Căn cứ vào chức năng sinh sản của mối, có thể chia ra làm 2 loại:
a. Loại mối sinh sản bao gồm: Mối vua, mối chúa, mối giống.
* Mối vua:
Trong tổ mối chỉ có 1 mối vua, cá biệt có 2- 3 mối vua. Mối vua làm nhiệm vụ thụ tinh cho mối chúa. Nó cũng được mối thợ chăm sóc chu đáo nhưng hình thái không thể thay đổi mà giống như mối cánh đực bình thường (Phạm Ngọc Anh, 1967) [1] .
Mối tổ mối chỉ có một mối chúa, cá biệt có 2- 3 mối chúa. Mối chúa làm nhiệm vụ sinh sản, giao phối với mối vua để duy trì nòi giống. Do được chăm sóc chu đáo nên hình thái của nó biến đổi nhiều, bụng có thể lớn gấp 250 - 300 lần đầu. Mỗi ngày mối chúa có thể đẻ hàng triệu trứng một ngày đêm. Trứng mối có màu trắng, chiều dài từ 0,4 - 2mm, tùy từng loại mối mà trứng có hình dạng khác nhau (Trần Công Loanh và Cs, 1997) [7].
* Mối giống
Mối giống thường có 2 loại: Mối giống có cánh và mối giống không có cánh ( Trần Công Loanh và cs, 1997) [7].
Mối giống có cánh: 2 đôi cánh màng dài hơn thân thể, cánh trước và cánh sau có hình dạng và kích thước giống nhau, gốc cánh có ngấn rụng cánh. Khi không bay cánh xếp bằng trên mặt lưng. Mối giống có tính xu quang mạnh (Trần Công Loanh và cs, 1997) [7].
Mối giống không có cánh: Loại này chỉ chiếm ít trong quần thể. Chức năng của chúng là đề phòng khi mối vua hoặc mối chúa chết do già hoặc bệnh… thì chúng sẽ được bồi dưỡng đặc biệt để thay thế.
b. Loại mối không sinh sản: Mối lính và mối thợ
* Mối lính
Chức năng chủ yếu của mối lính là bảo vệ tổ, chống lại kẻ thù. Riêng giống mối Anoplotermes không có mối lính. Để thích nghi với chức năng bảo vệ, mối lính có đầu rất phát triển dài bằng ½ thân thể, miệng hướng về phía trước có loài có cặp hàm rất phát triển, có loài còn có tuyến phun nọc độc để tấn công kẻ thù và bảo vệ tổ tốt hơn [7].
* Mối thợ
Mối thợ làm rất nhiều nhiệm vụ: xây tổ, đắp đường mui, vận chuyển nước, thức ăn, chăm sóc mối vua, mối chúa, mối lính, mối non,... Do vậy chúng chiếm số lượng nhiều nhất trong tổ mối. Cơ quan sinh dục của mối thợ không phát triển. Về hình thái, mối thợ gần giống mối con, miệng gặm nhai hướng xuống dưới, màu sắc thường sẫm hơn. Dạ dày của mối thợ là dạ dày của cả gia đình nhà mối, chỉ có mối thợ trong dạ dày mới có vi khuẩn cộng sinh giúp tiêu hóa xenlulo, vì vậy người ta dùng thuốc diệt mối tận gốc qua
con đường lây nhiễm bệnh từ mối thợ qua nguồn thức ăn (Bộ NN&PTNT, 2006; Trần Công Loanh và Cs, 1997) [4] [7].