Quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật

Một phần của tài liệu Giáo trình môn học pháp luật phần 1 (Trang 27)

I. Hệ thống pháp luật

2.Quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật

2.1. Quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện của pháp luật thành quy tắc xử sự trong các trường hợp cụ thể do Nhà nước quy định, có tính bắt buộc chung và được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.

Đặc điểm của quy phạm pháp luật: Quy phạm pháp luật do Nhà nước đặt

ra hoặc phê chuẩn và mang tính bắt buộc chung; Quy phạm pháp luật được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống; Quy phạm pháp luật vừa mang tính xã hội vừa mang tính giai cấp (tính xã hội duy trì bảo vệ đời sống cộng đồng xã hội, tính giai cấp thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động); Quy phạm pháp luật là quy phạm thành văn và có hệ thống.

Pháp luật được tạo thành từ rất nhiều quy phạm pháp luật, một quy phạm pháp luật là một tế bào tạo nên pháp luật, thông thường mỗi điều luật là một quy phạm pháp luật. Mỗi quy phạm pháp luật là một cách xử sự do Nhà nước nêu ra cho mọi người phải tuân theo trong những hoàn cảnh cụ thể nhất định: xử sự ấy có thể là một điều được làm, một điều bắt buộc phải làm hoặc một điều cấm không được làm. Quy phạm pháp luật cũng nêu cả hậu quả mà người xử sự không đúng phải chịu, tức là biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước tác động vào để bảo đảm cho quy phạm pháp luật được tuân theo.

2.1.1. Các bộ phận của quy phạm pháp luật

Bộ phận giả định: Là bộ phận của quy phạm pháp luật, nêu lên những hoàn cảnh, điều kiện có thể xẩy ra trong cuộc sống mà con người gặp phải và cần phải xử lý theo những quy định của Nhà nước. Giả định là phần không thể thiếu được

trong quy phạm pháp luật. Từ giả định ta sẽ biết được ai ? tổ chức nào ? khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh nào ? thì phải xử sự theo những quy định của Nhà nước. Nội dung của bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thường đề cập đến chủ thể, phạm vi thời gian, không gian, những trường hợp, hoàn cảnh, điều kiện nhất định của đời sống xã hội.

Ví dụ: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.” (khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 1999). Trong quy phạm pháp luật này bộ phận giả định là: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.

Bộ phận quy định: Là bộ phận của quy phạm pháp luật, trong đó nêu cách

xử sự, buộc mọi người phải tuân theo, khi ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong phần giả định của quy phạm pháp luật. Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật thường trả lời cho những câu hỏi như: được làm gì ? không được làm gì ? phải làm gì ? làm như thế nào ?

Ví dụ: Điều 57 - Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.”, thì bộ phận quy định trong quy phạm này là: “có quyền tự do kinh doanh theo quy phạm pháp luật”. Trả lời câu hỏi: được làm gì ?

Hoặc trong Điều 51 - Luật tổ chức Quốc Hội ghi: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội…”. Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật này là: “không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội…”. Trả lời cho câu hỏi: không được làm gì ?

Khoản 1, Điều 12 - Luật doanh nghiệp 1999 ghi: “Người thành lập doanh nghiệp phải lập và nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh”. Trong quy phạm pháp luật này, bộ phận quy định là: “phải lập và nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh”. Trả lời cho câu hỏi: phải làm gì ?

Điều 14 - Bộ luật Dân sự 1995 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận, thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật, nhưng không được làm trái với những nguyên tắc quy định trong bộ luật này”. Bộ phận quy định trong quy phạm pháp luật này là: “thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật, nhưng không

được làm trái với những nguyên tắc quy định trong bộ luật này”. Trả lời coi câu hỏi: làm như thế nào ?

