Theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993, trong quá trình doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thực hiện giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, các chủ nợ có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận tại hội nghị chủ nợ và theo dõi doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận đó. Để các chủ nợ thực hiện tốt quyền giám sát của mình, đòi hỏi phải có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các chủ nợ với nhau. Bởi lẽ trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vừa phải tiến hành
thực hiện các giải pháp phục hồi, vừa phải thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ theo kế hoạch, thời gian được ghi nhận trong phương án phục hồi. Vì vậy, sự liên hệ, phối hợp giữa các chủ nợ sẽ giúp các chủ nợ kiểm tra doanh nghiệp có thực hiện đúng thời gian và thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho các chủ nợ hay không điều này được thể hiện ở những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất: Nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ của doanh nghiệp mắc nợ: Có thể thấy chủ doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là chủ thể duy nhất có nghĩa vụ xây dựng các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ nếu muốn được áp dụng thủ tục phục hồi. Bởi lẽ vào thời điểm này chỉ có doanh nghiệp mắc nợ mới là người hiểu rõ tình trạng tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Do vậy, chủ doanh nghiệp sẽ đưa ra được các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp và hiệu quả nhất. Điều đó không những giúp doanh nghiệp có thể thực hiện được những cam kết thanh toán nợ cho các chủ nợ mà còn là quyền lợi của chính bản thân lâm vào tình trạng phá sản.
Thứ hai: Nghĩa vụ thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua và được Tòa án công nhận: Doanh nghiệp mắc nợ là chủ thể có nghĩa vụ thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được thông qua hội nghị chủ nợ nhưng phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Tòa án và chủ nợ trong quá trình thực hiện. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được Thẩm phán công nhận sẽ có hiệu lực đối với doanh nghiệp mắc nợ cũng như tất cả các bên liên quan. Doanh nghiệp mắc nợ có trách nhiệm thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo đúng thời hạn, nội dung. Theo quy định tại Khoản 2 - Điều 73 - Luật phá sản năm 2004 thì định kỳ 6 tháng một lần doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo với Tòa án về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là 3 năm, kể từ ngày cuối cùng đăng
báo về quyết định của Tòa án công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, các chủ nợ và doanh nghiệp có quyền thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.