Nguyên tắc cơ bản của Luật dạy nghề

Một phần của tài liệu Giáo trình môn học pháp luật phần 1 (Trang 37)

I. Hệ thống pháp luật

2.Nguyên tắc cơ bản của Luật dạy nghề

Hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề phải tuân thủ quy định của luật dạy nghề và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dạy nghề: lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên của cơ sở dạy nghề và người học nghề; gian lận trong tuyển sinh, thi, kiểm tra, cấp bằng, chứng chỉ nghề.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI HỌC NGHỀ 1. Nhiệm vụ của người học nghề

Người học nghề có những nhiệm vụ sau: thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước; tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và năng lực; giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

2. Quyền của người học nghề

Người học có những quyền sau: được nhà trường, cơ sở giáo dục khác tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được học trước tuổi, học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban; được cấp văn bằng, chứng chỉ sau khi tốt nghiệp cấp học, trình độ đào tạo theo quy định; được tham gia hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật; được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của nhà

trường, cơ sở giáo dục khác; được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường, cơ sở giáo dục khác các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học; được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước trong tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước nếu tốt nghiệp loại giỏi và có đạo đức tốt.

III. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ SỞ DẠY NGHỀ 1. Nhiệm vụ của cơ sở dạy nghề 1. Nhiệm vụ của cơ sở dạy nghề

Cơ sở dạy nghề có những nhiệm vụ cơ bản sau: xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực và đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho người lao động của doanh nghiệp vừa làm, vừa học để nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đào tạo lại nghề cho người lao động khi chuyển sang làm công việc khác của doanh nghiệp; chi phí đào tạo lại và tiền lương, tiền công cho người lao động trong thời gian học nghề do doanh nghiệp chi trả.

2. Quyền hạn của cơ sở dạy nghề

Được thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề để đào tạo nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cho xã hội; được tổ chức dạy nghề cho người lao động để làm việc cho doanh nghiệp; được Nhà nước hỗ trợ khi tiếp nhận người tàn tật, khuyết tật vào học nghề và làm việc cho doanh nghiệp; được liên doanh, liên kết với cơ sở dạy nghề để tổ chức dạy nghề cho người lao động; tổ chức nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, cơ sở dạy nghề mời tham gia hội đồng thẩm định chương trình, giáo trình dạy nghề; giảng dạy, hướng dẫn thực tập nghề và đánh giá kết quả học tập của người học nghề; tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Được trừ để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật đối với các khoản chi phí sau đây: các khoản đầu tư, chi phí hợp lý của doanh nghiệp để duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí dạy nghề của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc cho doanh nghiệp.

IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DẠY NGHỀ 1. Nội dung quản lý nhà nước về dạy nghề 1. Nội dung quản lý nhà nước về dạy nghề

Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển dạy nghề; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề; quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình dạy nghề; tiêu chuẩn giáo viên dạy nghề; danh mục nghề đào tạo ở các cấp độ; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị; quy chế tuyển sinh và cấp bằng, chứng chỉ nghề.

Tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng dạy nghề; thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động dạy nghề; tổ chức bộ máy quản lý dạy nghề; tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển dạy nghề; tổ chức, chỉ đạo công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về dạy nghề; tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế về dạy nghề; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dạy nghề; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dạy nghề.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dạy nghề. Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề theo thẩm quyền. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề theo phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm đầu tư phát triển dạy nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương./.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG III

1. Hãy trình bày nhiệm vụ và quyền lợi cơ bản cuả người học nghề và cơ sở dạy nghề.

2. Hãy nêu những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về dạy nghề.

3. Liên hệ thực tế bản thân về việc chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường hiện nay.

Chương IV LUẬT DU LỊCH I. KHÁI NIỆM LUẬT DU LỊCH

Luật Du lịch là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động về tài nguyên du lịch và hoạt động du lịch; quyền và nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến du lịch.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DU LỊCH

1. Những quy định chung 1.1. Đối tượng áp dụng 1.1. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch.

1.2. Áp dụng pháp luật về du lịch

Các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng trên thực hiện quy định của Luật Du lịch và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật Du lịch thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định thì các bên tham gia hoạt động du lịch được thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

1.3. Bảo vệ môi trường du lịch

Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn cần được bảo vệ, tôn tạo và phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.

Uỷ ban nhân dân các cấp có biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình.

Khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

1.4. Nội dung quản lý nhà nước về du lịch

Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động du lịch.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch; tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xác định khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.

Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch; hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài.

Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch; cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động du lịch.

Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch.

1.5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về du lịch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch.

Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân cấp của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa phương và có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.

1.6. Các hành vi bị nghiêm cấm

Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xây dựng công trình du lịch không theo quy hoạch đã được công bố; xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch.

Tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ; kinh doanh du lịch không có giấy phép kinh doanh, không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành, nghề, phạm vi kinh doanh.

Sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức khác hoặc cho người khác sử dụng tư cách pháp nhân của mình để hoạt động kinh doanh trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khách du lịch.

2. Tài nguyên du lịch

2.1. Các loại tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác.

Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.

Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.

Tài nguyên du lịch có thể thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

2.2. Nguyên tắc bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm phát triển du lịch bền vững.

Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên du lịch trong phạm vi cả nước, có chính sách và biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch.

2.3. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý tài nguyên du lịch, phối hợp trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch.

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý tài nguyên du lịch có trách nhiệm bảo vệ, đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, tạo điều kiện cho khách đến tham quan, thụ hưởng giá trị của tài nguyên du lịch theo quy định của pháp luật.

Khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch.

Tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý tài nguyên du lịch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền trong việc sử dụng và khai thác tài nguyên du lịch cho các mục tiêu kinh tế khác, bảo đảm không làm giảm độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch.

3. Quy hoạch phát triển du lịch

3.1. Các loại quy hoạch phát triển du lịch

Quy hoạch phát triển du lịch là quy hoạch ngành, gồm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch cụ thể phát triển du lịch.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch được lập cho phạm vi cả nước, vùng du lịch, địa bàn du lịch trọng điểm, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu du lịch quốc gia.

Quy hoạch cụ thể phát triển du lịch được lập cho các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia, khu du lịch địa phương, điểm du lịch quốc gia có tài nguyên du lịch tự nhiên.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn học pháp luật phần 1 (Trang 37)