3. Nội dung nghiên cứu
1.3.2. Tình hình nghiên cứu và sử dụng thảo dược trong nước
trong nước
Cũng như nhiều nước trên thế giới có nghề NTTS, Việt Nam cũng đang đối mặt với những ảnh hưởng lớn của dư lượng hóa chất, kháng sinh sử dụng tồn đọng trong sản phẩm thủy sản gây độc cho sức khỏe con người, vật nuôi đồng thời tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Để khắc phục tình trạng lệ thuộc vào hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh cho động vật thủy sản nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua đã có không ít những nghiên cứu sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh thủy sản. Một số loài thảo dược đã được đưa vào nghiên cứu: tỏi, lá xoan, lá ổi, lá hẹ,… Đối tượng nuôi được nghiên cứu bao gồm cả các loài nước mặn và nước ngọt như cá chép, cá trắm cỏ, cá rô phi, cá song [32].
Việc sử dụng các loài cây quen thuộc trong vườn để trị các bệnh thông thường như đường ruột, bệnh đường hô hấp, mụn nhọt, vết thương… cho người đã có từ xa xưa. Nó đã khẳng định các loại cây có thể sử dụng trong phòng và trị bệnh nuôi trồng thủy sản.
Theo y học cổ truyền, phần lớn những cây thuốc có tác dụng chữa bệnh nhiễm khuẩn đã được xếp trong nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc, táo thấp, thuốc khử hàn,.... như alicin trong tỏi, odorin trong hẹ,...Từ thế kỷ XIV, Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh đã sử dụng nhiều thảo mộc như tỏi, hẹ, tô mộc, hạt cải, trầu không... để trị một số bệnh viêm nhiễm [24].
Từ giữa thế kỉ XX, theo kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Ngữ (1956) trên 500 loài cây thuốc, đã khẳng định rằng nhiều cây có tác dụng kháng khuẩn rất lớn. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Hưởng và cộng sự (1959), trên 1000 cây thuốc, chỉ ra rằng kháng sinh thực vật sử dụng rất an toàn, có tác dụng mạnh, nhóm nghiên cứu đã đưa ra chế phẩm cây tô mộc trị bệnh tiêu chảy.
* Sử dụng thảo dược dạng dịch ép
Ở miền Nam, các cây cỏ được dùng trong phòng trị bệnh cho vật nuôi thủy sản chủ yếu từ kinh nghiệm dân gian: Khu vực nuôi cá bè ở Tân Châu - Châu Đốc - An Giang; Hồng Ngự - Đồng Tháp; Vĩnh Hưng, Tân Hưng - Đồng Tháp Mười - Long An,… người dân đã biết dùng cây cỏ mực (Prostista alba), dây trầu không (Piper better L.) để phòng trị bệnh ký sinh trùng cho cá; lá ổi (Psidium guajava) chữa bệnh nhiễm khuẩn cho cá [18]
Nghiên cứu khác của Phan Xuân Thanh và ctv (2002) đã xác định được chất: 2-hydroxy-6-pentandecatrienilbenzoat có nguồn gốc từ thảo dược, có tác dụng phòng trừ các bệnh do vi khuẩn và nấm gây ra. Nhằm mục đích sử dụng các hoạt chất sinh học thay thế các hoá chất độc và kháng sinh trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản [24].
Trong báo cáo “Sử dụng kháng sinh thảo mộc phòng và chữa trị một số bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi động vật thuỷ sản”, Nguyễn Thị Vân Thái và ctv đã trình bày về khả năng sử dụng y dược y học cổ truyền trong phòng và chữa trị một số bệnh nhiễm khuẩn cho tôm cá, động vật thân mềm… thay thế các thuốc kháng sinh hiện đang phổ biến trên thị trường. Các tác giả đã đưa ra phương pháp phòng bệnh bằng thức ăn bổ trợ có tác dụng tăng cường sức đề kháng của động vật thuỷ sản.
