Cá bị bệnh thường có những biểu hiện không bình thường về màu sắc ở da, mang cá, hoạt động bắt mồi, bơi lội, tốc độ lớn ... Vì vậy người nuôi cần thường xuyên theo dõi những dấu hiệu không bình thường để phát hiện bệnh kịp thời.
Hình 4.3.2. Quan sát hoạt động của cá
5.1. Quan sát sự hoạt động của cá
- Khi cá bị bệnh thường có những biểu hiện:
+ Bơi lội bất thường, giữa ban ngày cũng nổi đầu, nghe tiếng động mạnh cũng không lặn xuống.
+ Cá thường bơi dạt vào bờ, tập trung ở nguồn nước. + Bơi lội mạnh và phóng trên mặt nước.
- Dựa vào các biểu hiện trên có thể chẩn đoán: môi trường nước xấu, hàm lượng ôxy thấp hoặc cá bị bệnh vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm.
- Những con cá nhào lộn dữ dội, đây có thể là những con cá bị sán lá ký sinh.
5.2. Quan sát mức độ ăn của cá
- Đánh giá sức khỏe cá nuôi thông qua việc quan sát cá tiếp cận thức ăn nhanh hay chậm, tích cực hay thụ động hay lượng thức ăn được sử dụng hàng ngày, lượng thức ăn thừa sau thời gian cho ăn.
- Cá khỏe thường phản ứng tích cực, nhanh chóng tìm đến vị trí có thức ăn, ăn mạnh. Cá yếu chậm đến vị trí khi có thức ăn, ăn yếu nên thức ăn thừa nhiều trong sàng.
- Đa phần cá bị bệnh có dấu hiệu ăn giảm, bỏ ăn, sau 2-3 giờ cho ăn thấy dư nhiều thức ăn.
- Tuy nhiên, cũng cần phân biệt hiện tượng giảm ăn do cá bệnh với giàm ăn do những nguyên nhân khác: thức ăn lạ, nhiệt độ thấp.
Hình 4.3.3. Kiểm tra lượng thức ăn dư trong sàng cho ăn
5.3. Quan sát hiện tượng cá chết trong ao
- Tìm hiểu kỹ hiện tượng cá chết trong ao giúp cho người nuôi xác định cá bị mắc loại bệnh nào để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Cá bị bệnh cấp tính thường có màu sắc và thể trạng không khác so với cơ thể bình thường, chỉ những nơi bị bệnh mới thay đổi, tỷ lệ chết tăng rất nhanh và đạt đỉnh cao sau thời gian ngắn (2-3 ngày).
- Cá bị bệnh mãn tính thường có màu sắc cơ thể hơi tối (đen sẫm), thể trạng yếu, tách đàn bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc quanh bờ ao, tỷ lệ chết tăng lên từ từ và đạt đỉnh cao sau thời gian dài 2-3 tuần.
- Cá bị bệnh do môi trường nước nhiễm độc: đột nhiên cá chết hàng loạt.