Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ năm 1986 đến năm 2001 (Trang 58)

6. Về kết cấu khóa luận

2.2.4.Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống

Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh là một trong hai nhiệm vụ cấp bách đến năm 2000 được Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII khẳng định. Nghị quyết chỉ rõ: Huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào: Người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Xóa đói giảm nghèo, Xây dựng gia đình văn hóa,

làng, xã, phường văn hóa nhằm hướng tới phong trào thi đua yêu nước “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về việc phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày 23-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 235-QĐ/TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo mô hình bốn cấp. Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, trước mắt huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, mọi nguồn lực của xã hội tập trung vào hai lĩnh vực: Đoàn kết xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của đông đảo nhân dân nên phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng trong cả nước như phong trào: Xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng; xây dựng môi trường xanh sạch đẹp; xây dựng công sở, cơ quan văn hóa… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã nhận được sự quan tâm của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương.

Nguồn lực huy động từ sức dân và các lực lượng xã hội cho việc xây dựng đời sống văn hóa ngày càng nhiều. Đến năm 2001, nhân dân Hà Nội đóng góp 240 tỷ 22 triệu đồng; Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đóng góp 200 tỷ đồng; 15 tỉnh miền núi mỗi năm huy động từ dân từ 3 - 5 tỷ đồng xây dựng 498 nhà văn hóa thôn bản, 302 nhà rông truyền thống; nhân dân thị xã Hội An (Quảng Nam) đóng góp 2,412 tỷ đồng để tu sửa phố cổ; Hà Nam huy động từ sức dân 23,3 tỷ đồng; Bình Thuận huy động nhân dân đóng góp 11 tỷ 47 triệu đồng....[6, tr.93-94].

Sau 6 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư “và hơn 3 năm tiến hành cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, diện mạo đời sống văn hóa cơ sở ngày càng khởi sắc. Đến năm 2000, cả nước có 7,8 triệu hộ gia đình đạt tiêu chuẩn hộ gia đình văn hóa; gần 10.000 tộc họ văn hóa; 11.526 làng, bản, thôn ấp và 1.041 khu phố được công nhận làng, bản văn hóa, khu phố văn minh; trên 20.000 khu dân cư được công nhận là khu dân cư tiên tiến, xuất sắc; trên 7000 công sở, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn công sở, doanh nghiệp văn hóa. Cả nước xây dựng được 5.076 điểm bưu điện văn hóa xã và 21.082 đội văn nghệ quần chúng[5, tr.15]. Toàn quốc có 642 thư viện với 15.564 nghìn đầu sách, trong đó 14.510 nghìn đầu sách thuộc các địa phương [35, tr.1771].

Mặc dù phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và đã đạt được kết quả bước đầu, song do đây là cuộc vận động lớn, lâu dài, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận trong toàn xã hội nên những năm đầu triển khai, phong trào mới thiên về bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Nhiều địa phương do chạy theo thành tích nên để xảy ra tình trạng “làng văn hóa ảo”. Việc chăm lo hoàn thiện thể chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Những năm cuối thế kỷ XX, vẫn còn hàng vạn cơ sở xã, phường chưa ổn định về bộ máy, cán bộ, ngân sách và chưa đủ các thiết chế văn hóa cần thiết như: bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, bưu điện. Trong đời sống văn hóa ở cơ sở, còn nhiều sách báo, băng đĩa hình độc hại, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến lối sống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa trở thành hành động tự giác của nhân dân.

Kế thừa các quan điểm, đường lối văn hóa của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục bổ sung

và không ngừng hoàn chỉnh đường lối văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến thời điểm này, văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc được Đảng nhận diện một cách sâu sắc. Đảng ta cho rằng, chính bản sắc dân tộc là “bộ lọc” để dân tộc ta lựa chọn và tiếp biến các giá trị văn hóa của toàn nhân loại và cũng chính bản sắc dân tộc sẽ quyết định sự tồn vong của dân tộc Việt Nam trong cuộc đua tranh chống lại sự “xâm lăng” của văn hóa ngoại lai. Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Với hai tiêu chí: Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã hướng mọi hoạt động văn hóa theo hướng làm đậm nét bản sắc dân tộc trong các hoạt động văn hóa và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

TIỂU KẾT CHƢƠNG 2

Nhờ sự chỉ đạo, nhạy bén, sáng tạo của Đảng, sự nghiệp văn hóa những năm 1996 - 2001 đã có chuyển biến đáng kể trên bình diện rộng thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động của toàn xã hội nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bước đầu hình thành những giá trị văn hóa mới phù hợp với bước tiến của đất nước và thời đại. Không chỉ phát triển về diện rộng mà công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc đã từng bước thấm sâu vào đời sống xã hội. Văn hóa trở thành nội dung chương trình hoạt động chính của các cấp ủy đảng, chính quyền. Sự phát triển của phong trào xây dựng đời sống văn hóa trở thành thước đo sự thành công trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng của các cấp, các ngành. Chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng đã khơi dậy ý thức tự tôn, tự cường dân tộc, tác động gián tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, thông qua phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “thương hiệu Việt” và khơi dậy các phong trào thi đua đạt các giải thưởng “Sao đỏ”, “Sao khuê”, “Sao vàng đất Việt”. Bề dày truyền thống văn hóa và những giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng miền trên cả nước đã tạo được ấn tượng tốt và ngày càng có sức thu hút khách quốc tế. Du lịch văn hóa dần trở thành thế mạnh để tạo sức bật mới cho ngành kinh tế du lịch của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi bản lĩnh, tính sáng tạo của cả dân tộc. Sự thành công của cuộc chấn hưng nền văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