Năm 2008, Trương Thị Mỹ Hạnh và ctv đã nghiên cứu khả năng kháng khuẩn của dịch ép từ lá hẹ, trầu không và đinh lăng. Kết quả cho thấy Hẹ có tính kháng vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Streptococcus sp gây bệnh trướng bụng, xuất huyết trên cá rô phi nuôi với đường kính vòng vô khuẩn đạt >25mm với lượng sử dụng 100µl/khoanh. Hiệu quả tính kháng khuẩn của hẹ giảm mạnh khi có tác động của nhiệt độ ở 1500C, đường kính vòng vô khuẩn chỉ đạt 5mm. Kết quả phòng và trị bệnh cá rô phi nhiễm khuẩn Aeromonas hydrophila và Streptococcus sp trong quy mô phòng thí nghiệm khi sử dụng nước ép lá hẹ trộn vào thức ăn viên đạt được tỷ lệ sống 50% so với lô thí nghiệm đối chứng. Ngoài ra, hẹ còn có tính diệt nấm ở nồng độ 15.000ppm trong 6h và ở 13.000ppm ở 24h. Riêng đối với đinh lăng, chè xanh kết quả cho thấy chúng không có tính kháng vi khuẩn Aeromonas hydrophila và
Streptococcus sp gây bệnh trướng bụng, xuất huyết trên cá rô phi nuôi với lượng sử dụng 250µl/khoanh, trầu không có tính kháng vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Streptococcus sp nhưng ở mức độ kém với đường kính vòng vô khuẩn đạt 10mm ở lượng sử dụng 250µl/khoanh [12].
Năm 2011 là nghiên cứu của Huỳnh Kim Diệu, Đại học Cần Thơ về khả năng kháng khuẩn của cỏ mực thu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy chúng có khả năng kháng khuẩn tương đối tốt đối với một số chủng vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, trong đó điển hình nhất là
Edwardsiella tarda, riêng đối với loài Streptococcus faecalis mức độ kháng khuẩn chỉ ở mức trung bình [6].
* Sử dụng thảo dược dạng dịch chiết
Trong công trình nghiên cứu của Bùi Quang Tề và Vũ Thị Tám có đề cập đến ý kiến của Nguyễn Ngọc Hạnh và cộng sự về nghiên cứu thử nghiệm thành công các hợp chất chiết xuất từ thảo dược, như Hepato và Alixin có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá tốt, giúp tôm khoẻ mạnh, sinh trưởng bình thường, có khả năng chống nhiễm bệnh đặc biệt các bệnh về gan. Trong đó Hepato có công dụng hỗ trợ và bảo vệ gan phòng và trị bệnh về gan như MBV và teo gan [19].
Trong một nghiên cứu vào năm 2006, Nguyễn Viết Khuê và ctv cho thấy trong số những người được phỏng vấn có 41,33% người nuôi sử dụng thảo dược, phổ biến là tỏi và lá xoan, 15% dùng không hiệu quả, 85% đạt hiệu quả từ ít đến nhiều. Việc nghiên cứu thành phần các hợp chất có trong thảo mộc là cơ sở nghiên cứu cho ra các sản phẩm thuốc ứng dụng phòng trị bệnh động vật thuỷ sản nói riêng.
Nguyễn Ngọc Phước và ctv (2007) đã tiến hành nghiên cứu sử dụng lá trầu không để trị bệnh do nấm gây ra trên đối tượng nuôi động vật thuỷ sản. Bước đầu đã có kết quả tốt ở quy mô phòng thí nghiệm. Nồng độ ức chế tối thiểu của dịch chiết lá trầu với cả hai loại dung môi là nước cất và ethanol đối với họ nấm Saproleginaceae và nấm Achlya sp là 2.500ppm; 1.250ppm đối với chủng Aphanomyces piscicida. Ở nồng độ cao nhất 10.000ppm, dịch chiết lá trầu có thể tiêu diệt được 5 chủng nấm thí nghiệm Saprolegnia dicilina; Saprolegnia diclina; Saprolenia parasitica; Achlya sp; và Aphanomyces piscicida [20]. Cũng tại đại học Huế mọt nhóm tác giả khác có nghiên cứu và cho kết luận rằng tỏi và lá trầu không là hai loại thảo dược có khả năng diệt khuẩn rất tốt đối với A.hydrophyla gây bệnh lở loét cho cá trắm cỏ [17].
