Theo quy định tại Khoản 1 - Điều 4 - Luật tổ chức tín dụng năm 2010 nêu ra khái niệm tổ chức tín dụng là: "Doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân".
Như vậy, tổ chức tín dụng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Các tổ chức tín dụng, trong đó nòng cốt là các ngân hàng, thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan, bao gồm các hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Các quan hệ tín dụng được dựa trên uy tín của các bên. Một khi uy tín của tổ chức tín dụng mất đi do mất khả năng thanh toán, chi trả các khoản nợ cho người giữ tiền thì uy tín cũng như vị thế của tổ chức tín dụng trên thị trường bị giảm sút và hệ quả là
khách hàng ào ạt đến rút tiền, làm trầm trọng mất khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng. Không chỉ có vậy, do tính đặc thù của hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên nếu một tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng khác gây nên tình trạng mất khả năng thanh toán hàng loạt (ảnh hưởng tới toàn hệ thống). Mặt khác trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng có những hoạt động đầu tư khác như mua cổ phần tại các công ty, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh các ngành nghề khác... Do đó khi chủ nợ có yêu cầu tổ chức tín dụng thanh toán các khoản nợ đến hạn phát sinh từ quan hệ kinh tế này mà tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán thì tổ chức tín dụng có được coi là lâm vào tình trạng phá sản hay không. Chính vì vậy, việc xác định thời điểm tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản, nguyên nhân của tình trạng trên có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó nếu xác định thời điểm tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn sớm như quy định tại Luật phá sản năm 2004, cần hướng dẫn cụ thể khái niệm nợ, các khoản nợ đến hạn, giới hạn các khoản nợ cũng như trình tự xử lý các khoản nợ để khôi phục lại khả năng chi trả của tổ chức tín dụng cũng như các giải pháp mà tổ chức tín dụng đó áp dụng để xác định dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản. Đồng thời cần làm rõ các khái niệm nợ có liên quan mang tính vốn có của tổ chức tín dụng như nợ khó đòi, nợ quá hạn, nợ khoanh chờ xử lý... để cùng làm sảng tỏ bản chất của việc lâm vào tình trạng phá sản của tổ chức tín dụng có đúng với tình trạng tài chính thực của chúng hay không. Trên cơ sở đó, các chủ nợ, Ngân hàng nhà nước, Tòa án mới có được cơ sở để áp dụng thủ tục phù hợp (phục hồi hay phá sản tổ chức tín dụng).