Chƣơng 3

MỘT SỐ THÀNH TỰU, HẠN CHẾ VÀ KINH NGHIỆM TRONG QUÁ TRÌNH ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

VĂN HÓA (1986 – 2001) 3.1. MỘT SỐ THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ CƠ BẢN 3.1.1. Thành tựu

Từng bước đổi mới tư duy lý luận và hoạch định chiến lược văn hóa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với bước tiến chung của nhân loại, nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí của văn hóa được nâng lên một bước trên cơ sở kế thừa các quan điểm, đường lối văn hóa trong thời kỳ trước, đồng thời căn cứ vào yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và xu hướng của thời đại. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đều khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ nhận thức và quan niệm đúng đắn đó, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, cùng với việc hoạch định đường lối kinh tế, Đảng đã không ngừng bổ sung, phát triển đường lối văn hóa. Sau hơn 10 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới chưa được một chiến lược văn hóa tương xứng với sự phát triển của đất nước, đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, với nhận thức: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa”

[15, tr.15] và một đường lối toàn diện về văn hóa, Đảng đã đề ra được một chiến lược văn hóa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thành tựu lớn nhất trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng đã hoạch định được một chiến lược văn hóa đúng đắn đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với bước tiến của thời đại. Hai tiêu chí tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc phản ánh mối liên hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của văn hóa trong quá trình vận động, phát triển đã được thể hiện đầy đủ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nền văn hóa Việt Nam phải là nền văn hóa tiên tiến cả nội dung và hình thức, hiện thân của chủ nghĩa yêu nước và tiến bộ xã hội, thể hiện lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền văn hóa đó phải kết hợp được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tinh hoa của thời đại. Mặt khác, đó phải là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để có thể hội nhập, giao lưu với thế giới hiện đại mà không rời xa những giá trị bền vững của dân tộc đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, làm nên cốt cách, bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Cả hai yếu tố tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc là hai mặt của một chỉnh thể, bổ sung cho nhau, tạo điều kiện để thúc đẩy nhau cùng phát triển, làm cho văn hóa Việt Nam không ngừng đơm hoa, kết trái trong đời sống xã hội hiện đại.

Với việc không ngừng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam hôm nay sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đến thành công và đến lượt mình, công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho sắc thái dân tộc của nền văn hóa mới trong thời đại Hồ Chí Minh phát triển lên một trình độ mới. Đó là ý nghĩa lớn lao và sâu sắc của mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và đổi mới như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Đổi mới

là văn hóa, văn hóa là đổi mới. Không có khoảng cách giữa đổi mới tồn tại xã hội và đổi mới ý thức xã hội mà mặt này là tiền đề và điều kiện của mặt kia và ngược lại. Chính vì vậy, sự đổi mới trong đường lối văn hóa của Đảng là một quyết định đúng đắn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến toàn bộ sự nghiệp đổi mới. Bởi lẽ, đổi mới văn hóa luôn mang tính chủ động, vừa là nhân tố khởi xướng đổi mới, vừa tiếp nhận thành quả đổi mới. Quá trình đổi mới văn hóa chính là đổi mới con người - chủ thể của sự nghiệp đổi mới và đổi mới thế giới tinh thần (thượng tầng kiến trúc), “sàn diễn” của những biến đổi lịch sử.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để lãnh đạo sự nghiệp văn hóa. Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chưa có thời kỳ nào mà Đảng ta lại dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời hoạt động văn hóa, nghệ thuật như thời điểm vừa qua. Trong 10 năm 1991-2001, Đảng đã triệu tập hai Hội nghị Trung ương để bàn thảo và ra nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa; Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra hàng chục nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật và báo chí, xuất bản. Điều này đã đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi cấp bách của văn hóa, văn nghệ trong tình hình phức tạp của tình hình chính trị thế giới, nhất là sau sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô và tác động của mặt trái của cơ chế thị trường. Sự lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời của Đảng trong những năm đổi mới tạo tiền đề thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật phát triển lành mạnh, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa đối với đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị và các tầng lớp nhân dân đã đồng tình hưởng ứng thực hiện các nhiệm vụ văn hóa. Những chủ trương, sáng kiến cụ thể của các cấp, các

ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa đã bước đầu gắn kết công tác văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao bản lĩnh và trình độ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nhờ vậy nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí của văn hóa ngày càng đầy đủ hơn làm cơ sở cho việc vận dụng công tác văn hóa trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đồng thời, sự hiểu biết và tầm nhìn về công tác văn hóa cũng rộng mở hơn. Đông đảo nhân dân và người hoạt động văn hóa có nhiều cơ hội mới trong tổ chức đời sống văn hóa và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa, Đảng kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong các hoạt động văn hóa. Thông qua Nhà nước và các cơ quan chức năng (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin và các cấp chính quyền), Đảng kịp thời phát hiện những sai lầm trong các lĩnh vực: văn học nghệ thuật, báo chí xuất bản, kinh doanh văn hóa phẩm, tổ chức lễ hội, bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trên cơ sở nắm bắt những lệch lạc, hạn chế của công tác văn hóa, Đảng, Nhà nước có thể trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan chức năng kịp thời ra các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… để ngăn chặn và định hướng cho các hoạt động văn hóa phát triển lành mạnh, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

3.1.2. Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vẫn còn không ít khuyết điểm, hạn chế.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ năm 1986 đến năm 2001 (Trang 58)