Để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững cần tiếp tục hoàn thiện hơn các chính sách giảm nghèo. Nâng các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo lên mức độ cao hơn (chính xác về đối tượng tác động, thời gian, phạm vi thực hiện…). Xây dựng hệ thống thông tin giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo từ Trung ương đến điạ phương.
Tập trung cao độ các biện pháp xóa đói giảm nghèo tại các vùng và các tỉnh, huyện có số hộ nghèo lớn nhất cả nước nhằm trợ giúp các địa phương nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt thông qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục tăng nguồn vốn tín dụng xóa đói giảm nghèo, đổi mới phương thức cho vay đồng thời tạo cơ hội làm ăn và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để có thể tiếp cận việc làm và thích nghi với sự thay đổi của cơ chế, công nghệ…
Thực hiện bỏ dần bao cấp bất hợp lý trong xóa đói giảm nghèo, sử dụng những phương pháp, phương thức hỗ trợ phù hợp với kinh tế thị trường như thực hiện những chương trình trọn gói, khoán kết quả… Sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách xã hội như các chính sách khám, chữa bệnh; chính sách hỗ trợ giáo dục; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách cho vay vốn tín dụng…
Có thể đưa ra những giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất: Tín dụng cho người nghèo
Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn và nâng mức vay tín dụng gắn với hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Cách làm này nhằm tránh tình trạng người nghèo không sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất mà sử dụng vào mục đích tiêu dùng như mua xe, mua ti vi, sửa
nhà… hoặc sản xuất nhưng thiếu kiến thức sẽ thua lỗ, làm triệt tiêu động lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ.
Đảm bảo huy động đủ nguồn vốn cho số hộ nghèo và số hộ có nguy cơ tái nghèo vay, tạo mọi điều kiện để người nghèo dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, vay vốn và sử dụng vốn hiệu quả.. Điều này nghĩa là cần phải kết hợp cả hệ thống tín dụng chính thức với các thể chế phi chính thức nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính dân cư cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Không chỉ cho hộ trong diện nghèo vay vốn mà phải quan tâm đến cả nguồn vốn vay đối với những hộ đã thoát nghèo nhưng nằm sát ngay trên chuẩn nghèo để họ không tái nghèo và có cơ hội vươn lên làm giàu… đây chính là cách làm nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững.
Thứ hai: Chính sách y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình
Trước hết, cần đảm bảo cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình.. Để thực hiện được cần nâng mức đầu tư, tăng cường cán bộ y tế và những loại thuốc thông dụng cho các địa phương, đặc biệt là các thôn bản ở những vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ đối với hộ cận nghèo và phải thu hút cán bộ y tế đến các địa bàn nghèo bằng hiều hình thức ưu đãi khác nhau.
Đa dạng hóa các hình thức khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế khám chữa bệnh nhân đạo từ thiện cho người nghèo, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Kết hợp thực hiện chính sách y tế cho người nghèo với các chương trình khác như chương trình bảo vệ sức khỏe bà mẹ, giảm tỷ suất tử vong ở trẻ em, chống suy dinh dưỡng…
Thực hiện miễn phí các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đối với người nghèo. Đồng thời vận động hiệu quả nhằm làm chuyển biến nhận thức đối với
người nghèo, vùng nghèo đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Có những biện pháp khuyến khích về vật chất cũng như động viên về tinh thần đối với những gia đình thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Thứ ba: Giáo dục và dạy nghề cho người nghèo
Đầu tư cho giáo dục và đào tạo được hiểu là việc cung cấp cho người nghèo kiến thức, kỹ năng để tự “bảo vệ” mình. Vì vậy, đây là một trong những giải pháp giảm nghèo lâu dài, hiệu quả và bền vững nhất.
Trước hết, cần thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học trong độ tuổi, phấn đấu phổ cập trung học cơ sở. Thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học nhất là bậc mầm non và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên nghèo.
