Các nhân tố ảnh hưởng đến ĐCTĐ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ĐCTĐ của TN cư trú trên địa bàn quận Liên Chiểu (Trang 25)

6. Phương pháp nghiên cứu

1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến ĐCTĐ

Sự thật là con người có các ĐCTĐ với những mức độ khác nhau, hoặc có các mục tiêu khác nhau cho các nhiệm vụ mà họ đảm nhận. Điều này đặt ra một vấn đề là ĐCTĐ chịu ảnh hưởng của những yếu tố nào?

1.1.4.1. Nhóm các nhân tố chủ quan.

- NCTĐ: Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến ĐCTĐ là nhu cầu, cụ thể là NCTĐ. Động cơ của con người gắn liền với nhu cầu và được hình thành từ nhu cầu. Khi nhu cầu gặp đối tượng và có điều kiện thoả mãn thì trở thành động cơ của chủ thể. Hoạt động của con người nhằm chiếm lĩnh đối tượng để thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống. Động cơ chính là sự phản ánh, sự thể hiện nhu cầu của con người. Nhưng động cơ không phải là bản thân nhu cầu mà là nhu cầu đã được cụ thể hóa, hiện thân ra bằng động cơ thúc đẩy, định hướng chiều hướng hoạt động, lối sống của nhân cách thông qua hệ thống thái độ, hành vi, hoạt động. Cùng một nhu cầu có thể nảy sinh nhiều động cơ và cũng có khi cùng một động cơ có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau.

NCTĐ là sự mong muốn chiếm được một vị trí nhất định trong môi trường xã hội và nó được biểu hiện trong thực tiễn rất rõ ràng, ví dụ như sự kính trọng, sự trung thành, sự gắn bó yêu thương của những người xung quanh…Đó là đặc điểm của NCTĐ, bởi vì bản thân NCTĐ bao giờ cũng được liên kết với những người xung quanh.

Các nhà tâm lý học thuộc trường phái Saint – Peterbourg đã đi sâu phân tích những phẩm chất tâm lý của NCTĐ. Họ xuất phát từ quan điểm nhu cầu là cái cốt lõi trong nhân cách, nó là cơ sở để hình thành những động cơ khác nhau, tính cách và những phẩm chất khác nhau. Theo quan điểm đó, họ cho rằng NCTĐ là sự mong muốn của con người vượt qua những gì đã đạt được trong lĩnh vực hoạt động nhất định để vươn tới những thành quả lớn lao hơn nữa, không hài lòng với những gì hiện có. P.V.Ximônôv cho rằng trong NCTĐ có nhu cầu nhận thức các chuẩn mực xã hội mang tính xã hội lịch sử (chuẩn mực thỏa mãn). Ở những xã hội khác nhau với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giai cấp khác nhau thì chuẩn mực thành đạt cũng rất khác nhau bởi vì trong giới hạn những chuẩn mực, nhu cầu phát triển vượt qua những chuẩn mực, lực hấp dẫn đối với sự vượt trội của các chuẩn đang tồn tại ngày càng cao và NCTĐ cũng phát triển ngày càng cao.

Theo Trernưsevxki, NCTĐ nghĩa là chiếm được một vị trí xác định trong xã hội, chủ thể mong muốn được kính trọng và được mọi người trong cộng đồng thừa nhận. Đây là một loại nhu cầu rất mạnh ở con người. Có những người thật vĩ đại, có mục đích và lý lẽ, nhưng lại là người khiêm tốn.

Qua nhiều năm, các nhà khoa học về hành vi đã quan sát một số người có nhu cầu mạnh về việc phải đạt được thành tích. Nghiên cứu của McClelland đã chỉ ra rằng, nhu cầu về thành tích là một nhu cầu thuộc bản năng con người, nó có thể khác biệt với các nhu cầu khác.

Mặc dù việc có NCTĐ cao có nhiều ảnh hưởng tích cực đến ĐCTĐ , nhưng nó cũng có những mặt hạn chế. Cụ thể là, những người có NCTĐ cao thì thường xem mọi thứ đều là thách thức. Trên con đường hoàn thiện mình, họ thường thực hiện các công việc một cách mạo hiểm.

