I: Identify the best Solution (Xác định lời Giải hay nhất)
T: Transform (Chuyển bước)
3.2 Nhận xét các phương pháp
Các phương pháp thuộc nhóm phân tích vấn đề và tổng hợp vấn đề là các phương pháp giải quyết vấn đề tổng quát. Chúng có tính khái quát cao, có thể áp dụng để giải quyết nhiều loại vấn đề khác nhau. Các phương pháp này thuộc về loại nguyên lý cơ bản.
Về nhóm các phương pháp giải quyết vấn đề trong tin học, như phương pháp trực tiếp, phương pháp gián tiếp. Các phương pháp này là kết quả của quá trình nghiên cứu trong lĩnh vực tin học, chúng có các đặc trưng riêng để giải các bài toán trong tin học. Tuy nhiên các phương pháp này đôi khi vẫn có thể áp dụng trong cuộc sống thường ngày hay trong các lĩnh vực khác mà có điểm tương đồng với bài toán tin học. Ví dụ như các phương pháp thử sai và nhiều thuật toán trong Heuristics vẫn thường được áp dụng trong cuộc sống.
Để giải quyết các bài toán về phát minh sáng chế công nghệ, TRIZ là một trong các phương pháp mạnh nhất và chính là phương pháp đầy đủ, toàn diện nhất. TRIZ là một lý thuyết hoàn chỉnh, nó chỉ ra các bước rõ ràng để thực hiện các cải tiến kỹ thuật. Vì vậy, TRIZ có thể giúp cho bất kỳ ai cũng có thể đưa ra các ý tưởng phát minh sáng chế công nghệ đột phá và khả thi. Nhờ tính nguyên tắc rõ ràng của TRIZ thể hiện qua thuật toán ARIZ hay ma trận mâu thuẫn, các giải pháp chuẩn… có nhiều phần mềm đã được tạo ra để hỗ trợ quá trình sáng tạo theo TRIZ, từ đó mở ra khả năng máy móc cũng có thể sáng tạo chứ không chỉ con người. Điều này đi ngược lại niềm tin lâu nay là sáng tạo là khả năng trời phú cho các thiên tài và chỉ có con người mới có thể sáng tạo.
Chính vì tính chất chặt chẽ của TRIZ mà nó cũng có các nhược điểm cố hữu, trong đó quan trọng nhất là nếu áp dụng chính xác TRIZ thì nó chỉ hữu ích trong các bài toán sáng chế công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu người dùng TRIZ linh động hơn để áp dụng với các khái niệm tương ứng trong lĩnh vực khác thì TRIZ cũng tỏ ra khá thành công.
Cũng vì tính chặt chẽ của TRIZ mà nó bị phản đối hoặc không sử dụng bởi những người ủng hộ luận điểm cho rằng sáng tạo là một quá trình ngẫu nhiên, có tính đột phá, nhảy vọt.
Để giải quyết những tranh cãi ở đây, có thể dùng lý thuyết về các mức độ sáng tạo trong TRIZ. Tổng quát hóa các mức độ sáng tạo lên, tác giả đề xuất mô hình về hai loại vấn đề, một là vấn đề có thể giải quyết bằng tư duy logic, hai là vấn đề không thể giải quyết bằng tư duy logic. Các vấn đề có thể giải quyết bằng tư duy logic có thể đi đến lời giải bằng các suy luận logic trực tiếp, giữa tri thức đã có và lời giải có mối quan hệ trực tiếp. Các vấn đề này có thể là các bài toán hóc búa trong kỹ thuật hoặc là các nhu cầu cải tiến công nghệ để giải quyết mâu thuẫn nào đó. Dạng các vấn đề này có thể được giải quyết rất tốt bằng TRIZ. Các vấn đề không thể giải quyết bằng logic thì không thể hay không có con đường trực tiếp nào đi đến lời giải từ tri thức hiện có cả. Đây chính là lúc cần phải mở rộng tri thức hiện tại. Như Henri Poincaré nói: “Một hệ logic nếu chỉ dùng các suy luận logic thì không thể tạo ra thông tin gì mới, và tất cả các kết quả đều có thể giản lược về các nguyên lý cơ bản được dùng để xây dựng nên hệ ban đầu”.
Điều đáng nói ở đây là nền tảng của TRIZ dựa trên việc phân tích các phát minh sáng chế, từ đó tìm ra các quy luật chung. Điều này dẫn đến hai vấn đề, một là nếu mở rộng việc phân tích này ra các lĩnh vực khác và cập nhật lại TRIZ thì nó cũng sẽ có các kết quả tốt như trong lĩnh vực kỹ thuật. Vấn đề thứ hai, tuy không nổi bật nhưng quan trọng, đó là TRIZ chỉ dựa trên dữ liệu quá khứ, phân tích các phát minh quá khứ nên có thể sẽ không dự đoán được hết các trường hợp, khi đó một phát minh thực sự sáng tạo, chưa hề có khuôn mẫu trước đó sẽ không đạt được thông qua TRIZ. Mà các phát minh loại này tuy rất ít nhưng lại rất quan trọng, đó thường là bước nhảy vọt của nhân loại.
Phương pháp tư duy 5W1H nổi bật bởi nội dung đơn giản dễ áp dụng nhưng kết quả đạt được lại có thể rất tốt. 5W1H có thể được sử dụng trong mọi lĩnh vực nhằm tìm kiếm ý tưởng cho một vấn đề hay xây dựng dàn ý cho một bài viết... Quá trình nghiên cứu khoa học cũng có thể biểu diễn dưới dạng trả lời các câu hỏi 5W1H. Các phương pháp khác như động não hay bản đồ tư duy sử dụng 5W1H như thành phần nền tảng.
Phương pháp động não được dùng để kích thích một cá nhân hay tập thể đưa ra thật nhiều ý tưởng. Các ý tưởng này không bị ràng buộc bởi logic xét đoán và cả cảm xúc. Do đó có thể sẽ có sự bùng nổ ý tưởng, nhiều ý tưởng táo bạo và có vẻ điên rồ xuất hiện. Chính từ những ý tưởng đó mà có thể sẽ có những phát minh đột phá. Tuy nhiên động não không định hướng cho tư duy người sử dụng, sử dụng hiệu quả hay không tùy thuộc vào năng lực của người đó.
Phương pháp sáu chiếc mũ tư duy được dùng để định hướng suy nghĩ người dùng theo sáu hướng khác nhau. Kết quả là tư duy không bị rối loạn, giúp cho những ý tưởng được tạo ra một cách rõ ràng mà không bị ràng buộc bởi các yếu khác trong sáu hướng. Phương pháp này sẽ rất tốt khi kết hợp với phương pháp động não để tạo ra nhiều ý tưởng mạch lạc.
Kỹ thuật phân tích SWOT là một kỹ thuật thường dùng trong lĩnh vực kinh doanh và hoạch định chiến lược. Kỹ thuật này định hướng tư duy người dùng nó vào bốn yếu tố quan trọng với các bài toán hoạch định chiến lược. SWOT có thể được kết hợp rất tốt với phương pháp 5W1H và động não để tìm kiếm ý tưởng. Nó cũng có thể kết hợp với sáu chiếc mũ tư duy để giúp tư duy không bị rối loạn.
Bản đồ tư duy là một công cụ cực kỳ hiệu quả để ghi nhớ và nó cũng rất hữu ích trong việc tổ chức ý tưởng để tư duy có cấu trúc mạch lạc hơn.
Tư duy bên ngoài chiếc hộp có tác dụng thúc đẩy chúng ta nghĩ rộng ra, vượt ra khỏi phạm vi khuôn khổ thông thường. Đây có thể được coi là một đường lối tư duy chung giúp chúng ta có tăng khả năng có được ý tưởng hay do ý tưởng không còn bị ràng buộc bởi quan niệm thông thường nữa.
Phương pháp đối tượng tiêu điểm xây dựng các ý tưởng ngẫu nhiên. Các ý tưởng này đôi khi rất hữu ích mà chúng ta lại không tìm thấy nó dựa trên tư duy thông thường. Trong phương pháp này, các đối tượng chẳng liên quan gì đến nhau được chọn ngẫu nhiên, sau đó liên kết các đặc tính lại với nhau để tạo ra ý tưởng mới, điều này giúp ý tưởng vượt qua được những khoảng cách của tư duy logic. Tuy nhiên, kết quả của phương pháp này khá ngẫu nhiên và mỗi lần áp dụng có thể lại được một kết quả khác nhau.
Phương pháp SCAMPER là một phương pháp đơn giản, ngắn gọn và dễ áp dụng nhưng lại khá hiệu quả trong việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Phương pháp SCAMPER gợi ý các đường lối tư duy để đi đến ý tưởng sáng tạo nhưng không chi tiết hóa về mặt kỹ thuật như TRIZ. Do đó SCAMPER có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ riêng phát minh công nghệ. SCAMPER mới chỉ gợi ý định hướng tư duy sáng tạo, để đi được đến các giải pháp cụ thể còn một con đường khá dài và cần phải có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mới thực hiện được. Khi sử dụng SCAMPER, tại mỗi mặt trong bảy mặt ta sử dụng kỹ thuật động não để tạo ra được nhiều ý tưởng nhất.
Đặc biệt, SCAMPER và TRIZ có thể được dùng để nghiệm lại các phát minh và học hỏi từ các phát minh một cách dễ dàng.
Phương pháp DOIT có thể coi như là một khung làm việc cho các quá trình sáng tạo và nghiên cứu. Nó không thực sự cung cấp một kỹ thuật hay định hướng nào để đưa ra ý tưởng sáng tạo cả, ở bước thứ hai của phương pháp chúng ta cần sử dụng các kỹ thuật sáng tạo khác để đưa ra ý tưởng. Tuy vậy DOIT vẫn có giá trị vì nó chỉ rõ những bước cần làm để nghiên cứu và sáng tạo.