Quy định là bộ phận quan trọng, là yếu tố trọng tâm của quy phạm pháp luật. Quy định trực tiếp thể hiện ý chí và lợi ích của Nhà nước, xã hội và cá nhân con người trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định; bên cạnh đó còn thể hiện bản chất, chức năng của quy phạm và vai trò xã hội của nó. Cách xử sự được nêu lên trong bộ phận quy định được hiểu chính là mệnh lệnh mà Nhà nước buộc các chủ thể phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Bộ phận chế tài: Là một bộ phận của quy phạm pháp luật, nêu lên những

biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng, đối với chủ thể nào không thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước, đã nêu ở phần quy định của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Khoản 1- Điều 102 - Bộ Luật hình sự 1999 quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Bộ phận chế tài là: “thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Chế tài pháp luật chính là những hậu quả bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Đây là thái độ của Nhà nước đối với các chủ thể vi phạm, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế.

2.1.2. Các loại chế tài quy phạm pháp luật

Chế tài hình sự: (còn gọi là hình phạt) là những biện pháp tác động trong

lĩnh vực hình sự, nó là hình phạt mà Toà hình sự của Toà án quyết định cho người phạm tội. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hiện nay hình phạt bao gồm: hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình) và hình phạt bổ sung (cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền của công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền; trục xuất).

Chế tài hành chính: (còn gọi phạt hành chính) là biện pháp tác động trong

lĩnh vực hành chính. Là các chế tài do các cơ quan quản lý nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể (cá nhân hay tổ chức) có hành vi vi phạm pháp luật hành chính, xâm hại các qui tắc quản lý hành chính nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Chế tài hành chính bao gồm các hình thức phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và các hình thức phạt bổ sung (tước quyền sử dụng trái phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính), bên cạnh đó còn có các biện pháp hành chính khác (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan

dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc đưa khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hành hoá, vật phẩm, phương tiện, buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại…).

Chế tài kỷ luật: là biện pháp tác động trong lĩnh vực lao động, do người sử

dụng lao động áp dụng cho người lao động thuộc quyền quản lý của mình vi phạm kỷ luật lao động. Biện pháp tác động này bao gồm: khiển trách, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng, sa thải.

Chế tài dân sự: là biện pháp tác động trong lĩnh vực dân sự, nhằm tác động

đến tài sản hay thân nhân của một bên có hành vi vi phạm pháp luật dân sự gây thiệt hại cho một bên khác với các hình thức cụ thể như: Bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản bị xâm phạm, huỷ bỏ một xử sự không đúng, buộc công khai xin lỗi theo Bộ luật Dân sự quy định.

2.2. Chế định pháp luật

Chế định pháp luật là một tập hợp gồm hai hay một số quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính chất chung và liên hệ mật thiết với nhau. Việc xác định đúng tính chất chung của mỗi nhóm quan hệ xã hội, từ đó đề ra những quy phạm pháp luật tương ứng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Đó là cơ sở để tạo ra cơ cấu nội tại hợp lý của một ngành luật. Không thể xây dựng một văn bản pháp luật tốt, cũng như một ngành luật hoàn chỉnh nếu không xác định rõ giới hạn và nội dung của các chế định pháp luật. Chế định pháp luật mang tính chất nhóm, mỗi chế định pháp luật có đặc điểm riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, chúng không tồn tại biệt lập. Mỗi chế định pháp luật dù mang trong mình những đặc điểm riêng nhưng bao giờ cũng theo quy luật vận động khách quan, chịu sự ảnh hưởng và tác động của các chế định khác trong hệ thống pháp luật.

2.3. Ngành luật

Ngành luật là tổng hợp các chế định pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất. Các quy phạm pháp luật trong một ngành luật có chung một đối tượng điều chỉnh là các nhóm quan hệ xã hội có cùng một tính chất.

Các quan hệ xã hội rất đa dạng, dựa vào tính chất giống nhau, gần gủi của chúng mà có thể xếp thành từng nhóm. Một số nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất hợp thành đối tượng điều chỉnh của một ngành luật. Ví dụ: Các nhóm quan hệ về kết hôn, cha mẹ và con, ly hôn…

Dựa vào đối tượng điều chỉnh của một ngành luật mà tiến hành hệ thống hoá các quy phạm pháp luật thành các hệ thống pháp luật theo từng ngành luật.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn học pháp luật phần 1 (Trang 27)