Sau khi được thẩm phán ra quyết định công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về việc thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có hiệu lực đối với doanh nghiệp mắc nợ và tất cả các bên có liên quan. Nhưng chủ thể quan trọng nhất có liên quan đến việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh chính là doanh nghiệp mắc nợ. Doanh nghiệp có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo đúng nội dung đã được ghi nhận trong phương án đó. Và theo quy định: "Sáu tháng một lần, doanh nghiệp phải gửi cho Tòa án báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp" [37, Khoản 2 Điều 73].
Thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 và Nghị định 189/CP ngày 23/12/1994 của Chính phủ là một năm. Còn theo quy định tại luật phá sản doanh nghiệp năm 2004:
Thời hạn tối đa để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là 3 năm, kể từ ngày đăng báo về quyết định của Tòa án công nhận Nghị
quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp [30, Điều 74 ].
Như vậy, theo quy định tại điều luật này thì doanh nghiệp được phép thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh tối đa 3 năm, trong thời hạn này doanh nghiệp xét thấy việc kinh doanh chưa có hiệu quả có thể thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và phải được Hội nghị chủ nợ thông qua khi có quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm trở nên đồng ý và phải được Tòa án công nhận thì mới có giá trị thực thi. Và khi thời hạn phục hồi đã kết thúc mà Tòa án xác nhận doanh nghiệp mắc nợ đã thanh toán nợ cho chủ nợ thì kế hoạch thanh toán đã thành công và coi như doanh nghiệp mắc nợ đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.