Nhận định nhân cách tuổi ấu thơ trong xã hội truyền thống

Một phần của tài liệu Quá trình nhập thân văn hóa tuổi ấu thơ trong xã hội truyền thống (Trang 28)

- Chăm sóc trẻ sơ sinh

2.1.3.Nhận định nhân cách tuổi ấu thơ trong xã hội truyền thống

Trong tiềm thức của người Việt, con cái là hiện thân cho sự kéo dài và tiếp nối cuộc đời của cha mẹ, là sự hứa hẹn và tiếp nối trong tương lai sự tồn tại của gia đình, của dòng dõi.

Theo nghĩa đó, con trai có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nối dõi tông đường, kế thừa gia đình. Sự kế thừa trong gia đình có hai thứ: một là kế thừa tông giống, tức là trên tế tự tổ tiên, dưới lưu truyền huyết thống, hai là kế thừa di sản, tức thừa hưởng tài sản của cha mẹ ông bà chết đi để lại. Trong truyền thống của gia đình phụ hệ, việc kế thừa là thuộc về con trai, trước hết là người con trưởng. Con gái không có quyền thừa kế, cho nên dù nhiều con gái bao nhiêu mà không có con trai thì cũng như không có. Tục ngữ có câu: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", chính là theo ý ấy. Cha mẹ chết đi, nếu không có con trai, di sản có thể do con gái hưởng, nhưng huyết thống sẽ không ai truyền, và tế tự sẽ không ai giữ, cho nên dù có nhiều con gái cũng không khỏi là người vô hậu hay tuyệt tự. Bởi thế người ta lấy việc hậu tự là tối trọng.

Quan niệm về dòng dõi và nối dõi như vậy, nên con trai, nhất là con trai đầu lòng ra đời được cả gia đình đón mừng nhiệt liệt, trước hết là của cha và mẹ. Tuy nhiên,

trong dân gian, quan niệm đạo đức gia đình được đặt lên hàng đầu, cho nên với con trai hay con gái đều được coi như nhau miễn sao chúng "có nghĩa, có nghì" với ông bà, cha mẹ.

Bên cạnh quan niệm về sự nối dõi của con trai cả là nhu cầu về sức lao động. Hướng tới sự phát triển kinh tế gia đình, duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của nó. Những bậc cha mẹ trong xã hội cũ quan niệm rằng có con đông trong nhà sẽ không thiếu lao động. Đặc biệt là con trai, con trai sẽ lấy vợ và như vậy sẽ có thêm một lao động nữa.

Con cái là nơi nương tựa cho cha mẹ lúc về già, cha mẹ cần phải được chăm sóc, họ cần phải có con cái để trông nom, nuôi nấng lúc đau yếu bệnh tật.

Từ những điều trình bày trên đây, cho phép nêu lên nhận định: trong gia đình

truyền thống Việt Nam, con cái được nuôi dạy chủ yếu là để thực hiện sự tiếp nối gia đình, dòng dõi, đảm bảo duy trì và cải thiện cuộc sống cho những thành viên lớn tuổi và chăm sóc người già trong gia đình. Do đó, điều giáo huấn đầu tiên đối với mỗi thành viên mới là phải kính trọng người tôn trưởng, đặt lợi ích của gia đình lên trên, quyền lợi

mỗi người, không được trái với lợi ích gia đình, và phải phục tùng gia đình.

Trong nhà, trẻ được đánh giá là ngoan trước hết là do biết vâng lời người trên. Con trẻ được dạy dỗ theo tôn ty trật tự trên dưới và tính cộng đồng chặt chẽ của gia đình. Con cái không được đánh giá hành vi của cha mẹ, mà mặc nhiên phải thừa nhận cha mẹ bao giờ cũng tuyệt đối đúng. Cha mẹ nói, mắng mỏ, trẻ tuyệt đối không được cãi lại.

Tóm lại, con trẻ trong gia đình xã hội truyền thống Việt Nam được dạy dỗ theo

những tiêu chuẩn lễ - nghĩa, phục tùng theo phận vị thế hệ (ông bà, cha mẹ- con cái)

theo lứa tuổi (anh chị - em) và theo giới tính (nam tôn nữ ti).

Giáo dục trong gia đình xã hội truyền thống với phương thức trao truyền kinh nghiệm từ cha ông tới các thế hệ, con trẻ chỉ có thể lĩnh hội kinh nghiệm sống từ ông bà cha mẹ. ở trường lớp cũng vậy, trẻ thường được truyền dạy, tiếp thu những kiến thức từ kinh nghiệm cha ông được đúc kết vào trang sách kinh điển, sách "thánh hiền". Trong môi trường văn hóa ít biến động như vậy, nhân cách của trẻ thường là con người thuần tính, nhưng nhút nhát, thụ động, ỷ lại và ít năng động sáng tạo.

Một phần của tài liệu Quá trình nhập thân văn hóa tuổi ấu thơ trong xã hội truyền thống (Trang 28)