86% số CBYT được khảo sát đã biết đến khái niệm ADR, trong đó hầu hết là các BS, DS. Đa phần những người chưa biết đến khái niệm này là các điều dưỡng viên, chiếm tỷ lệ 52,3%
Kết quả khảo sát quan niệm của CBYT đối với ADR, có gần 66% có hiểu biết đầy đủ về ADR, là các phản ứng tiên lượng được, phụ thuộc vào liều dùng và cả các phản ứng không tiên lượng được. 34% số BS - DS được hỏi cho rằng ADR là các phản ứng không tiên lượng được, là những phản ứng nặng. Các CBYT chưa nhận thức được rằng phản ứng bất lợi của thuốc cũng là các phản ứng xảy ra khi dùng sai liều, sai chỉ định hay một số biến cố khác.
CBYT biết đến khái niệm ADR là chủ yếu thông qua tạp chí Thông tin thuốc (với 94,6% số người được hỏi). Ngoài ra, họ còn biết đến ADR thông qua trang web của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, thông báo của bệnh viện…
Số lượng báo cáo ADR của các bệnh viện về Cục Quản lý Dược còn ít. Nguyên nhân mà nhiều CBYT chưa báo cáo ADR là do chưa có sự chỉ đạo của cấp trên, chưa gặp phải, không có thời gian. Một đặc điểm có thể nhận ra khi tiến hành khảo sát là tâm lý e ngại trách nhiệm của các CBYT khi báo cáo ADR nên nếu bệnh nhân gặp phải ADR nhẹ, trong phạm vi kiểm soát được thì CBYT không thấy cần thiết phải báo cáo lên cấp trên. Thực tế theo số liệu phân tích các báo cáo ADR năm 2006 gửi về Cục Quản lý Dược, vẫn có nhiều trường hợp tai biến xảy do do dùng quá liều, sai chỉ định, dùng quá nhiều thuốc trong một đơn, hay kê các thuốc trong cùng nhóm trong một đơn. Vì vậy ngoài biện pháp tuyên truyền nhận thức về tầm quan trọng của việc theo dõi báo cáo ADR, một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng khác là hướng dẫn CBYT sử dụng thuốc an toàn hợp lý.
Tóm lại, phần lớn các CBYT đều cho rằng Việt Nam cần phải có một trung tâm Thông tin thuốc và ADR để hỗ trợ cho các bệnh viện và CBYT trong việc tra cứu và cung cấp thông tin thuốc. Sự ra đời của trung tâm quốc gia về TTT và ADR tháng 3/2009 đã đáp ứng được mong muốn này.