Tình hình giảm nghèo giai đoạn 1998-2000

Một phần của tài liệu Giảm nghèo theo hướng bền vững ở Việt Nam Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 38)

Phong trào xoá đói giảm nghèo được khởi nguồn năm 1993 ở hai địa phương đầu tiên là tỉnh Hà Tĩnh và Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đó lan nhanh ra một số tỉnh thành khác. Cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, việc thực hiện chính sách phát triển toàn diện kinh tế xã hội nông thôn; thực hiện chiến lược phát triển cho từng vùng, miền; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm. Từ năm 1992 đến năm 1998, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam bình quân mỗi năm giảm từ 2 đến 3%. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng diễn ra ngày càng gay gắt, tỷ lệ đói nghèo chung có xu hướng giảm dần, song mức độ trầm trọng, độ sâu của nghèo đói ngày càng tăng ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa do trình độ phát triển kinh tế không theo kịp khu vực thành thị, đồng bằng, khoảng cách thu nhập giữa ngày càng dãn xa [4, tr.2].

Để giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, đầu năm 1998, Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo (Chương trình 133) cho giai đoạn 1998-2000. Điều này có nghĩa, lần đầu tiên xoá đói giảm nghèo đã trở thành một chính sách nằm trong hệ thống chính sách xã hội của quốc gia, do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Chương trình này đặt mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo của cả nước xuống còn 10% (theo chuẩn lần thứ I) vào năm 2000. Để thực hiện, Nhà nước đã triển khai hàng loạt chương trình, dự án bao gồm: định canh định cư và kinh tế mới, phát triển sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã khó khăn, khuyến nông - lâm - ngư, trợ giúp đồng bào dân tộc khó khăn, tín dụng và tiết kiệm cho người nghèo, giáo dục cho người nghèo, sức khoẻ cho người

nghèo...

Tháng 7/1998, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung thêm một chương trình nữa để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là Chương trình 135 - Chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mục tiêu chính của Chương trình này là hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như: hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... tại 1715 xã nghèo nói trên. Đây là hai chương trình lớn tác động mạnh mẽ tới công cuộc xoá đói giảm nghèo. Sau hơn một năm thực hiện, Chương trình 133 và 135 đã tạo ra những kết quả ban đầu tích cực. Trong năm 1999, cả nước đã thực hiện định canh định cư cho 47120 hộ, khai hoang mở rộng diện tích được 1387 ha, trồng thêm được 2300 ha rừng mới và 1738 ha cây công nghiệp và ăn quả. Về tín dụng, sau một năm đã có 1010 ngàn lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất với tổng doanh số vay đạt 2001 tỷ. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo thuộc chương trình 135 đã tăng từ 508 tỷ đồng năm 1999 lên 700 tỷ đồng năm 2000; nhờ đó trong hai năm 1999-2000, đã có 5.035 công trình được xây dựng tại các xã đặc biệt khó khăn và có 4867 công trình được đưa vào sử dụng trong năm 2001.Theo báo cáo của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, so với năm 1998, trong năm 1999 đã giảm được 340.000 hộ đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ đói nghèo của cả nước xuống còn 13%. Đến năm 2000, Chương trình 135 đã đạt được kế hoạch đề ra là giảm tỷ lệ đói nghèo của cả nước xuống còn 10%.

Có thể khẳng định trong giai đoạn 1998 - 2000 chúng ta đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác XĐGN như trên là do sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương trong việc thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo...; sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như: WB, UNDP, ADB, KFW, SIDA (Thụy điển) về nhiều mặt (kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính). Tuy nhiên, muốn đánh giá tính bền vững của những kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo cần xem xét việc phát huy những thành tựu của giai đoạn này trong các giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu Giảm nghèo theo hướng bền vững ở Việt Nam Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)