Thuật ngữ “Hội nhập” xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong bối cành khi toàn cầu hóa được xúc tiến mạnh mẽ, các nước thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tích cực và nỗ lực để gia nhập vào các định chế, các tổ
chức kinh tế khu vực và thế giới. Thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi từ cuối thập niên 60 ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, có thể nói quá trình hội nhập chính trị của nước ta thực tế đã bắt đầu từ khi Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc từ năm 1976. Thời điểm Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế có thể được tính khi nước ta gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (năm 1978), mặc dù các chuẩn mực và nguyên tắc hợp tác có nhiều khác biệt so với các cơ chế hợp tác quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, quá trình phát triển tư duy của Đảng ta về hội nhập quốc tế thực chất chỉ bắt đầu cùng với sự nghiệp đổi mới được Đại hội VI (năm 1986) khởi xướng.
Thuật ngữ hội nhập bắt đầu được đề cập lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (năm 1996): “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hƣớng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nƣớc sản xuất có hiệu quả” [15, tr. 342]. Trước khi khái niệm “hội nhập” được sử dụng chính thức, ở nước ta đã có một số thử nghiệm về ngôn ngữ liên quan tới khái niệm này. Lúc đầu là khái niệm “nhất thể hóa” được sử dụng, sau đó là khái niệm “hòa nhập”. Hai khái niệm này tuy thể hiện khá chính xác nội hàm, nhưng gây lo ngại về mất bản sắc và độc lập, do đó thuật ngữ “hội nhập” được sử dụng và trở thành khái niệm chính thức trong văn kiện của Đảng.
Đại hội X (năm 2006) tái khẳng định chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và nêu định hướng “đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” [15, tr. 651]. Với định hướng này, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội được đẩy mạnh, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của ASEAN và do ASEAN làm chủ đạo. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã có thêm một bước phát triển tư duy quan trọng với việc chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” [17, tr. 236], tức là mở rộng phạm vi, lĩnh vực và tính chất của hội nhập.
Hội nhập quốc tế có thể diễn ra trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục xã hội...) nhưng cũng có thể đồng thời diễn ra trên nhiều lĩnh vực với tính chất, phạm vi và hình thức rất khác nhau.
Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế(hội nhập KTQT) là quá trình gắn kết các nền kinh tế của từng nước với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực tự do hóa và mở cửa nền kinh tế theo những hình thức khác nhau, từ đơn phương đến song phương, tiểu khu vực/ vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Theo một số nhà kinh tế, tiến trình Hội nhập quốc tế được chia thành năm mô hình cơ bản từ thấp đến cao như sau:
(i) Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA) (ii) Khu vực mậu dịch tự do (FTA) (iii) Liên minh thuế quan (CU) (iv) Thị trường chung.
(v) Liên minh kinh tế - tiền tệ.
Một nước có thể đồng thời tham gia vào nhiều tiến trình hội nhập với tính chất, phạm vi và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản phải trải qua các bước từ thấp đến cao, việc đốt cháy giai đoạn chỉ có thể diễn ra trong những điều kiện đặc thù nhất định mà thôi (Chẳng hạn, Cộng đồng Kinh tế chung châu Âu đã đồng thời thực hiện xây dựng khu vực mậu dịch tự do và liên minh thuế quan trong những thập niên 60 – 70). Hội nhập kinh tế quốc tế là nền tảng hết sức quan trọng cho sự tồn tại bền vững của hội nhập trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là hội nhập về chính trị và nhìn chung, được các nước ưu tiên thúc đẩy giống như một đòn bẩy cho hợp tác và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.