Dung môi có vai trò hoà tan các chất cần trích ly và hạn chế hòa tan các tạp chất. Do đó, dung môi có ảnh hưởng lớn tới chất lượng của dịch chiết và thành phẩm. Việc lựa chọn dung môi thích hợp là hết sức quan trọng. Dựa trên tính chất vật lý (độ nhớt, sức căng bề mặt, độ phân cực) và đặc tính hòa tan chọn lọc của dung môi đối với hoạt chất để lựa chọn dung môi. Vì fucoxanthin có tính chất tan trong các dung môi phân cực nên trong thí nghiệm này chúng tôi tiến hành thí
nghiệm khảo sát với các loại dung môi: Methanol, ethanol và acetone cùng nồng độ. Kết quảđạt được trình bày ở dưới bảng sau:
Bảng 4.2. Ảnh hưởng của loại dung môi đến hiệu quả trích ly fucoxanthin
Loại dung môi Hàm lượng fucoxanthin (mg/g chất khô)
Methanol 0,602a
Ethanol 0,597a
Acetone 0,478b
(Ghi chú: Các giá trị trong cùng một cột có chữ số mũ khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa ở mức ý nghĩa α = 0,05)
Từ bảng 4.2 chúng tôi nhận thấy rằng: Khi trích ly bằng dung môi acetone cho hàm lượng fucoxanthin thấp nhât là 0,478mg/g chất khô. Sau đó đến trích ly bằng dung môi ethanol hàm lượng fucoxanthin thu được là 0,597 mg/g chất khô. Dung môi methanol cho hàm lượng fucoxanthin cao nhất là 0,602mg/g chất khô.
Tuy nhiên, hàm lượng fucoxanthin trích ly bằng dung môi methanol cao hơn không đáng kể khi trích ly bằng ethanol. Đồng thời, ethanol là một dung môi dễ kiếm và rẻ tiền hơn so với methanol và acetone. Việc trích ly bằng ethanol cũng tiến hành dễ dàng do ethanol có khả năng làm mất nước trong nguyên sinh chất tế bào, làm đông tụ protein và pectin. Vì vậy, thành tế bào mất tính thẩm thấu và chất hòa tan khuếch tán tự do.
Chính vì vậy, chúng tôi chọn ethanol là dung môi thích hợp cho quá trình trích ly hoạt chất fucoxanthin và sử dụng dung môi này cho các nghiên cứu tiếp theo.