- Việc quản lý:
1.2.2.2 Về điều kiện hưởng BHTN
Cho dù được tổ chức độc lập (hệ thống BHTN độc lập) hay được tổ chức dưới dạng chế độ BHTN trong hệ thống chế độ BHXH, điều kiện hưởng BHTN cũng cần được quy định rõ nhằm tránh lạm dụng. Muốn được hưởng trợ cấp BHTN, người thất nghiệp phải có đủ các điều kiện sau (theo Công ước số 44 của ILO):
+ Có năng lực làm việc và sẵn sàng làm việc nhưng hiện tại không có việc làm; + Có đăng ký tìm việc tại một phòng tìm việc do cơ quan có thẩm quyền xác nhận
hay tại một trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm do Nhà nước quản lý;
+ Có sổ BHTN để chứng nhận có tham gia đóng BHTN đủ thời hạn quy định của thời kỳ dự bị;
+ Trước đó không tự ý nghỉ việc vô cớ hoặc không phải bị nghỉ việc vì kỷ luật hay tranh chấp nghề nghiệp;
+ Có giấy chứng nhận mức lương hay thu nhập trước khi bị thất nghiệp (trường hợp trả trợ cấp theo mức lương).
Thứ nhất, về điều kiện “có năng lực làm việc và sẵn sàng làm việc”: BHTN nhằm bảo vệ người lao động bị mất việc làm do những nguyên nhân nằm ngòai ý muốn chủ quan của người lao động. Do vậy, nếu người lao động không có việc làm do không có khả năng lao động thì sẽ không thuộc trách nhiệm của BHTN. Vì vậy, muốn được nhận trợ cấp thất nghiệp, người thất
nghiệp phải có “năng lực làm việc” (“khả năng lao động”). Đây là điều kiện chủ yếu mà luật BHTN các nước đều đặt lên hàng đầu.
Để kiểm tra khả năng làm việc của người lao động bị thất nghiệp, khi nộp đơn xin hưởng trợ cấp, luật BHTN các nước qui định người lao động phải đến đăng ký tại một cơ quan tìm việc do Nhà nước quản lý và định kỳ phải đến trình diện. Nếu người thất nghiệp bị ốm đau, tai nạn sẽ không thể đến trình diện tại cơ quan giới thiệu việc làm. Trong nhiều trường hợp, thủ tục trình diện định kỳ cũng chưa đủ cơ sở xác định khả năng làm việc của người thất nghiệp, mà phải thông qua thủ tục giám định y khoa mới xác nhận được. Do đó luật BHTN nhiều nước cũng qui định cơ quan BHTN có quyền yêu cầu người thất nghiệp xin hưởng trợ cấp BHTN phải qua giám định y khoa nếu thấy cần thiết.
Khi tổ chức BHTN dưới dạng 1 chế độ BHXH cần lưu ý qui định về “có khả năng làm việc” trong BHTN phải thống nhất với các quy định về “có khả năng làm việc” trong các chế độ BHXH khác. Bởi vì, nếu người lao động đang hưởng trợ cấp BHXH do không có khả năng lao động thì sẽ không được coi là có khả năng lao động để hưởng trợ cấp BHTN.
Cùng với việc “có khả năng lao động”, muốn được hưởng trợ cấp BHTN, người thất nghiệp phải “sẵn sàng làm việc”. Đây là một điều kiện liên quan đến cá nhân người thất nghiệp. Người xin hưởng trợ cấp BHTN được xem như “sẵn sàng làm việc” nếu hoàn cảnh cá nhân của họ cho phép họ nhận ngay lập tức việc làm phù hợp mà cơ quan giới thiệu việc làm tìm được cho họ.
Sự “sẵn sàng làm việc” được xác nhận qua thủ tục ghi danh, trình diện tại cơ quan giới thiệu việc làm. Qua thủ tục này, cơ quan giới thiệu việc làm sẽ có biện pháp nghiệp vụ để đánh giá sự “sốt sắng”, ý chí muốn làm việc của từng người xin hưởng trợ cấp BHTN. Nếu người thất nghiệp từ chối việc làm phù hợp do cơ quan giới thiệu việc làm tìm cho thì họ có thể sẽ bị mất quyền hưởng trợ cấp.
Thứ hai, về điều kiện “có đăng ký tìm việc tại một phòng tìm việc”: Sự trợ giúp lớn nhất mà xã hội có thể mang lại cho người thất nghiệp là tìm cho họ
một việc làm mới, việc cung cấp một khỏan trợ cấp bù đắp thu nhập đã mất chỉ là thứ yếu. Do đó, để được hưởng trợ cấp BHTN, người thất nghiệp phải đăng ký tìm việc làm ở một phòng tìm việc. Ngoài ra, đây cũng là cách tốt nhất và đơn giản nhất để kiểm tra khả năng lao động, sự sẵn sàng và ý chí làm việc của người thất nghiệp.
Thứ ba, về “thời kỳ dự bị”: Để tránh sự lạm dụng của người thất nghiệp, luật BHTN của các nước đều qui định về thời gian dự bị - đó là khỏang thời gian người lao động có tham gia đóng góp cho quỹ BHTN trước khi thất nghiệp.
Quy định về thời kỳ dự bị có hai tác dụng: Thứ nhất, thời kỳ dự bị đảm bảo rằng chỉ có những người thực sự và thường xuyên thuộc dân số hoạt động kinh tế thì mới có thể xem như mất thu nhập thực sự khi lâm vào tình trạng thất nghiệp, do đó cần một khỏan trợ cấp thay thế. Thứ hai, nhờ thời gian dự bị mà cơ quan BHTN có thể đảm bảo số đóng góp của mỗi người tham gia BHTN sẽ đạt tới mức tối thiểu khi xảy ra thất nghiệp, điều này góp phần cân đối tài chính quỹ BHTN.
Bản chất của thời kỳ dự bị - thời gian làm việc hoặc thời gian đóng góp – không phải là vấn đề duy nhất đáng lưu ý. Cơ quan BHTN còn quan tâm đến thời gian trong đó thời kỳ dự bị được hoàn thành là mới gần đây hoặc là cách đây đã lâu. Bởi vì nếu một người thất nghiệp đã từng có việc làm cách đây nhiều năm (và cho dù là có việc làm trong thời gian dài), thì tại thời điểm xảy ra thất nghiệp họ lại không thuộc dân số hoạt động kinh tế và điều này cũng chỉ ra rằng những người này không trông chờ vào trợ cấp BHTN để đảm bảo cuộc sống. Do đó, cơ quan BHTN cần thiết phải xác định một “thời kỳ tham chiếu” trong đó thời kỳ dự bị được hoàn thành.
Tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội của mỗi nước và tình hình tài chính của quỹ BHTN mà độ dài của thời kỳ dự bị được các nước qui định rất khác nhau. Điều 6, Khuyến cáo số 44 có hướng dẫn: “Thời kỳ dự bị thường
không vượt quá 26 tuần lễ làm việc (tức là tối thiểu phải có 26 lần đóng góp hàng tuần) trong thời gian 12 tháng trước khi xin hưởng trợ cấp BHTN”.
Các trường hợp không được hưởng trợ cấp BHTN
Người thất nghiệp có thể bị mất quyền hưởng trợ cấp BHTN trong các trường hợp sau:
- Bị mất việc làm do lỗi cố ý của mình hoặc tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng;
- Từ chối một việc làm phù hợp do cơ quan giới thiệu việc làm tìm cho; - Có hành vi gian lận để hưởng trợ cấp;