2. CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGÀNH DƯỢC TRONG NƯỚC
1.5. Nguồn nhân lực
Ngành Dược chia thành nhiều cấp học nhưng phổ biến là dược sĩ trung cấp và dược sĩ đại học.
- Dược sĩ trung cấp được phép tham gia làm việc ở tất cả các lĩnh vực khác nhau của ngành dược với vai trò trợ lý của dược sĩ đại học.
- Dược sĩ đại học, có thể tham gia vào toàn bộ ngành dược.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành dược đang thiếu ở hầu hết các loại trình độ, đặc biệt là trình độ đại học và có sự không đồng đều trong nguồn nhân lực khi tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh, phân phối.
Tổng số dược sỹ chiếm khoảng 1% trong tổng số nhân lực của toàn ngành y tế. Trung bình mỗi năm có khoảng 800 dược sĩ mới ra trường, bằng 1/5 so với số lượng bác sĩ. Tuy nhiên khoảng 10.000 dân thì chỉ có 0,2 dược sĩ, một tỷ lệ thấp so với các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Nhật Bản.
Trong hệ thống các trường từ trung cấp dược, cao đẳng đến đại học ở nước ta, số lượng trường đào tạo về ngành Dược còn quá ít. Trong khi đó, các trường đào tạo trình độ Dược sĩ đại học chiếm tỉ lệ ít hơn so với tỉ lệ các trường đào tạo trung cấp. Điều này dẫn tới hiện trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và đầu ra từ các dược sĩ trung cấp chưa đáp ứng được hết nhu cầu của xã hội.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý dược cho thấy, tỉ lệ dược sĩ của nước ta hiện mới đạt khoảng 1,76/10.000 dân, trong đó số lượng dược sĩ chủ yếu đang làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các bệnh
viện và các cơ sở sản xuất kinh doanh dược phẩm. Do vậy, nhu cầu nhân lực về ngành Dược trong nước đang thiếu rất nhiều.
Theo ước tính, thời gian tới ngành Dược cần khoảng 25.000 cử nhân dược sĩ. Hiện nay không chỉ ở các bệnh viện, doanh nghiệp dược mới thiếu hụt nhân lực, mà ngay cả ở các công ty dược phẩm nước ngoài muốn kinh doanh lâu dài tại Việt Nam cũng đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Nhiều hãng thuốc của các quốc gia đang thâm nhập thị trường nước ta kèm theo nhu cầu tuyển dụng, tạo ra cơ hội lựa chọn phong phú cho các cử nhân ngành dược. Ngoài ra, hệ thống phân phối thuốc ở nước ta đang ngày một mở rộng tiến đến đạt chuẩn, đây sẽ là cơ hội việc làm cho sinh viên y dược.
Theo kế hoạch phát triển nhân lực của Bộ Y tế vào năm 2015 cứ 1,5 dược sĩ /1 vạn dân và 2020 là 2 dược sĩ/1 vạn dân.
Để đạt được mục tiêu mở rộng nguồn nhân lực vừa nâng cao trình độ chuyên môn, Bộ Y tế đang triển khai quy hoạch đào tạo lại các cán bộ y tế, nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ y, dược; chú trọng đào tạo dược sĩ có trình độ chuyên môn cao đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế và triển khai các chương trình đào tạo.