Tăng cường đầu tư cho hệ thống giáo dục cơ sở để đảm bảo hầu hết các xã nghèo có đủ phòng học bậc tiểu học và trung học cơ sở. Cần bố trí mạng lưới trường lớp phù hợp với địa hình để học sinh không gặp khó khăn, phải bỏ học vì trường quá xa nhà, nhất là đối với miền núi, hải đảo… Đối với những địa bàn không thuận lợi, có thể phát triển mô hình nội trú dân nuôi nhằm khuyến khích con em dân tộc thiểu số một số vùng đi học để tạo nguồn lâu dài.
Mở rộng và nâng cao chất lượng các trung tâm trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật ở các địa phương, đặc biệt là dạy nghề cho người nghèo để họ tự tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật…) hoặc những nghề phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa thủ công, công nghiệp… để họ có thể trở thành công nhân của những doanh nghiệp trong nước hoặc tham gia lao động xuất khẩu.
Cuối cùng, cần chú ý đến việc thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn, hình thành một đội ngũ giáo
viên, cán bộ giáo dục đạt chuẩn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở những vùng khó khăn, vùng nghèo, tỉnh nghèo, tạo ra sự công bằng về cơ hội cho con em hộ nghèo.
Thứ tư: Hỗ trợ về nhà ở và đất sản xuất cho người nghèo.
Theo quan niệm của người Việt Nam “an cư lạc nghiệp” thì nhà ở là một vấn đề rất quan trọng với bất kỳ ai. Ở khu vực nông thôn, miền núi… để người nghèo có một chỗ ở ổn định, vững chắc, an toàn… cần có những biện pháp để hỗ trợ như cấp đất cho người nghèo xây dựng nhà ở, mở rộng phong trào xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo bằng việc đóng góp ngày công của cộng đồng, dòng họ, các tổ chức chính trị, xã hội. Ở khu vực thành thị, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp nhằm tiến đến xóa bỏ hoàn toàn những khu nhà “ổ chuột”, nhà ở khu vực bị ô nhiễm…
Hiện nay, ở một số địa phương quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và sự phát triển của một số ngành công nghiệp. Vì vậy, có thể tạo điều kiện cho người nghèo sản xuất nông nghiệp có nhu cầu về đất bằng cách khai hoang mở rộng diện tích, vận động người nghèo mượn đất của các hộ khác, thực hiện biện pháp di dân vào các vùng kinh tế mới đã quy hoạch. Ở những nơi gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ đất cho người nghèo sản xuất, cần lưu ý hỗ trợ họ về vốn, phương tiện sản xuất, dạy nghề để họ chuyển đổi sang ngành nghề phi nông nghiệp.
Thứ năm: Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý Trợ giúp về pháp lý là việc giúp người nghèo có những hiểu biết phổ thông về pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày. Giải đáp cho người nghèo những chính sách của Nhà nước nhất là những chính sách có liên quan đến quyến lợi và trách nhiệm của họ như chính sách về vay vốn ưu đãi, chính sách về giao đất, y tế, giáo dục… các chương trình, dự án giảm nghèo. Bên cạnh đó cũng hướng dẫn họ thủ tục pháp lý về quan hệ dân sự để khi gặp
những mâu thuẫn phát sinh họ không “làm bừa” dẫn đến tốn kém về thời gian, tiền bạc cũng như vi phạm pháp luật.
Cần có chương trình bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho cán bộ các xã nghèo, đào tạo nghiệp vụ tư vấn pháp lý cho cán bộ pháp lý và cộng tác viên nhằm khắc phục tình trạng cán bộ địa phương không nắm vững luật dẫn đến thi hành sai.
Thứ sáu: Dịch vụ văn hóa, thông tin cho người nghèo
Đây là một vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của người nghèo, đặc biệt người nghèo ở những vùng khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ văn hóa, thông tin.
Cần tiếp tục chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình cho đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo, hộ nghèo một số sách, báo, văn hóa phẩm thiết yếu, phương tiện nghe, nhìn, các tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng nhằm phổ biến kiến thức mới và nâng cao dân trí cho người nghèo.Trên cơ sở đó phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, các tấm gương thoát nghèo.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở xã nghèo, có những biện pháp khuyến khích cán bộ địa phương nói chung và cán bộ văn hóa xã nói riêng. Tích cực thực hiện các hoạt động văn hóa vừa nâng cao đời sống tinh thần cho người nghèo đồng thời kết hợp để tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả.