* Trị bệnh Leucocytozoon cho gà
Có thể sử dụng một trong các loại Sulfonamide sau để điều trị gà bệnh: - Pyrimethamin: dùng liều 0,5 - 1 ppm/ kg thức ăn, cho gà ăn 2 tuần liên tục. - Sulfadimethoxin: dùng liều 50 - 75 mg/ kg thức ăn, cho gà ăn liên tục 1 - 2 tuần.
- Sulfaquinoxalin: dùng liều 50 mg/ kg thức ăn, cho gà ăn liên tục 1 - 2 tuần. Để nâng cao hiệu quả điều trị, dùng phối hợp thuốc Sulfonamide với Vitamin B1, Vitamin C.
Orlov F. M. (1975) [22] cho biết: có ý kiến cho rằng, aterbin có tác dụng đến giao tử bào thành thục.
Tuy nhiên, Saif Y. M. (2003) [46] cho rằng: Hiệu quả điều trị bệnh
Leucocytozoonsis là hạn chế. Đối với L. simondi, điều trị không có hiệu quả. Pyrimethamine (1ppm) và Sulfadimethoxine (10ppm) sử dụng đồng thời để điều trị bệnh cũng không có hiệu quả với L. caullergyi.
Theo Lê Văn Năm (2001) [21]: Các loại thuốc có chứa các nguyên liệu như: Sulfamonomethoxin, Salfadimethoxin, Clopidol đều có tác dụng phòng trị tốt bệnh do Leucocytozoon gây ra. Tác giả cho biết thêm, hiện nay bệnh ký sinh trùng đường máu thường bị bội nhiễm và ghép với nhiều bệnh khác. Do đó chúng ta cần phải phối hợp các phác đồ khi điều trị thì mới có hiệu quả điều trị cao.
* Phòng bệnh Leucocytozoon cho gà
- Phát hiện sớm gà mắc bệnh và gà mang trùng để điều trị kịp thời tránh lây lan trong đàn.
- Gà chết không được mổ thịt mà phải xử lý như gà ốm chết do các bệnh truyền nhiễm, sử dụng thuốc sát trùng khi xử lý.
- Định kỳ phun thuốc diệt côn trùng để diệt dĩn hút máu và truyền bệnh cho gà. Có thể dùng Hantox-spray hoặc Iodin 1%, 2 - 3 tuần/ lần, đặc biệt là vào mùa hè và mùa thu khi dĩn hoạt động mạnh để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gà.
- Không nên xây chuồng ở những vùng gần đồng ruộng, vùng có ao hồ hay vùng có diện tích mặt nước lớn, vì đây là môi trường thích hợp cho ký chủ trung gian phát triển.
Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (1993) đưa ra những tiêu chuẩn đối với việc chuẩn bị chuồng trại nuôi gia cầm như sau:
- Phải chuẩn bị đầy đủ chuồng nuôi, rèm che, kho đựng thức ăn, bể chứa nước, dụng cụ chăn nuôi, thuốc thú y, các phương tiện sưởi ấm, làm mát... đảm bảo cho số lượng gà định nuôi.
- Chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh, khu vực kho chứa thức ăn, dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh đảm bảo, sát trùng triệt để.
- Cây xanh, cỏ dại cách chuồng 10 - 15 mét phải được phát quang. Các động vật cư trú truyền dịch bệnh cho đàn gà như chuột, cáo, chồn, côn trùng, chim tự nhiên... phải được tiêu diệt.
- Có phòng mổ khám, chẩn đoán bệnh và thiêu xác hoặc hố tự hoại cách xa khu vực chăn nuôi và cuối hướng gió.