Khả năng tập trung chú ý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực trí tuệ và một số chỉ số hoạt động thần kinh của học sinh trường THPT Trần Văn Lan, Huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định (Trang 25)

6. Những đóng góp của đề tài

1.2.2. Khả năng tập trung chú ý

Chú ý (Attention) là một hiện tượng tâm - sinh lý có tác dụng định hướng các hoạt động vào một hay một vài đối tượng, tạo điều kiện cho đối tượng được phản ánh tốt nhất. Chú ý là quá trình hoạt động thần kinh phức tạp nhằm tập trung nhận thức và sẵn sàng đáp ứng kích thích. Sự chú ý sẽ chia kích thích thành cái cần xử lý và cái không cần xử lý. Nhờ có khả năng tập trung chú ý mà con người mới có thể chọn lựa các kích thích ưu thế để có đáp ứng thích hợp nhất [67].

L.X.Vưgotxki cho rằng, chú ý là một hoạt động tâm lý phức tạp liên quan đến các quá trình sinh lý thần kinh. Cơ sở thần kinh của chú ý là ảnh hưởng của vỏ não tới các phần khác của não bộ. Chú ý được chia thành hai loại là chú ý có chủ định và chú ý không chủ định. Hai loại chú này có nguồn gốc phát sinh hoàn toàn khác nhau [30]. Chú ý không chủ định thường gặp nhiều hơn ở trẻ em và phụ thuộc vào kích thích. Kích thích càng hấp dẫn, càng mới lạ thì càng thu hút sự chú

ý của trẻ. Chú ý có chủ định là chú ý được đặt ra có mục đích từ trước. Đây là loại chú ý có vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người. Chú ý có chủ định giúp ta tránh được sự phân tán và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Do vậy, chú ý sẽ tạo tiền đề tốt cho con người trong lao động và học tập để đạt hiệu quả cao. Cơ sở thần kinh của chú ý là phản xạ định hướng khi hưng phấn xuất hiện tại một trung khu tương ứng trên vỏ não. Theo A.A.Ukhtômxki, điểm hưng phấn mạnh sẽ thu hút những điểm hưng phấn yếu hơn về phía mình tạo nên ổ hưng phấn cực đại theo nguyên tắc ưu thế của hoạt động thần kinh. Pavlov cho rằng: khi ổ hưng phân cực đại xuất hiện, nó sẽ ức chế hoạt động của các nơron thuộc các vùng bao quanh mình làm cho hưng phấn không thể lan tỏa được ra các phần khác trên vỏ não [31]. Do đó, khi ta hướng chú ý cao độ vào một việc nào đó thì ta sẽ không bị các kích thích khác ảnh hưởng nữa. Nhờ đó mà công việc cần làm sẽ đạt hiệu quả cao [30], [32].

Khả năng chú ý của con người được xác định thông qua một số đặc điểm cơ bản. Những đặc điểm đó là: tính lựa chọn, khối lượng chú ý, độ tập trung chú ý, tính bền vũng và sự di chuyển chú ý. Tính lựa chọn của chú ý thể hiện ở khả năng chủ thể tập trung vào việc tiếp nhận thông tin quan trọng có liên quan tới mục đích đã định trước. Khối lượng chú ý được xác định qua số lượng đối tượng mà chủ thể có thể nhận thức được rõ nét trong khoảng thời gian nhất định. Điều này cho thấy kinh nghiệm, thói quen và đặc điểm của chủ thể trong hoạt động. Độ tập trung chú ý biểu hiện ở khả năng chủ thể có thể hướng chú ý của mình vào một mục tiêu, phạm vi hạn chế. Phạm vi càng hẹp thì sự tập trung chú ý càng cao và hiệu quả công việc cũng càng cao. Tính bền vững của chú ý được xác định qua thời gian làm việc liên tục, có hiệu quả của chủ thể. Nó phụ thuộc vào tính chát, đặc điểm của kích thích, nhân tố chủ quan như: sức khỏe, tâm trạng, hứng thú,... Sự di chuyển chú ý thể hiện khả năng chủ thể nhanh chóng chuyển sự chú ý của mình từ đối tượng này sang đối tượng khác khi mục đích hành động thay đổi.

Điều này thể hiện tính linh hoạt, sự mềm dẻo trong hoạt động thần kinh của mỗi chủ thể, giúp con người thích ứng một cách nhanh chóng khi môi trường thay đổi.

Các nghiên cứu về chú ý cũng đã được tiến hành trên nhiều đối tượng khác nhau [27], [44].

Nghiên cứu của Trần Thị Loan (2002) [44] trên học sinh từ 6 - 17 tuổi quận Cầu Giấy Hà Nội cho thấy, độ tập trung chú ý và độ chính xác chú ý tăng dần theo tuổi và không có sự khác biệt về độ tập trung chú ý giữa nam và nữ. Mai Văn Hưng (2003) [27] khi nghiên cứu trên sinh viên từ 18 - 25 tuổi ở một số trường đại học phía Bắc Việt Nam cũng cho thấy, tốc độ chú ý tăng từ lớp tuổi 18 đến 19 tuổi, sau đó giảm dần và tốc độ chú ý của nam cao hơn của nữ.

Như vậy, qua các nghiên cứu trên, khả năng tập trung chú ý của đối tượng tăng dần theo tuổi, ở lứa tuổi nhỏ tăng nhanh, lứa tuổi lớn hơn thì tăng chậm hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực trí tuệ và một số chỉ số hoạt động thần kinh của học sinh trường THPT Trần Văn Lan, Huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)