Một trong những yêu cầu đầu tiên đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các trường học hiện nay là phải có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng. Nhưng đó cũng mới chỉ là một khía cạnh của nhân cách người quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn là một yếu tố rất quan trọng. Đó là:
*Tính thực tiễn của trí tuệ:
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý có khả năng ứng dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình trong nhiều lĩnh vực và tình huống cụ thể khác nhau.
*Tính quảng giao:
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý biết cởi mở, chan hòa với mọi người, biết tiếp xúc và giao thiệp rộng rãi.
*Tính sâu sắc của trí tuệ:
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý có khả năng tìm ra bản chất của vấn đề và giữa nhiều vấn đề, tìm ra ngay được vấn đề cơ bản. Trong ngữ cảnh không gian và thời gian xác định, người cán bộ quản lý phải nhận biết vấn đề gì là chính yếu, vấn đề nào là thứ yếu.
*Tính tích cực:
Người cán bộ quản lý biết hành động sôi sục nhiệt tình khi giải quyết những nhiệm vụ được giao.
*Tính sáng tạo:
Người cán bộ quản lý có khả năng đề ra những kiến nghị mới và giải pháp mới.
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có khả năng tập trung tình cảm và hành vi của mình để giải quyết những tình huống phức tạp.
*Khả năng làm việc:
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý làm việc một cách căng thẳng, tập trung một thời gian cần thiết mà không mệt mỏi.
*Năng khiếu quan sát:
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý biết ghi nhận được cấu trúc của vấn đề, từ cái chung đến cái riêng, từ cái tổng quát đến cái chi tiết.
*Tính tổ chức:
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có khả năng tự làm chủ được mình theo một quy trình nhất định, lập kế hoạch hoạt động cho bản thân, thể hiện được tính tuần tự và khả năng tập trung cao độ cho những vấn đề bức thiết nhất. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải có khả năng tác động nghị lực và tình cảm đến người khác, nghĩa là truyền nhiệt tình của mình đến mọi người và biết yêu cầu cao đối với bản thân mình, với người khác như tính liên tục và bền bỉ, tính nguyên tắc, thái độ dũng cảm chịu trách nhiệm và tinh thần sẵn sàng học hỏi.
Để các hoạt động của đơn vị được phát triển đồng đều, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tổ chức và chỉ đạo một cách hợp lý các hoạt động tổ chức và chỉ đạo một cách hợp lý các hoạt động chuyên môn và các hoạt động xã hội khác. Những hoạt động đó nhằm định hướng và phát triển một cách toàn diện nhân cách học sinh.
Nhân cách của học sinh là một thể thống nhất toàn vẹn của các thuộc tính về nhân cách. Mỗi hoạt động được tổ chức một cách hợp lý sẽ có ý nghĩa đối với việc hình thành một nét nhân cách tương ứng của học sinh.
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nắm bắt được khả năng của từng người trong tập thể cán bộ giảng dạy, cán bộ tổ trưởng chuyên môn, cán bộ các tổ chức đoàn thể để làm công tác quản lý điều hành, đôn đốc, phối hợp công việc một cách hợp lý. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giáo dục của nhà trường. Vì rằng, mỗi người có một chuyên môn riêng, năng lực
riêng, chỉ có phối hợp được các hoạt động của các thành viên, của các tổ chức trong trường học: Đoàn thanh niên, Đội Thiếu niên, Công đoàn, Chi bộ Đảng... mới phát huy được sức mạnh tổng hợp nhằm đạt mục tiêu giáo dục toàn diện.
Người lãnh đạo, quản lý các trường học vì vậy cần hiểu biết tâm lý của từng người, từng độ tuổi để phân bổ công tác, động viên tinh thần tự giác giảng dạy, cải tiến phương pháp, sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện cho việc nâng cao chất lượng - hiệu quả dạy học.
Bố Trạch là huyện có diện tích tự nhiên khá rộng, địa bàn gồm có: Miền biển, đồng bằng, vùng gò đồi, miền núi - rẻo cao, dân cư trải khắp mọi vùng - miền của Huyện, ở đâu có dân cư là ở đó có trường học. Do vậy, người lãnh đạo quản lý trường học phải biết giao tiếp với dân bản địa và có khả năng thiết lập mối quan hệ với họ; phải là người am hiểu những phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân địa phương (nhất là các địa phương miền biển và miền núi - rẻo cao) để từ đó thuyết phục, vận động họ đưa con em đến trường.