Nguyên tắc tập trung dân chủ

Một phần của tài liệu Giáo trình môn học pháp luật phần 1 (Trang 25)

3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước

3.3.Nguyên tắc tập trung dân chủ

Đây là nguyên tắc thể hiện sự kết hợp giữa tập trung và dân chủ, tức là sự kết hợp chặt chẽ giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp trên với tính năng động sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực của Nhà nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở để phát huy tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân, của tập thể và đề cao trách nhiệm, ý thức kỷ luật của cán bộ, công chức nhà nước. Vì vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ áp dụng vào việc giải quyết mối quan hệ giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp trên với cấp dưới, mà còn có thể áp dụng cho mỗi cấp trong cơ cấu tổ chức, cũng như trong cơ chế hoạt động cụ thể của nó.

Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện trên các mặt chủ yếu: tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra và xử lý các vấn đề khen thưởng và kỷ luật.

Ý nghĩa: tuân thủ nguyên tắc này đảm bảo cho bộ máy nhà nước không độc đoán, chuyên quyền hoặc hỗn loạn, vô tổ chức, vô kỷ luật; là nhân tố bảo đảm cho bộ máy nhà nước vừa giữ vững được bản chất, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, phát huy được tính năng động sáng tạo.

Nội dung của nguyên tắc thể hiện ở chỗ cơ quan cấp dưới phục tùng cơ quan cấp trên, cơ quan địa phương phục tùng cơ quan Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước phục tùng cơ quan quyền lực nhà nước, nhân viên phục tùng thủ trưởng. Đồng thời phát huy vai trò sáng tạo, dân chủ bàn bạc của các chủ thể chấp hành trước khi quyết định.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn học pháp luật phần 1 (Trang 25)