Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ năm 1986 đến năm 2001 (Trang 52)

6. Về kết cấu khóa luận

2.2.2.Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Xây dựng phương án bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể bao gồm các di sản văn hóa dân gian truyền thống, trong đó chú trọng các di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa đã được UNESCO xếp hạng là nội dung cơ bản của Đề án Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc

trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa - Thông tin đẩy nhanh tiến độ tổng điều tra di sản văn hóa, từng bước quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, quản lý các di sản văn hóa. Nhằm đưa việc bảo vệ các di sản văn hóa trở thành hành động tự giác của các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa X (tháng 6-2001) đã thông qua Luật Di sản văn hóa.

Quán triệt quan điểm của Đảng và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin và các Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trong cả nước coi vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của ông cha để lại là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc trong bối cảnh các yếu

tố văn hóa ngoại lai xâm nhập ngày càng mạnh. Tiếp theo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các nghị định, văn bản hướng dẫn của Nhà nước, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của đất nước.

Đến hết năm 1997, cả nước có 2.147 di tích xếp hạng, trong đó có 1.120 di tích lịch sử, 939 di tích kiến trúc nghệ thuật, 25 di tích khảo cổ, 63 di tích thắng cảnh; xây dựng được 113 bảo tàng, trong đó 81 bảo tàng thuộc ngành văn hóa, 25 bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang. Trong vòng 5 năm (1993 - 1997), Nhà nước đã đầu tư cho chương trình chống xuống cấp di tích, bảo tảng với số vốn 97 tỷ 973 triệu đồng. UNESCO và các nước tài trợ trên 2 triệu USD tu bổ di tích và nâng cấp trưng bày bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam [25, tr.21].

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, lễ hội dân gian truyền thống đã được quan tâm khôi phục. Năm 2000, với chủ đề năm du lịch Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới, Đảng và Nhà nước chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức 20 lễ hội tầm quốc gia, mở đầu bằng lễ hội Đền Hùng. Lần đầu tiên, giỗ tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) trở thành quốc lễ được Đảng và Nhà nước quan tâm tổ chức chu đáo với sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, các lễ hội lớn như Lễ hội 300 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định (năm 1998), Lễ hội 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (năm 2000), Festival Huế lần thứ nhất (năm 2000) được tổ chức long trọng. Các lễ hội Chùa Hương (Hà Tây), hội Lim, Bà Chúa Kho (Bắc Ninh),.... Trung bình mỗi năm, có trên một vạn lễ hội truyền thống và cách mạng được tổ chức tại các địa phương trong cả nước.

Việc khôi phục và tổ chức trọng thể các lễ hội truyền thống là hành động thiết thực của đạo lý "uống nước nhớ nguồn", góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về các truyền thống tốt đẹp của cha ông. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, việc tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém thời gian, tiền bạc của nhân dân. Mặt khác, tại một số lễ hội do công tác quản lý nhà nước về lễ hội còn nhiều hạn chế, có sự buông lỏng, nên đã để cho tệ mê tín dị đoan và văn hóa phẩm xấu phát triển.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và Chương trình hành động của Chính phủ còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học - nghệ thuật, những vốn văn hóa cổ của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo trên, ngày 3-12-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 39-CT/TTg

Về đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ thị nhấn mạnh: “Làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đồng thời với công việc sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và giới thiệu, cần có kế hoạch bảo tồn các công trình, địa chỉ văn hóa có giá trị tiêu biểu ở các vùng dân tộc thiểu số (như các chùa, tháp, nhà rông, nhà dài, nhà sàn, các làng, bản có nghề thủ công truyền thống) và các di sản văn hóa có giá trị” [3, tr.156-157].

Trong những năm 1996-2001, việc giữ gìn các di sản văn hóa, khôi phục phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số được chú trọng. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại các di tích lịch sử, văn hóa vẫn xảy ra thường xuyên. Việc trùng tu các di tích lịch sử ở một số nơi thiếu cơ sở khoa học. Trong tổ chức lễ hội, nhiều nơi đã quá đà và có biểu hiện sai trái. Nổi cộm trong việc tổ chức lễ hội là tình trạng “thương mại hóa”, làm cho lễ hội mất hết vẻ tôn nghiêm, nhiều nơi biến thành “chợ” với đủ các

dịch vụ mua bán, kinh doanh, chiếu video, xổ số, tụ điểm karaoke. Hủ tục cũng có dịp trỗi dậy trong lễ hội như ý thức phường hội, phe phái, đình đám đồng thời nảy sinh nạn khao đãi, chè chén, chia ngôi xếp thứ… làm vẩn đục ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.

Đi đôi với việc giữ gìn và phát huy những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, Đảng chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các ngành tích cực đấu tranh chống văn hóa phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 64-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 814-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 87/CP của Chính phủ Về tăng cường quản lý, thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ các tệ nạn xã hội, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành các đợt tổng kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa. Trong năm 1999, các Sở Văn hóa - Thông tin đã tiến hành 2.300 cuộc kiểm tra, tịch thu 8,5 triệu băng hình, 27.000 đĩa hình, thu 25 giấy phép biểu diễn, 600 dịch vụ văn hóa; xử phạt hành chính 7,4 tỷ đồng [2, tr.12]. Trong năm 2000 và năm 2001, ngành văn hóa tiếp tục tiến hành hàng ngàn cuộc kiểm tra đột xuất, tiêu hủy hàng chục triệu băng đĩa hình và rút giấy phép kinh doanh hàng trăm cơ sở kinh doanh các dịch vụ văn hóa. Mặc dù vậy tình trạng vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, kinh doanh văn hóa phẩm xảy ra. Trên thị tường, băng đĩa phản động, đồi trụy, bạo lực vẫn lan tràn. Các cơ sở kinh doanh karaoke trá hình, cà phê “đèn mờ” vẫn ngang nhiên hoạt động gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Cùng với việc tăng cường gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm mở rộng quan hệ quốc tế về văn hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương

năm khóa VIII đều nhấn mạnh đến việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa với các nước trên thế giới nhằm giới thiệu những nét đặc thù văn hóa Việt Nam với nước ngoài, đồng thời tiếp thụ tinh hoa văn minh nhân loại. Trong xu thế giao lưu, Đảng và Nhà nước chủ trương "Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thụ có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác” [15, tr.56] để bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc, đồng thời ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực, những hành động kích động bạo lực, tình dục, kỳ thị chủng tộc, lối sống thực dụng, thương mại hóa mối quan hệ giữa người với người…

Thông qua giao lưu, hội nhập văn hóa, Việt Nam và các nước có điều kiện tìm hiểu sâu về đất nước, con người và nền văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị, sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Giao lưu văn hóa thực chất là một quá trình “nhận và cho”, nhưng trong thực tế, giao lưu văn hóa của nước ta chưa đạt được đầy đủ mục tiêu như vậy. Trong hội nhập, giao lưu văn hóa còn bộc lộ nhiều hạn chế, non kém. Giao lưu văn hóa với nước ngoài chưa tích cực và chủ động, còn nhiều sơ hở. Văn hóa phẩm độc hại, phản động, đồi trụy xâm nhập vào trong nước còn quá lớn. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan quản lý văn hóa phải tích cực đấu tranh, nhanh chóng lập lại kỷ cương trên lĩnh vực văn hóa nhằm đảm bảo nguyên tắc mở rộng giao lưu văn hóa gắn liền với giữ gìn chủ quyền và bản sắc dân tộc.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ năm 1986 đến năm 2001 (Trang 52)