III. CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI Ở SINGAPORE
1 Còn gọi là Ủy ban dân cư trong khu vực nhà ở tư nhân (không phải chung cư).
Câu lạc bộ thiếu niên (TNC) – tổ chức của thiếu niên với hoạt động như: giáo dục, giải trí, thể thao và các hoạt động dịch vụ cộng đồng nhằm mục đích làm phong phú thêm cuộc sống của thanh thiếu niên ở Singapore và truyền cảm hứng cho họ để đóng góp cho cộng đồng.
Câu lạc bộ thể thao cộng đồng (CSCs) – vai trò quan trọng của tổ chức này là thúc đẩy sự liên kết cộng đồng thông qua các hoạt động thể thao.
Ủy ban cứu trợ khẩn cấp (C2E) – giúp tăng cường khả năng đối phó và phục hồi của cộng đồng trước những tình trạng khẩn cấp (như bão lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh…) thông qua các Đội cứu trợ khẩn cấp (The Community Emergency Response Team – CERT) nhằm giảm thiệu những thiệt hại.
Hội Phụ nữ (WECs) – đóng một vai trò quan trọng trong việc tập hợp phụ nữ từ các tầng lớp xã hội để thúc đẩy sự liên kết cộng đồng, bồi dưỡng phẩm chất lãnh đạo và giúp đỡ những phụ nữ kém may mắn.
Hội Người cao tuổi (SCECs) là tổ chức của những người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên) với những hoạt động nhằm phát huy nguồn lực, kinh nghiệm của người cao tuổi và thực hiện việc an sinh xã hội (thông qua việc chăm sóc y tế tốt, tổ chức các hoạt động giải trí và thường xuyên gặp gỡ động viên họ) để người cao tuổi có thể sống lành mạnh, có ý nghĩa trong cộng đồng. Đối với những người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động chính trị sẽ được trọng dụng với vai trò cố vấn. Khuyến khích những người lao động cao tuổi có kinh nghiệm tiếp tục làm việc để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và thực hiện việc đào tạo lại những công nhân lớn tuổi nhưng còn hạn chế về tay nghề.
Ủy ban điều hành hoạt động Ấn Độ (IAECs) – tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội, giải trí và thể thao để thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa cộng đồng Ấn Độ với các cộng đồng dân tộc khác.
Ủy ban điều hành hoạt động Mã Lai (MAECs) – tổ chức hoạt động nhằm mục đích để tăng cường sự hiểu biết về văn hóa Mã Lai trong số các cộng đồng khác.
b. Tóm lại
Để có được một nền kinh tế phát triển năng động, chính trị ổn định, xã hội hài hòa. Các nhà chính trị học Singapore cho rằng cần có một hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện, đồng bộ với các nhân tố sau: một đảng cầm quyền mạnh có kỷ luật nghiêm minh, có quyết sách chính trị khoa học và lãnh đạo nhà nước có hiệu quả; một chính phủ minh bạch, quản trị tốt và luôn lắng nghe ý kiến của người dân; các tổ chức chính trị - xã hội phát huy được sức mạnh của cộng đồng.
Hiệp hội nhân dân Singapore đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện sự đồng thuận xã hội “là cầu nối giữa đảng cầm quyền và nhân dân trong việc hậu thuẫn cho chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức của người dân… xây dựng môi trường chính trị ổn định.1 Những nổ lực của PA là tạo ra không gian hoạt động chung cho mọi người dân tham gia giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau và cùng tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục, giải trí, thể thao và từ thiện…nhằm củng cố tinh thần cộng đồng. Lúc đầu, chỉ với 28 trung tâm cộng đồng. Ngày nay, PA đã có hơn 1 800 tổ chức cơ sở với hơn 25 000 tình nguyện viên là các nhà lãnh đạo cấp cơ sở. Các tình nguyện viên thường đến thăm người dân để động viên hội viên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức về các vấn đề cộng đồng; tuyên truyền, giải thích chính sách của chính phủ và thu nhập thông tin phản hồi của nhân dân, cũng như tư vấn, giúp đỡ hội viên về những vấn đề cần giải đáp.
Đặc biệt, với một xã hội phức tạp với nhiều sắc tộc, tôn giáo và nhiều ngôn ngữ, thì “ý thức hệ sống còn” (ideology of survival) là mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo chính trị và người dân Singapore. Khi nhắc đến ý thức hệ này, ông Lý Quang Diệu cho rằng: để một đất nước như Singapore có thể tồn tại , xã hội Singapore cần được tổ chức lại chặt chẽ hơn và người dân cần có kỷ luật hơn: “Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phát triển kinh tế trên bình diện quốc gia và nâng cao mức sống của mỗi người. Để làm được điều đó, các tổ chức, đoàn thể tìm kiếm các lợi nhuận cho riêng các thành viên của đoàn thể mình phải hy sinh các quyền lợi riêng tư nhằm đóng góp vì quyền lợi chung của quốc gia.”