Năm 1997, Bộ Y Tế có văn bản yêu cầu các bệnh viện thành lập Hội đồng thuốc và điều trị theo hướng dẫn tại thông tư 08/BYT-TT(04/07/1997) hướng dẫn việc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thuốc và điều trị ở bệnh viện. Một trong những nhiệm vụ của Hội đồng thuốc và điều trị là thông tin thuốc
Từ năm 1998 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện đã có đơn vị thông tin thuốc. Trừ một số bệnh viện tuyến trung ương có đơn vị thông tin thuốc hoạt động tương đối tốt như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Đà Nẵng, còn lại đa số trung tâm mang tính hình thức, hoạt động còn chưa có hiệu quả.
Năm 2003: Bộ Y tế ban hành công văn số 10766/YT-ĐTr ngày 13/11 hướng dẫn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Đơn vị thông tin thuốc trong bệnh viện. Mặc dù công văn hướng dẫn thành lập đơn vị thông tin thuốc đã được ban hành tuy nhiên hiệu quả hoạt động thông tin thuốc thời gian qua vẫn còn rất hạn
chế. Một phần do cán bộ y dược cơ sở ít được tiếp cận với nguồn thông tin đa dạng, nhiều chiều. Ở các bệnh viện trung ương nằm trên địa bàn trung tâm hay ở các thành phố lớn, thầy thuốc có nhiều cơ hội được tiếp cận với những thông tin thuốc mới và các phác đồ điều trị mới. Các bệnh viện địa phương xa trung tâm, đặc biệt ở những nơi hệ thống thông tin chưa phát triển thì các CBYT ở đây có rất ít cơ hội được cập nhật thông tin về thuốc và điều trị. Những thông tin về thuốc mà các thầy thuốc biết được đa số do CBYT tự tích luỹ và tra cứu hoặc do các hãng thuốc cung cấp. Vì thế, nguồn thông tin này nhiều khi chưa khách quan hoặc chưa đáng tin cậy.
Một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của khoa Dược là cung cấp Thông tin thuốc để giải đáp những thắc mắc về thông tin thuốc cho các CBYT trong viện. Tuy nhiên, do số lượng dược sĩ lâm sàng trong các bệnh viện quá ít nên không có dược sĩ chuyên trách mảng Thông tin thuốc. Đa phần cán bộ thông tin thuốc là các dược sĩ kiêm nhiệm, cùng một lúc đảm trách nhiều công việc của khoa. Chính vì vậy, họ không thể toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ thông tin thuốc và thu thập báo cáo ADR. Vì vậy, đa phần thông tin thuốc mà bác sĩ có được là thông qua kênh thông tin từ trình dược viên. Nhiều bác sĩ, dược sĩ còn lạ lẫm với các khái niệm như dược lâm sàng, sinh khả dụng, GMP, ADR...Các tài liệu về thuốc phần lớn do các hãng dược phẩm gửi đến như: Vidal, MIMs xuất bản hàng năm.... Hiện nay, cán bộ y tế rất cần có những nguồn thông tin thuốc đầy đủ và đáng tin cậy. [27] Việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các khoa phòng lâm sàng trong cùng một bệnh viện, hoặc giữa các bệnh viện ở các cấp hay từ các bệnh viện với các cơ quan khác trong bộ, ngành còn rất hạn chế.