp bình thường) là những công việc làm không thường xuyên, đầy đủ thời gian do đó thường bị loại trừ khỏi BHTN vì việc mất thu nhập sẽ không gây ảnh hưởng lắm (do họ đã có thu nhập từ hoạt động nghề nghiệp chính), vả lại nhu cầu bảo vệ cũng không khẩn thiết.

Thứ chín, đối với người làm công là thành viên trong gia đình của chủ nhân: Những người này có liên hệ thân thuộc, gần gũi với chủ nhân nên sẽ khó khăn trong việc kiểm tra tình trạng thất nghiệp, và cũng dễ xảy ra lạm dụng. Thêm vào đó, việc mất thu nhập cũng không gây khó khăn trầm trọng cho họ; do đó hầu hết các nước trên thế giới đều loại trừ những người này ra khỏi đối tượng áp dụng của BHTN.

Lao động nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp) cũng bị loại trừ khỏi đối tượng áp dụng BHTN do gây khó khăn cho việc quản lý và tài chính của quỹ BHTN. (Sản xuất phân tán nên việc đăng ký tham gia, thu tiền đóng góp… là khó khăn; Việc làm mang tính mùa vụ không thường xuyên, do đó khó xác định

xem họ có bị thất nghiệp thực sự hay không; Các đối tượng này có thu nhập thấp nên việc đóng phí BHTN sẽ khó khăn).

Trên đây là những khía cạnh cần xem xét khi xác định đối tượng áp dụng BHTN. Nhìn chung, khi BHTN được tổ chức dưới dạng 1 chế độ BHXH, đối tượng áp dụng BHTN thường trùng với đối tượng áp dụng BHXH; còn khi BHTN được tổ chức độc lập, đối tượng áp dụng BHTN được quy định riêng – có thể hẹp hơn hoặc rộng hơn đối tượng áp dụng BHXH, tùy thuộc vào khả năng quản lý và khả năng chi trả của quỹ BHTN.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ THẤT NGHIỆP VÀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w