Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đã nhiều lần đề cập và đưa ra những chỉ dẫn cơ bản về khái niệm giai cấp công nhân và những đặc trưng chủ yếu của nó. Mác-Ăngghen đã dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về giai cấp công nhân, như: giai cấp vô sản, giai cấp của những người hoàn toàn không có tài sản, giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ sống dựa vào bán sức lao động của mình, giai cấp lao động làm thuê trong thế kỷ XIX, lao động làm thuê, giai cấp vô sản hiện đại, giai cấp công nhân hiện đại, giai cấp công nhân đại công nghiệp,... như những cụm từ đồng nghĩa để biểu thị một khái niệm: giai cấp công nhân trong thế kỷ XIX – con đẻ của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến và đại biểu cho phương thức sản xuất tiến tiến. Mác- Ăngghen còn dùng những thuật ngữ có nội dung hẹp hơn để chỉ các loại công nhân trong các ngành khác nhau, trong những giai đoạn phát triển khác nhau của công nghiệp, như: công nhân nông nghiệp, công nhân công xưởng, công nhân thủ công, công nhân công trường thủ công, công nhân hiện đại,...
Những đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân được Mác-Ăngghen và Lênin đề cập và nhấn mạnh là: thứ nhất, đó là những người lao động công nghiệp, trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất công nghiệp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội; thứ hai, dưới chế độ tư bản, công nhân là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, bán sức lao động cho nhà tư bản để sống, bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư, có lợi ích căn bản đối lập với lợi ích của giai cấp tư sản. Những đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân mà các
nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu ra là phù hợp và đúng với điều kiện lịch sử đương thời. Những đặc trưng cơ bản đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó là cơ sở phương pháp luận khoa học để nghiên cứu khái niệm giai cấp công nhân hiện đại.
Đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau về khái niệm giai cấp công nhân. Song căn cứ vào ý kiến của các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học và từ thực tiễn hiện nay, chúng ta có thể rút ra kết luận: đặc trưng chủ yếu của giai cấp công nhân là lao động công nghiệp, trực tiếp sản xuất, hoặc tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp tạo ra giá trị vật chất cho xã hội. Trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại, đội ngũ những người lao động có trình độ học vấn, tay nghề cao ngày càng tăng. Họ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp. Lao động của họ chủ yếu là lao động trí tuệ trong những dây truyền công nghệ hiện đại. Như vậy, do sự phát triển của lực lượng sản xuất, một bộ phận trí thức đã gia nhập giai cấp công nhân. Đó là những nhà nghiên cứu, sáng chế, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, các kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trực tiếp lao động hoặc tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp, sản xuất và tái sản xuất ra của cải vật chất, thực hiện chức năng của người công nhân lành nghề trong sản xuất. Và thêm nữa, cả những người lao động trong các ngành dịch vụ công nghiệp mà lao động của họ có tính chất lao động công nghiệp.
Như vậy, một bộ phận trí thức - gắn liền trực tiếp với lao động công nghiệp với quy trình sản xuất công nghiệp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội - nằm trong nội hàm khái niệm giai cấp công nhân. Đó là những công nhân - trí thức hóa, còn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khác của tầng lớp trí thức, như: trí thức trong các ngành khoa học xã hội - nhân văn, y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ (không quan hệ trực tiếp đến sản xuất công nghiệp), trí thức nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa, tinh thần, lý luận,... không có hoạt động lao động sản
xuất trực tiếp hoặc tham gia vào quy trình sản xuất công nghiệp, thì không thể gọi là công nhân.
Quán triệt tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học về vấn đề giai cấp, và từ thực tiễn cách mạng và đời sống kinh tế - xã hội, tác giả luận văn đồng ý với định nghĩa dưới đây về giai cấp công nhân:
“Giai cấp công nhân hiện đại là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với cách mạng công nghiệp, với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại có tính chất xã hội hóa ngày càng cao; là lực lượng sản xuất cơ bản, tiên tiến trong các quy trình công nghệ, dịch vụ công nghiệp, trực tiếp hoặc tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các quan hệ xã hội, động lực chính của tiến trình lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”[1, tr.16].