Nguyễn Thanh Hải, Bùi Thị Tho, 2013. Nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn in vitro của dịch chiết tỏi (Allium sativumL.) đối với E. coli gây bệnh và E. coli kháng ampicillin, kanamycin kết quả thử nghiệm dung môi Ethanol, Methanol chiết xuất dịch tỏi và xác định khả năng kháng khuẩn với E.coli O44
kết quả cho thấy đường kính vòng vô khuẩn đạt lần lượt 19,1 mm và 19,7mm, sai khác không có ý nghĩa thống kê với P>0,05 [10].
* Sử dụng thảo dược đã được chế biến thành thuốc
Sản phẩm với tên VTS1 - C và VTS1 - T được Bùi Quang Tề và cộng sự phối chế thành công vào năm 2005, từ các hoạt chất tách chiết từ tỏi (Allium sativum), sài đất (Weledia calendulacea), nhọ nồi (Elista alba Hassk) để phòng trị bệnh cho tôm Sú và cá tra nuôi ao và nuôi lồng để phòng trị một số bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophyla, Edwardsiella tarda, Hafnia alvei, Vibrio harveyi, Vibrio alginolyticus. Với VTS1 - C gồm 30% cao dầu tỏi và 70% cao dầu sài đất dùng cho cá Tra và cá Basa[23].
Ở miền Bắc, thuốc KN 04 - 12 là sản phẩm phối chế của đề tài cấp nhà nước mã số KN 04 -12 năm 1990 - 1995 do Hà Ký làm chủ nhiệm. Thành phần thuốc bao gồm các cây thuốc có kháng sinh thực vật, gồm: rau nghể (Polygonum hydropiper L.); rau sam (Portulaca cleracae L.); cỏ sữa lá to (Euphorbia hirta L.); cỏ sữa lá nhỏ (Euphobia thymifolis); sài đất (Wedelia calendulacae); nhọ nồi (Eclipta alba Hassk); bồ công anh (Lactuca indica
L.); cây vòi voi (Heliotrpium indicum L.); chó đẻ răng cưa (Phyllantus urinaria L.) và vitamin cùng một số vi lượng khác. Thuốc có tác dụng phòng và trị bệnh nhiễm khuẩn như đốm đỏ, thối mang, viêm ruột của cá nuôi lồng hay nuôi ao [12].
Từ những nghiên cứu thử nghiệm thảo dược ở các dạng khác nhau, đã có một số loại thảo dược ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ trên thị trường, phục vụ nhu cầu phòng trị bệnh cho các đối tượng thủy sản. điển hình như:
Thuốc KN-04-12 là sản phẩm phối chế của đề tài cấp nhà nước mã số KN-04- 12 năm 1990-1995[16].
Năm 2006, Thuốc BecaNor 1 và BecaNor 2 là 2 sản phẩm với thành phần chính là tỏi và gừng bước đầu đã có hiệu quả rất tốt trong việc phòng và trị bệnh đốm đỏ ở qui mô phòng thí nghiệm và thử nghiệm ngoài thực địa tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hà Giang phòng bệnh cho cá trắm cỏ bước đầu cho kết quả tốt.
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG, VẬT LIỆU, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu
Vi khuẩn Streptococcus spp gây bệnh lở loét trên cá trê lai được thu và giữ tại phòng thí nghiệm vi sinh bệnh học thủy sản khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh.