Về tuổi của đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chia bệnh nhân nghiên cứu thành 2 nhóm: trên 70 tuổi và từ 70 tuổi trở xuống. Việc chia thành 2 nhóm như vậy là phù hợp cho việc đánh giá yếu tố nguy cơ gặp biến cố bất lợi trên thận sau khi dùng CM chứa Iod theo ESUR (European Society of Urogenital Radiology). Trong 573 bệnh nhân, có 158 (27,6%) bệnh nhân trên 70 tuổi có tiêm CM chứa Iod, trong đó có 41 (7,2%) bệnh nhân trên 70 tuổi chụp CT và 117 (20,4%) bệnh nhân trên 70 tuổi chụp ĐMV và/ hoặc can thiệp tim mạch. Tuổi trung bình là 60,7 ± 15,8, trong đó thấp nhất là 4 tuổi và cao nhất là 96 tuổi.
Về giới của đối tượng nghiên cứu
Trong 573 bệnh nhân, có 376 bệnh nhân nam chiếm 65,6%. Số bệnh nhân nam gấp 1,9 lần số bệnh nhân nữ. So sánh với một số nghiên cứu như Moos S.I. [26] thì tỷ lệ nam/ nữ là 1,2 hay của Hossein Nough [15] thì tỷ lệ nam/ nữ là 3,0. Trong nghiên cứu, chúng tôi lấy ngẫu nhiên tất cả các bệnh nhân có dùng CM chứa Iod và kết quả cho thấy số bệnh nhân nam dùng CM chứa Iod là nhiều hơn, điều này phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả khác.
Về bệnh mắc kèm ngoài thận của đối tượng nghiên cứu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 150 bệnh nhân (chiếm 26,2%) có bệnh mắc kèm ngoài thận có thể ảnh hưởng đến việc xuất hiện biến cố bất lợi trên thận sau khi dùng CM chứa Iod, trong đó có 81 (14,1%) bệnh nhân mắc đái tháo đường, 21 (3,7%) bệnh nhân có NMCT cấp dưới 24 h, 62 (10,8%) bệnh nhân suy tim và 158 (27,6%) bệnh nhân có eGFR < 60 ml/phút/1,73 m2 trước khi dùng CM chứa Iod.
Về thuốc độc thận dùng kèm trên đối tượng bệnh nhân
Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 267 bệnh nhân sử dụng thuốc độc thận nằm trong các nhóm NSAIDs, metformin, aminoglycoside, chiếm 46,6%. Trong nghiên cứu của Moos S.I. [26], tỷ lệ này thấp hơn là 30,2%.