Tóm lại, NCTĐ có nguồn năng lượng vô cùng to lớn, thúc đẩy con người hoạt động tạo nên tính tích cực. Tuy nhiên, việc chuyển tải nguồn năng lượng này vào các hành động và hoạt động còn phụ thuộc vào từng đối tượng

thoả mãn cụ thể và việc trang bị các phương tiện, công cụ cần thiết trong hoạt động thoả mãn nhu cầu. Bất kỳ NCTĐ nào cũng cần phải có sự trang bị những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo tương ứng. Sự thành đạt như vậy mới được xã hội thừa nhận. [9] [27]

- Sự lo sợ, né tránh thất bại: Không chỉ có NCTĐ, mà sự lo sợ, né tránh

thất bại cũng là chỉ báo của ĐCTĐ. Một cá nhân có NCTĐ mạnh mẽ và sự lo sợ thất bại ở mức trung bình sẽ có ĐCTĐ mạnh. Người có NCTĐ thấp và hay lo sợ thất bại thì ĐCTĐ sẽ thấp. Yếu tố lo sợ thất bại không hoàn toàn mang giá trị tiêu cực, nó còn được xem như sự đánh giá về khả năng (xác suất) thành công trong công việc, để từ đó có các lựa chọn mục đích, phương án thực hiện công việc phù hợp. Những người hay lo sợ thất bại thường đặt ra các mục đích phấn đấu thấp cho bản thân. Đối với những người có ĐCTĐ cao, họ thường chọn những mục tiêu, nhiệm vụ thực tế, có mức độ khó vừa phải, hợp lý, đồng thời họ biết chuẩn bị những phương án tốt nhất để hoàn thành công việc.

- Quan niệm về sự thành đạt: Quan niệm của mỗi cá nhân về sự thành đạt cũng có ảnh hưởng nhất định đến ĐCTĐ. Quan niệm về sự thành đạt là những hiện tượng thuộc về lĩnh vực nhận thức, thế giới quan. Các quan niệm đó được hình thành dựa vào cách cá nhân nhìn nhận, tiếp thu các giá trị khoa học, các giá trị xã hội khác nhau trên cơ sở đánh giá các điều kiện kinh tế - xã hội trong hiện tại, quá khứ và tương lai; biến những giá trị đó thành giá trị của riêng mình, phù hợp với những điều kiện sống, những đặc điểm tâm sinh lý cụ thể của bản thân. Một khi các giá trị bên ngoài đạt được ý nghĩa nhân cách đối với mỗi cá nhân thì chúng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của họ. Nó không chỉ là cơ sở để con người ý thức về nhu cầu, xác lập nhu cầu cùng các phương thức làm thỏa mãn chúng mà nó còn chi phối mạnh mẽ đến các đặc điểm của xu hướng, động cơ, mục đích…và làm cho chúng bộc lộ rõ ra trong cuộc sống và hoạt động thực tiễn hàng ngày.

- Các đặc điểm nhân cách: Các đặc điểm nhân cách có ảnh hưởng rất lớn đến ĐCTĐ. Nhà tâm lý học Barry D. Smith nhận xét rằng ĐCTĐ “là sự cố gắng vượt qua thử thách, tự hoàn thiện bản thân, đạt tới sự xuất sắc hơn những người khác” (Barry D. Smith, 1998). Theo quan điểm của Barry D. Smith, muốn thành công, người ta cần biết vượt qua các khó khăn thử thách và điều này đòi hỏi phải có ý chí quyết tâm, cụ thể là tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và thận trọng. Như vậy, có trách nhiệm với việc mình làm; làm việc có kỷ luật, theo đúng kế hoạch, mục đích đã đặt ra, làm việc một cách thận trọng…là những yếu tố góp phần tạo nên thành công. Người ta có thể mạo hiểm để thành công, nhưng khi đó cần phải có một chút may mắn nữa. Ngoài ra, niềm tin vào sự công bằng xã hội cũng có ảnh hưởng đến ĐCTĐ. Người có ĐCTĐ mạnh mẽ là người tin rằng những việc làm, sự cố gắng của mình rồi đây sẽ được đền đáp xứng đáng, bằng cách này hay cách khác.

