* Với gà còn sống
Nguyễn Xuân Bình và cs (2002) [1] cho biết: Hiện nay, có nhiều bệnh mới ở gia cầm có triệu chứng lâm sàng và bệnh tích giống nhau, nhưng nguyên nhân gây bệnh lại khác nhau, làm cho việc chẩn đoán lâm sàng và điều trị bệnh dễ bị sai lầm, gây nên những tổn thất đáng kể cho chăn nuôi.
Do vậy, để chẩn đoán một cách chính xác bệnh có phải do ký sinh trùng đường máu Leucocytozoon gây ra hay không, người ta thường sử dụng kết hợp các phương pháp chẩn đoán để mang lại hiệu quả cao hơn.
+ Chẩn đoán lâm sàng: Gà lứa tuổi 1 - 3 tháng chết đột ngột, các phủ tạng đều bị xuất huyết; ỉa chảy, phân xanh có lẫn máu làm cho gà chết với tỷ lệ cao.
+ Chẩn đoán xét nghiệm: Lấy mẫu máu và phủ tạng, dàn tiêu bản, nhuộm Giemsa và soi kính để tìm đơn bào gây bệnh.
Phạm Sỹ Lăng và cs (2009) [17] cho rằng: có thể sử dụng phương pháp làm tiêu bản máu, dàn mỏng, nhuộm Giemsa, kiểm tra dưới kính hiển vi tìm ký sinh trùng, và sử dụng phương pháp ngưng kết trên gel thạch để phát hiện kháng thể kháng Leucocytozoon spp.
Lê Đức Quyết và cs (2009) [23] cho biết: gần đây, các phương pháp huyết thanh học cũng đã được áp dụng để chẩn đoán bệnh như phương pháp Latex-agglutination, phương pháp khuyếch tán trên thạch.
Chẩn đoán phân biệt. Nguyễn Thị Kim Lan và cs (2009) [11] cho biết: cần chẩn đoán phân biệt với bệnh tụ huyết trùng gia cầm. Triệu chứng và bệnh tích của bệnh đơn bào đường máu ở gia cầm cũng giống như bệnh tụ huyết trùng gia cầm. Tuy nhiên, bệnh tụ huyết trùng làm gà chết ở tất cả các
lứa tuổi. Bệnh tụ huyết trùng gia cầm điều trị bằng Streptomycin có hiệu quả nhưng bệnh do đơn bào đường máu điều trị bằng Streptomycin lại không có hiệu quả.
Theo Lê Văn Năm (2001) [21], cần chẩn đoán phân biệt bệnh do đơn
bào Leucocytozoon gây ra với các bệnh sau:
Bệnh Marek: không có các biến đổi ở gan, lách, thận phổi ở gà dưới 45 ngày tuổi và trên 1 năm tuổi. Bệnh Marek không có ở thủy cầm và ít gặp ở hoang cầm.
Bệnh bạch huyết (Leucosis): Bệnh ít gặp ở gia cầm dưới 6 tháng tuổi. Bệnh có rất nhiều thể khác nhau như Leucosis dạng võng mô, Leucosis hồng cầu, Leucosis tủy xương, Leucosis limfo. Mỗi thể bệnh khác nhau chúng lại có những đặc điểm riêng khác biệt.
Bệnh sốt rét gà: Các biểu hiện về dịch tễ và lâm sàng của bệnh sốt rét gà rất giống với bệnh do Leucocytozoon gây ra. Tuy nhiên, khi mổ khám thì bệnh sốt rét gà không có những biểu hiện giống như bệnh Leucocytozoon. Gan của gà bị sốt rét có màu xanh đen hoặc đen, kích thước nhỏ hơn bình thường, túi mật căng chứa đầy mật.
* Với gia cầm chết:
Phương pháp chẩn đoán sau khi gia cầm chết là phương pháp chuẩn đoán bệnh chính xác nhất. Việc chẩn đoán được tiến hành qua phương pháp mổ khám, kiểm tra bệnh tích kết hợp với việc lấy các cơ quan nội tạng như gan, lách, phổi, thận kiểm tra để tìm đơn bào Leucocytozoon ký sinh.