Qua phân tích tình hình thực hiện công tác giảm nghèo, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, từ những dự báo xu hướng giảm nghèo… trong thời gian tới định hướng giảm nghèo cần tập trung ở những nội dung sau:
- Tiếp tục tạo các cơ hội, điều kiện thuận lợi để người nghèo tự lực vượt nghèo, đặc biệt tập trung cho các địa phương nghèo như tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn gắn với hướng dẫn cách làm ăn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; trợ giúp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; đất đai; tín dụng; khuyến nông; dạy nghề tạo việc làm đối với lao động nghèo; áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo; nhân rộng các mô hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả và quỹ phát triển cộng đồng v.v…
- Tiếp tục cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội thông qua các chính sách trợ giúp về giáo dục; y tế; kế hoạch hóa gia đình; nhà ở; nước sạch; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh… một cách trực tiếp và có chất lượng cho người nghèo nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ nghèo.
- Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giảm nghèo: Nhà nước, xã hội và người dân cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo; việc gì dân làm được thì tạo điều kiện để dân tự làm, việc gì dân không tự làm được thì Nhà nước hỗ trợ, bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Huy động tối đa sự tham gia có hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội, các tập đoàn kinh tế như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy Ban Dân tộc, các Doanh nghiệp… Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực nhằm bảo đảm đủ nguồn lực cho giảm nghèo.
- Ưu tiên nguồn lực cho những vùng có tỷ lệ nghèo cao (Tây Bắc, Tây Nguyên và vùng đồng bào dân tộc thiểu số), thông qua các chính sách giảm nghèo chung và một số chính sách giảm nghèo đặc thù như Chương trình 135
giai đoạn 3, Nghị quyết 30a của Chính phủ… trên cơ sở tiêu chí phân bổ nguồn lực khách quan, công bằng, phù hợp với đối tượng hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo… nhằm đạt hiệu quả cao.
- Tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ sở, trên cơ sở nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai, bình đẳng trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình. Xây dựng cơ chế trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các cấp, các ngành trong việc tham gia thực hiện chương trình. Cải thiện sự tham gia của người dân đặc biệt là phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật và các tổ chức đoàn thể, xã hội trong mọi hoạt động của chương trình.
Từ năm 2011 trở đi, sau khi hoàn thành Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, thực hiện khảo sát, điều tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình hộ nghèo và nghiên cứu, xây dựng chuẩn nghèo..., Chính phủ đã và đang tiếp tục xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2011- 2015 theo hướng tiếp cận hội nhập; áp dụng chuẩn nghèo mới theo chuẩn quốc tế, áp dụng chuẩn chung cho cả hai khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2011- 2015.
Có thể khẳng định rằng mặc dù quan điểm giảm nghèo của Việt Nam luôn luôn là “toàn diện, bền vững, công bằng và hội nhập” thì trong giai đoạn từ 2011 trở đi, quan điểm này sẽ có những điểm khác biệt như: Không tập đầu tư dàn trải, chỉ chú trọng đầu tư mạnh, trọn gói vào các vùng nghèo, nhóm người nghèo trọng điểm; Các chương trình, dự án về phát triển cơ sở hạ tầng cũng sẽ dần thu hẹp (bởi vì theo cách tiếp cận hiện đại thì đây là trách nhiệm của Nhà nước), chỉ giữ lại những chương trình, dự án đem lại tính bền vững trong giảm nghèo tác động trực tiếp đến người nghèo và hộ nghèo. Cùng với đó, sẽ xuất hiện các chính sách đặc thù hơn như: chính sách giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi, các xã biên giới với giải pháp trọn gói, tập trung để chấm dứt hoàn toàn tình trạng thiếu đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo
chuẩn quốc tế xuống ngang bằng hoặc thấp hơn các nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình khá trong khu vực và thế giới.
Từ sau năm 2015, nếu theo đúng kịch bản về phát triển kinh tế xã hội, nước ta đã có đủ tiềm lực và trở thành một quốc gia theo hướng công nghiệp, hiện đại vào năm 2020 thì chính sách giảm nghèo sẽ tiếp tục được thu hẹp lại ở cấp độ địa phương. Chính phủ sẽ chỉ tập trung tạo môi trường và cơ hội bình đẳng cho người có thu nhập thấp được hưởng thành quả từ quá trình phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân có thu nhập thấp khi hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chương trình giảm nghèo sẽ chuyển hướng thành chương trình cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân có thu nhập thấp ở một số vùng đặc thù, kém phát triển và tách dần khỏi chính sách an sinh xã hội như hiện nay. Các bộ phận cấu thành của hệ thống chính sách giảm nghèo như: giáo dục, y tế cho người nghèo, cứu trợ đột xuất... sẽ được thể chế hoá thành các quy định trong các luật có liên quan như Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Luật An sinh xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật tạo cơ hội ngang bằng...