Như vậy, những nhân tố chủ quan của con người có ảnh hưởng không nhỏ đến ĐCTĐ, và từ đó ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động. Trên cơ sở các nghiên cứu về ĐCTĐ, chúng ta thấy rằng trong các nhân tố chủ quan thì niềm tin, hứng thú (sự say mê) và các biểu hiện của ý chí như tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và thận trọng…có ảnh hưởng đáng kể đối với ĐCTĐ.

1.1.4.2. Nhóm các nhân tố khách quan

- Các giá trị khuyến khích: Các giá trị khuyến khích cũng là một động lực thúc đẩy ĐCTĐ. Đó là những phần thưởng, là sự đánh giá của xã hội, của những người xung quanh đối với những việc làm của mình,...Những đánh giá, những phản hồi tích cực của những người xung quanh, của xã hội…sẽ củng cố niềm tin vào sự công bằng xã hội. Phần thưởng cũng là một giá trị khuyến khích quan trọng, tuy nhiên, không phải bao giờ phần thưởng cũng có thể kích thích, thúc đẩy người có ĐCTĐ cao làm việc tốt. Trong nhiều trường hợp, những người này làm tốt hơn khi họ có được sự thỏa mãn về công việc, họ tự

tin thích thử nghiệm và thể hiện tri thức của mình.

- Đặc điểm của gia đình: Đặc điểm của gia đình và lối sống có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐCTĐ. Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đên sự hình thành và phát triển ĐCTĐ, Marion Winterbottom đã xem xét mối liên hệ giữa ĐCTĐ của trẻ với sự diễn giải của bố mẹ chúng về thực tiễn giáo dục trẻ. Bà phát hiện ra rằng các cá nhân có ĐCTĐ cao đã được gia đình khen ngợi để hành động độc lập. Họ được phép tự ra quyết định và được thưởng cho các hành động độc lập đó. Mẹ của những đứa trẻ có ĐCTĐ cao đã đòi hỏi ở con họ sự tự lập và thành thạo trong công việc của mình từ rất sớm so với mẹ của những đứa trẻ có ĐCTĐ thấp. Người ta cho rằng trong việc nuôi dạy trẻ, nếu bố mẹ khuyến khích con cái vươn tới thành đạt và không sử dụng hình phạt khi chúng thất bại thì họ sẽ khuyến khích sự phát triển ĐCTĐ ở con cái. Ngược lại nếu bố mẹ sử dụng hình phạt khi con cái thất bại thì sẽ làm cho động cơ né tránh thất bại phát triển. Các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng, cơ hội để hoạt động độc lập và phần thưởng cho hành vi độc lập đều cần thiết để phát triển ĐCTĐ. Nếu trẻ bị ép hành động độc lập nhưng không được thưởng cho các hành vi đó thì không phát triển các động cơ đạt thành tích cao; vì chúng có thể hành động theo cách của riêng chúng, nhưng không phấn đấu để đạt kết quả xuất sắc.

- Yếu tố giáo dục: McClelland cho rằng ĐCTĐ là một loại động cơ có

các thành phần xã hội. Con người có thể học được ĐCTĐ từ gia đình và nền văn hóa. Ông đã chứng minh có thể dạy để con người có ĐCTĐ cao. Trong một dự án, McClelland và các cộng sự đã huấn luyện cho các nhà kinh doanh ở Hyderabod India biết nói, nghĩ và làm như những người có ĐCTĐ cao. Sau hai năm huấn luyện, ông đã so sánh những người được huấn luyện với nhóm đối chứng không được huấn luyện và thấy rằng nhóm được huấn luyện bắt đầu các công việc kinh doanh mới nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn vào kinh doanh và thuê mướn nhân công gấp hai lần.

- Yếu tố văn hóa và lối sống : ĐCTĐ cũng chịu sự chi phối của yếu tố văn hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng không chỉ trong các nền văn hoá khác nhau thì định hướng ĐCTĐ của con người cũng khác nhau, mà ngay trong một nền văn hoá cũng thấy có những khác biệt rõ liên quan đến văn hoá trong định hướng ĐCTĐ của con người. Người ta thấy rằng sự khác nhau trong giáo dục giới tính đã tác động đến định hướng ĐCTĐ của nam và nữ. Trong một số nền văn hoá, khuôn mẫu về vai trò giới làm giảm sút, ngăn cản ĐCTĐ của nữ giới. Kết quả là một số phụ nữ đã che dấu sự thành công hoặc hành động theo cách phá bỏ những cơ hội thành đạt của mình - một mẫu điển hình của sự lo sợ thành công. Sự thành đạt của phụ nữ cũng bị hạn chế bởi sự né tránh ganh đua với nam giới về quyền lực. Ngoài ra, cha mẹ và thầy cô có thể truyền đạt cho trẻ những khuôn mẫu về vai trò giới liên quan đến thành đạt, kể cả ý tưởng về “phạm vi thành đạt thích hợp”. Người ta thấy rằng phụ nữ thường không thành đạt bằng nam giới trong lĩnh vực nhấn mạnh đến sự thành đạt cá nhân không phải do họ sợ sự thành đạt hay do họ không có ĐCTĐ, mà bởi vì họ xác định cho bản thân mức thành đạt thấp hơn nam giới. Trong cuộc sống, dưới ảnh hưởng của giáo dục, của dư luận xã hội, giữa nam giới và nữ giới thường có những khác biệt về định hướng giá trị. Phụ nữ thường quan tâm nhiều hơn đến vấn đề gia đình, đến quan hệ người - người …còn nam giới lại rất quan tâm đến vấn đề tự khẳng định bản thân, đến quyền lực…Nói cách khác, phụ nữ thường hướng đến thành đạt hoà nhập, còn nam giới hướng đến thành đạt riêng lẻ.

Một số nhà nghiên cứu đã đề cập một cách gián tiếp đến các khía cạnh khác nhau của lối sống đến ĐCTĐ. Chẳng hạn các đặc điểm lối sống của người Việt Nam truyền thống mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nêu ra như lối sống hài hòa với thiên nhiên, tính cộng đồng trội hơn tính cá nhân, trong nhận thức có lối tư duy khái quát, tổng hợp cao…đều là những đặc điểm có tác động ảnh hưởng và góp phần quy định sắc thái ĐCTĐ của con người Việt

Nam hiện nay.

- Môi trường làm việc: Môi trường làm việc cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến ĐCTĐ. Một số nghiên cứu (Koester, McClelland và những người khác) cho thấy rằng hiệu lực ĐCTĐ của những người có loại động cơ này cao chỉ bộc lộ rõ ở hành vi của họ khi các yếu tố hoàn cảnh kích thích, nghĩa là thúc đẩy sự hoạt hoá động cơ đó. Người ta thấy rằng chỉ những công ty có định hướng đặc biệt đến sự thành đạt thì những người có ĐCTĐ cao mới làm việc có hiệu quả hơn những người có ĐCTĐ thấp. Con người làm việc với ĐCTĐ thấp chủ yếu là do họ cảm thấy môi trường làm việc không được kiểm soát hoặc kiểm soát lỏng lẻo. Khi so sánh với những nơi có công việc được tổ chức chặt chẽ, người ta thấy rằng công nhân có xu hướng hài lòng và làm việc có hiệu quả hơn khi:

- Họ được khuyến khích tham gia vào việc quyết định xem công việc cần được làm như thế nào cho tốt.

- Được tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. - Trong công việc có khả năng nâng cao kỹ năng nào đó.

- Được trao trách nhiệm mà họ cho là quan trọng, có ý nghĩa cho tổ chức.

- Được nhóm thừa nhận khi thực hiện tốt công việc.

Để cho người lao động tự xác định mục tiêu và đạt được mục tiêu đã xác định của mình cũng là một cách làm tăng hiệu quả công việc và tăng trạng thái hài lòng ở họ.

Trong môi trường làm việc, các mối quan hệ xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến ĐCTĐ. Đó là những mối quan hệ với đồng nghiệp, lãnh đạo…, những mối quan hệ này có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến tính tích cực trong công việc của mỗi người. [1] [6] [7] [17]

Như vậy, các yếu tố khách quan có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển ĐCTĐ của con người.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ĐCTĐ của TN cư trú trên địa bàn quận Liên Chiểu (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w